Tiểu thương tẩy chay, trung tâm thương mại gần 50 tỉ bỏ không
Dự án Trung tâm thương mại và siêu thị chợ Cuối (TT.Gia Lộc, H.Gia Lộc, Hải Dương) được tỉnh Hải Dương giao cho Công ty CP đầu tư Tây Bắc thi công với tổng mức đầu tư gần 50 tỉ đồng.
Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2007, hoàn thành vào năm 2009 với diện tích hơn 3.000 m2. Trung tâm này có kết cấu 3 tầng, được thiết kế gần 200 gian hàng với hệ thống thang bộ, thang máy 2 chiều.
Khi mới triển khai, dự án được kỳ vọng sẽ là trung tâm thương mại đầu tiên, hiện đại bậc nhất ở H.Gia Lộc nhưng hơn 10 năm qua, dự án lại lâm cảnh "đắp chiếu" không có người sử dụng.
Theo ông Đoàn Văn Long, Chủ tịch UBND TT.Gia Lộc, trung tâm thương mại này bị bỏ hoang do các tiểu thương tẩy chay. Khi địa phương tiếp nhận dự án đã tổ chức lấy phiếu thăm dò nhưng đa số tiểu thương không nhất trí vào trung tâm thương mại vì vị trí không phù hợp cho hoạt động kinh doanh, buôn bán.
Do không hoạt động, nhiều hạng mục hiện đã xuống cấp trầm trọng. Theo quan sát của PV Thanh Niên, nhiều phần chân tường xuất hiện vết nứt; hệ thống cửa cuốn bị hư hỏng, méo móp; nhiều ô cửa kính vỡ toang. Bên trong trung tâm, nền gạch bong tróc, hệ thống thang cuốn, thiết bị PCCC bị han gỉ; mảnh kính vỡ vụn vương vãi khắp nơi.
"Các thiết bị được đầu tư đã bị lấy trộm hết. Do không hoạt động nên hệ thống bên trong cũng đã hỏng hóc. Địa phương mong UBND tỉnh Hải Dương, UBND H.Gia Lộc sớm có cơ chế, chính sách để kêu gọi cá nhân, tổ chức đến đầu tư và thuê lại mặt bằng để kinh doanh, vừa đỡ lãng phí, lại tạo điểm nhấn cảnh quan cho khu vực, đồng thời giúp nơi này sầm uất hơn", ông Long bày tỏ.
Bỏ hoang "đất vàng" giữa lòng thành phố
Còn tại trung tâm TP.Hải Dương, hơn 2.800 m2 "đất vàng" nằm trên đường Thanh Niên (P.Quang Trung) dành để thực hiện dự án Trung tâm tài chính, ngân hàng và dịch vụ thương mại TP.Hải Dương đã bị bỏ hoang sau gần 13 năm cấp giấy chứng nhận đầu tư. Theo kế hoạch, dự án gồm tổ hợp 2 tòa nhà, trong đó có một tòa 15 tầng và một tòa 19 tầng với các chức năng văn phòng làm việc lĩnh vực tài chính, văn phòng cho thuê, khách sạn, khu vui chơi giải trí… Chủ đầu tư thực hiện dự án là Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó, dự án được chuyển nhượng cho Công ty CP đầu tư và phát triển hạ tầng Nam Quang.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, khu "đất vàng" nêu trên nằm ở vị trí đắc địa, khá gần trung tâm hành chính của thành phố. Khu đất có 3 mặt tiền, các mặt giáp với đường Thanh Niên, Canh Nông và Chu Văn An. Do bỏ hoang đã lâu, bên trong khu đất để cỏ dại, cây cối mọc um tùm còn nhiều vị trí bên ngoài bị người dân tận dụng làm nơi đỗ xe, hoặc tập kết rác thải sinh hoạt.
