Cụ thể, 19 người đứng đầu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại các khu, cụm công nghiệp tỉnh Tiền Giang với hàng chục nghìn lao động vừa ký vào thư chung gửi lên Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất một số biện pháp để doanh nghiệp được sớm quay lại sản xuất, theo tinh thần của Nghị quyết 128 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Chốt cửa ngõ vào TT.Vĩnh Bình, H.Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang |
lê lang |
Theo đó, các doanh nghiệp cho hay, đầu tháng 10, nhiều tỉnh, thành phía nam đã có phương án hoạt động và hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp, người lao động các vấn đề cần làm khi sản xuất trở lại.
Tuy nhiên, riêng tỉnh Tiền Giang vẫn giữ quan điểm tiếp tục lấy mô hình sản xuất “3 tại chỗ” làm trọng tâm, kèm theo các yêu cầu xét nghiệm phức tạp hơn quy định của Bộ Y tế, gây khó khăn cho người lao động cũng như lãng phí tài chính của doanh nghiệp trong lúc khó khăn.
“Theo quan điểm của tỉnh Tiền Giang, cần đến khi 100% người lao động tiêm mũi 2 đủ 14 ngày và người nhà của người lao động được tiêm đủ vắc xin thì mới đủ an toàn để có thể cho doanh nghiệp hoạt động trở lại theo hướng bình thường mới”, bức thư viết.
Bản tin Covid-19 ngày 20.10: Cả nước 3.646 ca nhiễm | TP.HCM dự định gỡ chốt kiểm soát cửa ngõ |
Trong khi đó, các doanh nghiệp cho biết, người lao động tại các doanh nghiệp, đã được tiêm mũi 1 vắc xin đủ 14 ngày đạt hơn 80% nhưng vẫn chưa được quay lại các nhà máy, doanh nghiệp vẫn phải đóng cửa, mặc dù người dân thì được tự do đi lại.
“Cộng đồng một số doanh nghiệp lớn có viết thư kêu cứu gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có phản hồi cụ thể, cũng như không thấy có thay đổi tích cực nào”, các doanh nghiệp phản ánh và nhấn mạnh rằng, việc tỉnh Tiền Giang “một mình đi một đường” khiến cho doanh nghiệp và người lao động rất khổ sở, chuỗi cung ứng đứt gãy (đa số doanh nghiệp ngừng hoạt động hơn 3 tháng qua) và mong muốn “cứu lấy những đơn hàng cuối cùng trước tối hậu thư của khách hàng”.
Từ đó, các doanh nghiệp này khẩn thiết đề nghị được Thủ tướng xem xét có ý kiến để tỉnh không bắt buộc sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 địa điểm”.
Cùng với đó, cho người lao động đang sinh sống tại vùng 1 - 3 đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin đủ 14 ngày được sử dụng phương tiện giao thông cá nhân và xe đưa đón quay lại nhà máy sản xuất từ tháng 11 tới, trên cơ sở doanh nghiệp sẽ cung cấp danh sách và phương án phòng chống dịch trong cơ quan cũng như cam kết của doanh nghiệp và người lao động.
Doanh nghiệp cũng đề nghị cho phép người lao động ngoài tỉnh đã tiêm đủ 2 liều vắc xin quay lại Tiền Giang làm việc.
Ngoài ra, các doanh nghiệp mong muốn chỉ test nhanh kháng nguyên mà không bắt buộc xét nghiệm Realtime PCR mẫu đơn cho người lao động trước ngày đầu tiên quay lại làm việc. Sau đó, doanh nghiệp sẽ thực hiện xét nghiệm hàng tuần theo quy định của Bộ Y tế.
Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về lưu thông hàng hóa, hành khách và phục hồi sản xuất do Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì chiều 20.10, ông Phạm Văn Trọng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, thừa nhận nhiều doanh nghiệp kiến nghị về thực hiện "3 tại chỗ" nên sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Trọng, tỉnh cố gắng sau khi hoàn thành tiêm mũi 2 cho toàn bộ công nhân (dự kiến trong tháng 10 này), thì sẽ bỏ mô hình sản xuất “3 tại chỗ”.
Bình luận (0)