|
Theo báo cáo tổng kết sau 25 năm thu hút đầu tư nước ngoài của Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN), kỳ vọng được chuyển giao công nghệ hiện đại từ các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể coi như bị phá sản. Báo cáo này chỉ rõ có đến 80% doanh nghiệp (DN) FDI sử dụng công nghệ trung bình của thế giới khi đầu tư vào VN, chỉ có 5 - 6% sử dụng công nghệ cao và 14% dùng công nghệ lạc hậu.
“Thổi” giá gấp 40 lần
|
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright, nhận xét “cái gọi là công nghệ tiên tiến” nhiều khi chỉ là “rác công nghệ” được “sơn phết” cho phù hợp với tiêu chuẩn môi trường của các nước đang phát triển và sự thiếu thông tin của các lãnh đạo địa phương.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược nhận định: “Qua khảo sát thực tế, nhiều nhà máy của các DN FDI mà tôi được đến tham quan làm việc, đa số máy móc thuộc công nghệ bỏ đi của các nước từ rất lâu rồi. Vấn đề ở đây là việc kiểm soát, kiểm tra về chuyên môn chúng ta đã hơi xuê xoa hay thiếu trách nhiệm”.
Theo Vụ Đánh giá thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KH-CN), việc cải thiện môi trường đầu tư hiện nay đã bỏ qua các yêu cầu quan trọng của công tác thẩm định nhằm rút ngắn thời gian xem xét cấp phép đầu tư. “Khâu thẩm định công nghệ chưa được coi trọng đúng mức, nhiều hồ sơ dự án không có nội dung giải trình về công nghệ hoặc rất sơ sài, nhưng luật Đầu tư lại cho phép nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm về nội dung công nghệ dự án, nên đến khi dự án đổ bể, thất bại rồi thì việc xử lý rất khó khăn”, một nhà quản lý về khoa học công nghệ nhận xét.
Còn nhớ, năm 2013, thanh tra thuế phát hiện hành vi chuyển giá tại một DN nước ngoài là Hualon Corporation (thuộc liên doanh Malaysia - Đài Loan - British Virgin Island) đã gây sốc đối với giới đầu tư kinh doanh. Đó là một dây chuyền máy móc cũ có giá thực chỉ 400.000 USD, được nhập vào VN nâng lên thành 16 triệu USD, gấp 40 lần giá gốc. Bình luận vụ việc này, chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành gay gắt: “Hãy gọi đúng tên sự vật hiện tượng, rằng đó là rác công nghệ thế giới đang đổ vào VN và chính chúng ta bị lừa hay những người gác cổng của chúng ta vừa yếu chuyên môn lẫn trách nhiệm”.
Nhập khẩu ô nhiễm
Đã có nhiều địa phương, tuy được đánh giá là “ngôi sao” trong thu hút FDI, nhưng lại phải trả giá bằng môi trường ô nhiễm nặng nề.
Đơn cử như Bắc Ninh, chỉ riêng trong quý 1/2014, tổng số vốn FDI đầu tư vào các khu công nghiệp xấp xỉ 200 triệu USD, đạt 64% so với kế hoạch cả năm. Nhưng báo cáo từ Tổng cục Thuế cho thấy Bắc Ninh cũng nằm trong số các tỉnh có số DN FDI báo lỗ cao. Năm 2013, cơ quan quản lý môi trường của tỉnh này đã phạt hai DN nước ngoài là Tabuchi Electric và Flexcom liên quan đến môi trường. Trước đó là Công ty Kingmo New Materials chuyên về dệt nhuộm.
|
Nam Định trong mấy tháng đầu năm nay cũng được dự báo là công xưởng của ngành dệt nhuộm khi có hàng loạt dự án dệt nhuộm “khủng” từ Hồng Kông, Trung Quốc như: Luenthai, Foshan Sanshui Jialida, Yulun Giang Tô đặt vấn đề đầu tư. Thế nhưng, điều đáng nói là những ngành công nghiệp phụ trợ như dệt, nhuộm lại đang bị các nước tẩy chay nên đổ sang VN.
Năm 2013, chính phủ Thái Lan đã “khuyên” các DN tại xứ chùa vàng này nên mở rộng đầu tư công nghiệp dệt may sang các nước lân cận, trong đó có VN. Trung Quốc cũng đã nói không với ngành gây ô nhiễm môi trường trầm trọng là dệt nhuộm. Ngược lại, trước sức ép phát triển công nghiệp phụ trợ, chúng ta lại đang mở rộng cửa cho những ngành mà nguy cơ ô nhiễm môi trường cực kỳ cao.
Ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, đã nhiều lần cảnh báo: “Xu hướng xuất khẩu ô nhiễm từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển thông qua FDI ngày càng gia tăng và VN có nguy cơ trở thành một trong những nước có mức nhập khẩu ô nhiễm cao”.
Nguyên Nga
>> Hàng loạt doanh nghiệp FDI chuyển giá, trốn thuế
>> Hàng loạt doanh nghiệp FDI chuyển giá, trốn thuế - Kỳ 2: Không thể nhân nhượng
>> Hàng loạt doanh nghiệp FDI chuyển giá, trốn thuế - Kỳ 3: Chúng ta ưu đãi quá nhiều
Bình luận (0)