Hàng loạt máy ATM bị rò điện

04/04/2010 23:55 GMT+7

Trong hai ngày 3 và 4.4, 15 đơn vị điện lực khu vực thuộc Công ty điện lực TP.HCM đã ra quân kiểm tra việc đấu nối sử dụng điện tại hơn 860 máy ATM của các ngân hàng trên địa bàn TP, sau khi xảy ra vụ rò điện giật chết người tại buồng ATM của Agribank trên đường Nguyễn Thái Bình (Q.1). * Từ 8-10% máy ATM của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM bị rò điện * Điện lực Hà Nội chưa thể kiểm tra vì phải chờ “ý kiến” ngân hàng

 Nghe đọc bài

Theo thống kê sơ bộ , tỷ lệ máy ATM có hiện tượng rò điện vào khoảng 8 - 10%. Trong đó, tại khu vực Q.Tân Bình có khoảng 143 máy ATM thì khoảng 8% trong số này có hiện tượng rò điện ra các bàn phím. Ông Vũ Mạnh Hải - Phó giám đốc Điện lực Tân Bình - cho biết, nguyên nhân rò điện bước đầu được xác định là do hệ thống điện bên trong máy ATM đấu nối không chuẩn hoặc khi thiết kế không có dây nối đất đi theo. Do đó khi có hiện tượng rò thì dòng điện thay vì được dẫn xuống đất lại lan sang các bộ phận bằng kim loại như bàn phím, vỏ tủ ATM...

Theo ông Hải, dòng điện đo được tại các máy ATM này vào khoảng 50 - 60 V, bình thường chỉ có thể gây tê tê khi chạm vào, song trong trường hợp người bị ướt (do mồ hôi, nước mưa) chạm vào thì dù điện áp rò nhỏ cũng có khả năng giật chết người. Các máy ATM này chủ yếu thuộc các ngân hàng (NH) Vietcombank, Sacombank, Việt Á (VAB), Miền Tây (Western Bank), Á Châu (ACB), Techcombank, BIDV, ANZ... Những máy phát hiện bị rò điện đã được Điện lực Tân Bình cô lập nguồn điện và thông báo đến các NH để không cho khách hàng vào giao dịch.

Nguyên nhân rò điện vẫn là do việc đấu nối điện bên trong tủ ATM không tốt, lâu ngày dẫn đến hở mối nối và rò điện ra các bộ phận bằng kim loại”.

Ông Cao Hoàng Trọng - Phó giám đốc Điện lực Gia Định
Tại khu vực Q.Gò Vấp, Điện lực Gò Vấp cũng tiến hành cô lập 7 máy ATM bị rò điện (chủ yếu là của Sacombank) trong tổng số 70 máy trên địa bàn. Các nhân viên điện lực đã phát hiện dòng điện bị rò tại các máy này có hiệu điện thế khoảng trên dưới 50V.

Điện lực Gia Định cũng đã tiến hành cắt điện hơn 10 máy ATM có dấu hiệu rò điện trong tổng số 170 ATM trên địa bàn Q.Phú Nhuận và Bình Thạnh. Theo ông Cao Hoàng Trọng - Phó giám đốc Điện lực Gia Định - nguyên nhân rò điện vẫn là do việc đấu nối điện bên trong tủ ATM không tốt, lâu ngày dẫn đến hở mối nối và rò điện ra các bộ phận bằng kim loại. Ông Trọng cho biết dòng điện trên 50V là có thể giật chết người, do đó, điện lực đã nhanh chóng cắt điện tất cả các máy ATM có dấu hiệu rò, và chỉ cung cấp điện trở lại sau khi nhân viên điện lực kiểm tra, xác nhận NH đã sửa chữa, đấu nối hoàn chỉnh tại các máy ATM này.

Ông Nguyễn Văn Hảo - Phó giám đốc Điện lực Thủ Thiêm - cho biết, qua quan sát bên ngoài thì phát hiện ra nhiều máy ATM trên địa bàn Q.2 và Q.9 có các dây điện đi lòng thòng bên ngoài, vừa mất mỹ quan vừa không an toàn. Phần lớn các máy ATM này thuộc Vietinbank, điện lực đã có thông báo đến NH để sớm sửa chữa.

Theo lãnh đạo Công ty Điện lực, trong hai ngày cuối tuần, các đơn vị điện lực chủ động đi kiểm tra trước việc đấu nối dây điện bên ngoài phòng ATM để ngăn ngừa kịp thời các sự cố đáng tiếc. Để đảm bảo an toàn, ngành điện đã chính thức có công văn đề nghị phối hợp với các NH tại TP.HCM để kiểm tra việc đấu nối bên trong hệ thống ATM, dự kiến bắt đầu từ đầu tuần này. Về cái chết của em Châu Linh Uyên (học sinh lớp 4) tại buồng ATM của Agribank vào chiều 1.4, ngành điện xác định là do sợi dây cung cấp điện cho hộp quảng cáo gắn bên ngoài buồng ATM bị hở gây rò điện xung quanh phòng ATM bằng nhôm. Sợi dây điện này do NH tự đấu nối với nhiều mối nối nham nhở, bất cẩn.

