Hàng loạt ông chủ “mất tích”

20/01/2010 00:14 GMT+7

Hàng chục chủ doanh nghiệp ở Bình Dương, TP.HCM đột ngột “mất tích”, quỵt lương hàng ngàn công nhân, đẩy người lao động nghèo vào cảnh khốn đốn.

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bình Dương, trong năm 2009 đã có 10 chủ doanh nghiệp “mất tích”, quỵt lương hàng ngàn người lao động. Còn tại TP.HCM, có 13 doanh nghiệp (DN) làm ăn thua lỗ, chủ biến mất và nợ lương hàng tỉ đồng.

Công nhân khốn khổ

Sáng ngày 19.1, chúng tôi tìm đến Công ty TNHH Hason, sản xuất giày da đóng tại KCN Tân Định (xã Tân Định, H.Bến Cát, Bình Dương). Đã hơn 5 tháng Tổng giám đốc Oh Young Hwan và Phó tổng giám đốc Park Joung An (Hàn Quốc) bỏ trốn về nước, “xù” lương của 669 người lao động. Bên ngoài, tấm bảng thông báo có dán giấy của TAND H.Bến Cát triệu tập tổng giám đốc. Kế bên, dán thông báo của Cục Thi hành án tỉnh Bình Dương rao bán đấu giá tài sản của Công ty Hason với giá khởi điểm gần 7,4 tỉ đồng để thi hành... 22 bản án và quyết định của TAND H.Bến Cát, TAND Bình Dương và Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM.

 

Công ty TNHH Hason (Bình Dương) trong giai đoạn đóng cửa để chờ bán đấu giá - ảnh: H.Tuấn

Tranh thủ giờ nghỉ, chị Phạm Thị Trinh (29 tuổi) đạp xe đến Công ty Hason với hy vọng tìm kiếm thông tin vì nghe UBND tỉnh Bình Dương rót ngân sách trả lương cho công nhân. Chị Trinh kể: “Tôi làm ở Công ty Hason được 3 năm nay với mức lương gần 1,7 triệu đồng/tháng. Những năm đầu, chúng tôi đều nhận lương đầy đủ dù cuối năm 2008 công ty bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế. Đến tháng 8.2009, công nhân sững sờ khi nghe tin tổng giám đốc bỏ trốn về nước, trong khi đang nợ lương chúng tôi 2 tháng (tháng 6, 7) cùng với BHXH và trợ cấp thôi việc”.

Tổng giám đốc bỏ trốn, hàng trăm công nhân rơi vào cảnh khốn đốn. Chị Trinh cũng phải “nằm” nhà hơn 3 tháng, làm thêm đủ nghề để kiếm sống. Chị Trần Thị Hường (23 tuổi, quê Nghệ An) bi đát hơn, từ ngày bị “giật” lương cho đến nay vẫn còn nợ chủ nhà trọ 4 tháng tiền thuê nhà. Chị Hường buồn bã: “Công nhân lao động cực khổ để kiếm tiền mưu sinh, vậy mà họ đành lòng quỵt lương chúng tôi. Khi nghe tin tổng giám đốc bỏ trốn, tôi như muốn ngất xỉu vì lỡ hứa với chủ nhà trọ trả tiền khi đến kỳ lương. Mấy tháng nay, tôi phải lây lất sống nhờ mấy người bạn thân để chờ kiếm việc làm. Mới đây, nghe tin UBND tỉnh trích ngân sách trả lương cho người lao động ai cũng mừng. Hy vọng nhận được lương trả nợ, chứ không mong có tiền về quê”.

Chiều qua 19.1, ông Đặng Văn Chum, Chánh án TAND H.Bến Cát cũng cho biết, đã thụ lý đơn kiện của 300 công nhân kiện Công ty Hason ra tòa để đòi tiền lương và BHXH. Hiện tòa án đang làm thủ tục triệu tập tổng giám đốc ra tòa. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Khương, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương thông tin: “Chia sẻ với người lao động, mới đây UBND tỉnh Bình Dương đã giao cho Sở Tài chính ứng 1,1 tỉ đồng từ ngân sách trả lương cho công nhân để họ có tiền về quê. Chậm nhất là đến ngày 23 âm lịch phải giải quyết cho người lao động. Riêng tiền trợ cấp thôi việc, thì LĐLĐ tỉnh đang đề nghị tòa án buộc Công ty Hason phải chi trả cho công nhân”.

Người “mất tích” tăng đột biến

Theo báo cáo của LĐLĐ tỉnh Bình Dương, trong năm 2009, trên địa bàn Bình Dương đã có đến 10 chủ DN “mất tích” để lại món nợ 12,6 tỉ đồng, trong đó nợ lương của 2.800 công nhân là 3,8 tỉ đồng, nợ BHXH 4,7 tỉ đồng và nợ khác khoảng 4 tỉ đồng. Nếu tính luôn 2 công ty “ra đi không hẹn ngày trở lại” cuối năm 2008 (Công ty TNHH JS Vina và Công ty TNHH Jungdawa Vina) thì số nợ lên đến 27,5 tỉ đồng (trong đó nợ lương công nhân 5,1 tỉ); đó là chưa tính đến hàng chục tỉ đồng trợ cấp thôi việc cùng với khoản nợ khổng lồ với các đối tác khác.