Ông Nguyễn Đình Hồng, Chủ tịch UBND P.Quang Trung, cho biết bên cạnh bỏ hoang, không triển khai dự án Trung tâm tài chính, ngân hàng và dịch vụ thương mại TP.Hải Dương, chủ đầu tư còn dựng tường rào lấn chiếm vỉa hè ở đường Thanh Niên, khiến công tác lát đá vỉa hè bị ngưng trệ. "Tôi đi tìm chủ đầu tư nhiều lần nhưng không tìm được, cũng không xin được số điện thoại liên hệ để yêu cầu họ trả lại vỉa hè. Quan điểm của phường là mong muốn chủ đầu tư sớm triển khai dự án, để bỏ hoang vậy rất bẩn thỉu, cử tri ý kiến nhiều lắm", ông Hồng nói.
Thực trạng lãng phí "đất vàng" cũng xảy ra tương tự tại thửa đất rộng hơn 2.100 m2 trên đường Thống Nhất (P.Lê Thanh Nghị, TP.Hải Dương). Thửa đất này được tỉnh góp vốn liên doanh bằng giá trị sử dụng đất vào Công ty Xi măng Phúc Sơn từ năm 1996 với thời hạn 50 năm. Mục đích của doanh nghiệp là xây dựng trụ sở làm việc, văn phòng cho thuê.
Qua tìm hiểu, vào năm 2019, do khu đất bị bỏ hoang nhiều năm nên Sở TN-MT tỉnh Hải Dương đã vào cuộc kiểm tra việc chấp hành luật Đất đai của doanh nghiệp. Kết quả xác định vi phạm của Công ty Xi măng Phúc Sơn thuộc diện phải thu hồi đất. Tuy nhiên, sau đó, Công ty Xi măng Phúc Sơn lại có văn bản báo cáo phương án sử dụng đất, cam kết sẽ khởi công xây dựng công trình. Tuy nhiên đến nay thì nơi đây vẫn chỉ là bãi đất trống, dự án xây trụ sở làm việc vẫn chỉ "nằm trên giấy".
Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Anh Đức, Chủ tịch UBND P.Lê Thanh Nghị, cho biết do khu đất cho Công ty Xi măng Phúc Sơn thuê bị bỏ hoang nên theo thời gian, nơi đây trở thành chỗ tập kết rác gây ô nhiễm môi trường.
Thấy đất bỏ hoang, phường và khu dân cư đã huy động nguồn xã hội hóa để đổ xi măng. Sau khi cải tạo, nơi đây được thành phố cho phép làm nơi trông xe miễn phí cho người dân đến vui chơi ở tuyến phố chợ đêm trên địa bàn. Đồng thời, trở thành nơi để thiếu nhi tổ chức sinh hoạt hè, người dân ra tập dân vũ…
Về phương hướng xử lý sắp tới, ông Đức bày tỏ mong muốn cơ quan có thẩm quyền giao đất cho đơn vị khác khai thác, sử dụng vì "đất vàng" bị Công ty Xi măng Phúc Sơn bỏ hoang hàng chục năm rất lãng phí.
Số liệu thống kê thể hiện trên địa bàn TP.Hải Dương có 478 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, cho thuê.
Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư, bảo đảm khai thác sử dụng đất đai có hiệu quả, TP.Hải Dương đã đề nghị UBND tỉnh thành lập đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra 110/478 dự án, trong đó có 51 dự án chậm tiến độ (có 24 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất và 27 dự án đã được giao đất nhưng chưa triển khai xây dựng hoặc xây dựng một phần), 59 dự án sử dụng đất không đúng mục đích, cho thuê lại.
Đặc biệt, đối với 51 dự án chậm tiến độ, TP.Hải Dương đã đề nghị tỉnh thu hồi 7 dự án lãng phí đất, trong đó có dự án Trung tâm tài chính, ngân hàng và dịch vụ thương mại TP.Hải Dương của Công ty CP đầu tư và phát triển hạ tầng Nam Quang; dự án xây dựng trụ sở làm việc, văn phòng cho thuê của Công ty Xi măng Phúc Sơn.
Bình luận (0)