3 lần bị điện giật khi rút tiền

Chiều 4.4, PV Thanh Niên đã vòng quanh một số điểm rút tiền từ máy ATM trên địa bàn TP.HCM. Tại 2 máy ATM Vietcombank đặt cạnh rạp chiếu phim Thăng Long ở số 19 Cao Thắng, Q.3, lượng người đến rút tiền vẫn rất đông. Lý do chúng tôi chọn điểm ATM này vì chính người viết đã nhiều lần bị giật tê tay khi rút tiền ở đây. Một chị bán trái cây ở phía trước máy ATM này cho biết: "Khách vào rút tiền ở đây bị điện giật thường xuyên, nhất là đối với máy nằm bên trái.

Tuy nhiên có lẽ do chỉ tê tê thôi nên người ta vẫn đến rút". Một phụ nữ bán nước giải khát ở đây bức xúc: "Cái máy này rò điện đã từ lâu rồi nhưng không thấy ai sửa. Có cả mấy ông Tây bị điện giật la om sòm". Chúng tôi nhận thấy hiện máy ATM bên trái đã bị cắt điện, ngưng hoạt động, có lẽ đang chờ khắc phục.

Một khách hàng tên Tuyền (Q.Bình Thạnh) kể rằng chị đã 3 lần bị điện giật khi rút tiền tại máy ATM Vietcombank trên đường Nơ Trang Long (gần nhà hàng Đại Nam), Q.Bình Thạnh. Gần đây chị không dám đến rút tiền tại máy này nữa. Một độc giả tên Nguyễn Xuân Hải đang rút tiền ở một máy ATM trên đường Trần Hưng Đạo cho biết từ hôm xảy ra vụ điện giật chết người, mỗi khi rút tiền anh dùng cây viết bằng nhựa để nhấn phím.

Nguyễn Đình Mười

Phải chờ ngân hàng hợp tác?

Trong khi Điện lực TP.HCM đã chủ động tiến hành kiểm tra toàn bộ máy ATM trên địa bàn để phát hiện rò điện thì Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Hà Nội, bà Quản Thị Hằng cho rằng, Điện lực Hà Nội không thể tự ý tiến hành việc kiểm tra toàn bộ các buồng máy ATM trên địa bàn xem có bị nhiễm điện hay không, mà chỉ có thể tiến hành khi có sự đồng thuận từ phía các NH.

Lời giải thích này hoàn toàn không thuyết phục vì ngành điện có chức năng quyền hạn về quản lý, giám sát, kiểm tra nhằm đảm bảo an toàn điện cho các công trình phục vụ cộng đồng.

Trên địa bàn TP Hà Nội cũng từng xảy ra không ít hiện tượng người dân đi rút tiền tại các máy ATM bị điện giật. Vào khoảng 19 giờ ngày 19.5.2009, anh Giang ở quận Đống Đa, khi rút tiền ở máy ATM đặt trước cửa chi nhánh Đông Đô của BIDV đã bị điện giật. Anh Giang phải nhặt liền mấy tờ biên lai để bọc vào ngón tay thì mới rút được tiền. Khoảng 4 giờ chiều ngày 27.4.2009, anh Lê Dũng cũng bị điện giật đau điếng cả cánh tay khi rút tiền tại máy ATM trước cổng Công ty môi trường đô thị Từ Liêm trên đường Phạm Hùng. Một nạn nhân khác là chị Thục Anh phản ánh: Lần rút tiền tại buồng ATM của Vietcombank trên đường Nguyễn Sơn (Gia Lâm), chị bị điện giật tê tay khi nhấn phím.

Bà Nguyễn Tú Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ thẻ SmartLink, cho biết, về mặt kỹ thuật thì chất lượng các máy ATM đều đạt yêu cầu, thế nhưng không phải bất cứ một địa điểm nào cũng đáp ứng được yêu cầu lắp đặt buồng hay cột rút tiền ATM. Theo bà Tú Anh, phải khảo sát và kiểm tra, nếu vị trí nào đạt chuẩn thì mới cấp phép cho tiến hành lắp đặt các máy ATM.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực thẻ ATM cho biết, phần lớn là các loại máy ATM đang sử dụng cho các NH tại VN được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế, dây tiếp đất được chôn dưới độ sâu 2 mét để tránh sự cố điện giật. Nhưng trên thực tế, các máy ATM này lại được lắp đặt tại những vị trí rất khác nhau và chỉ một số máy lắp trên vỉa hè mới đáp ứng được yêu cầu. Còn tại những nơi như trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn lớn thì việc “hạ thổ” dây tiếp đất sâu dưới 2m là rất khó thực hiện vì còn liên quan tới các công trình hạ ngầm trong khu vực.

Minh Sang

 

P.Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.