Tại Lâm Đồng, với chủ trương xã hội hóa, từ năm 2010 đến nay, nhiều đơn vị tư nhân bỏ ra hàng chục tỉ đồng để đầu tư các bến xe khách đạt tiêu chuẩn theo quy định. Tuy nhiên, khi có bến xe thì chả có xe nào muốn vào bến.
BẾN XE ĐẦU TƯ TIỀN TỈ ĐÌU HIU
Có mặt tại Bến xe Đơn Dương (TT.Thạnh Mỹ, H.Đơn Dương) vào ngày 11.2, PV Thanh Niên chứng kiến có khách đến mua vé xe đi TP.HCM. Thế nhưng lúc này trong bến không có bóng dáng xe khách nào, quầy vé đóng kín; quản lý bến xe đành nhấc điện thoại gọi một nhà xe chạy tuyến Đơn Dương - TP.HCM. Ít phút sau, xe tới đón khách đi nhưng cũng không vào bến.
Bến xe Đơn Dương do Công ty TNHH thương mại Tá Lợi đầu tư, với tổng vốn gần 20 tỉ đồng, được đưa vào khai thác từ năm 2013. Thời gian đầu có khoảng 6 nhà xe đưa xe vào hoạt động, nhưng nay mỗi ngày chỉ có 3 - 4 xe vào bến đón, trả khách. Trên địa bàn H.Đơn Dương mỗi ngày có gần 20 nhà xe chạy các tuyến nội tỉnh và liên tỉnh, trong đó có gần 10 nhà xe chạy tuyến TP.HCM và ngược lại theo tuyến cố định, nhưng đa số núp bóng "xe hợp đồng" để không vào bến xe.
Với Bến xe Di Linh (H.Di Linh), cũng do Công ty TNHH thương mại Tá Lợi đầu tư năm 2018 với tổng vốn hơn 20 tỉ đồng. Từ cuối tháng 5.2022, bến xe này được Sở GTVT Lâm Đồng cho phép đưa vào hoạt động. Thế nhưng từ đó đến trung tuần tháng 2.2023 vẫn chưa có một xe nào vào bến để đậu đón, trả khách, hoặc lấy lệnh xuất bến theo quy định. Ông Đoàn Văn Tá, Giám đốc Bến xe Di Linh, nói: "Bến xe Di Linh được đầu tư rất bài bản, rộng rãi, tiện nghi nhưng chưa có một xe khách nào vào bến, hằng ngày các xe vẫn đón khách ngoài bến kiểu xe dù bến cóc. Chúng tôi có tờ trình gửi Sở GTVT và chính quyền địa phương, nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến gì".
Tương tự, Bến xe Đức Long Bảo Lộc (TP.Bảo Lộc) do Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai đầu tư xây dựng, là bến xe loại 1 duy nhất ở Lâm Đồng. Bến xe có tổng diện tích trên 20.000 m2, cơ sở hạ tầng rất tiện nghi. Thế nhưng, bến này chung cảnh đìu hiu như hai bến xe kể trên. Khu vực trả khách chỉ có một số xe tải đậu; dãy quầy bán vé chỉ có một nhân viên ngồi nhưng hiếm khi thấy khách tới mua vé.
DO ĐỊA ĐIỂM BẾN KHÔNG PHÙ HỢP ?
Trao đổi với Thanh Niên về thực trạng này, ông Nguyễn Văn Gia, Phó giám đốc Sở GTVT Lâm Đồng, cho biết khi đầu tư bến xe Di Linh và Đức Long Bảo Lộc, các đơn vị lựa chọn địa điểm không phù hợp với nhu cầu đi lại, dẫn đến kinh doanh không hiệu quả. "Việc đầu tư các bến xe này ngoài ý định của Sở, nhưng là ý muốn của chủ đầu tư và địa phương. Tại Bến xe Đức Long Bảo Lộc có những nhà xe sau khi đón khách ở bên ngoài, sau đó mới vào bến xe làm lệnh xuất bến", ông Gia nói.
Theo ông Gia, trên thực tế hiện nay có những nhà xe chạy tuyến cố định nhưng kinh doanh theo phương thức "xe hợp đồng". Khi khách lên xe, lái xe mới ghi tên, tuổi hành khách để đối phó việc kiểm tra của cơ quan chức năng. Ông Nguyễn Văn Gia thừa nhận việc thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng chưa thật quyết liệt nên các nhà xe chưa chịu vào bến.
Còn ông Trần Đức Công, Chủ tịch UBND H.Di Linh, cho rằng Bến xe Di Linh không phải bến điểm đầu hoặc điểm cuối, nên các nhà xe đi ngang địa bàn huyện dừng đón khách chứ không vào bến. Huyện có văn bản đề nghị Sở GTVT khi cấp phù hiệu chạy tuyến cố định buộc các nhà xe phải vào bến xe theo quy định; đồng thời huyện giao công an tăng cường xử lý xe đậu đỗ dọc đường đón khách.
Ngày 15.2, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Văn bản số 1044/UBND-GT về tăng cường công tác bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Trong đó, giao công an tỉnh sử dụng dữ liệu trích xuất từ camera giám sát xử lý nghiêm hành vi kinh doanh vận tải trái phép, sai tuyến đã đăng ký, dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định.
Bình luận (0)