 

Công nhân cơ sở Hoàng Nghiệp (TP.HCM) bàng hoàng khi nghe chủ doanh nghiệp bỏ trốn - ảnh: Bảo Thiên

Theo ông Nguyễn Văn Khương, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương: “Tính đến nay, UBND tỉnh đã trích ngân sách 2,6 tỉ đồng để trả lương cho công nhân. Tuy nhiên, vẫn còn 857 công nhân bị “xù” lương từ cuối năm 2008 (khoảng 1,4 tỉ đồng) chưa được nhận lương dù LĐLĐ tỉnh đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan, ban, ngành hỗ trợ. Ngoài ra, còn có 382 công nhân của Công ty TNHH Phước Lộc (chủ DN bỏ trốn vào ngày 23.10.2009) vẫn đang trong giai đoạn giải quyết”. Điều đáng lưu ý là trong số 10 ông chủ “biến mất”, thì có đến 8 doanh nghiệp là của người nước ngoài và 2 cơ sở được đầu tư “núp bóng” do người Việt Nam đứng tên. Vì sao DN “mất tích” tăng đột biến so với năm trước? Ông Khương lý giải: “Năm 2008 được đánh giá là khủng hoảng kinh tế kéo dài cho đến nay, làm ảnh hưởng một số DN. Bên cạnh đó, các chủ DN bỏ trốn chủ yếu là nhà đầu tư nhỏ (trừ Công ty Hason), vốn ít nên dễ thất bại”.

 

Chị Phạm Thị Trinh, công nhân Công ty Hason phản ánh về trường hợp bị “xù” lương - ảnh: H.Tuấn

Tại TP.HCM, tính từ đầu năm đến nay cũng có đến 11 ông chủ của 13 DN làm ăn thua lỗ “biến mất”, nợ lương gần 3.000 lao động với nhiều tỉ đồng. Gần đây nhất, vào giữa tháng 12.2009, Giám đốc của Công ty Việt Ánh Sáng (xã Tân Phú Trung, H.Củ Chi) đã “lặn mất tăm” khi đang nợ hơn 600 triệu đồng tiền lương của 192 công nhân. Trước đó, vào ngày 10.10.2009, hơn 500 công nhân Công ty TNHH may Dục Quân (100% vốn Đài Loan) phải nhờ cơ quan chức năng can thiệp vì đến ngày lãnh lương mà Giám đốc công ty, ông Lin Shih Ming lại “mất tích”. Sau khi kiểm tra tài khoản ngân hàng, kế toán trưởng của Công ty Dục Quân mới hoảng hốt vì ông chủ đã ôm hết tiền trong tài khoản bỏ trốn. Trong khi đó, Công ty Dục Quân còn nợ tiền lương công nhân 1 tỉ đồng, nợ cơ quan BHXH 1,8 tỉ đồng và nợ tiền thuê mặt bằng gần 500 triệu đồng.

Ngoài Dục Quân, trong năm 2009 hàng loạt chủ DN khác cũng biến mất như Công ty ShinB (Q.12) nợ lương của 93 công nhân với số tiền 303 triệu đồng, Công ty Hoàng Nghiệp (Q.Bình Tân) “xù” 101 triệu đồng của 44 công nhân, chủ cơ sở may Diệu Tân (Q.Bình Tân) cũng đột ngột bỏ trốn, nợ lương của 30 người khoảng 70 triệu đồng...

Theo LĐLĐ TP.HCM, các cơ quan chức năng đang tiến hành kiểm tra xác định việc giám đốc bỏ trốn, thống kê tài sản, danh sách công nhân chưa được nhận lương, trợ cấp để tiến hành các thủ tục đề nghị UBND TP xem xét giải quyết theo Quyết định 30 của Thủ tướng Chính phủ.

Trước mắt thành phố sẽ trích ngân sách trả lương cho công nhân có chủ bỏ trốn từ đầu năm 2009 đến nay, sau đó sẽ lấy tiền thanh lý tài sản trả về cho ngân sách. Đến nay, nhiều trường hợp đã được giải quyết như ShinB, Hoàng Nghiệp… “Riêng trường hợp giám đốc là người nước ngoài, UBND TP đã chỉ đạo Sở Ngoại vụ làm việc với tổng lãnh sự các nước để yêu cầu giám đốc phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với người lao động, đồng thời đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh tạm thời không cho giám đốc công ty xuất cảnh trong thời gian giải quyết vụ việc” - một cán bộ LĐLĐ TP.HCM cho biết.

Hoàng Tuấn - Bảo Thiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.