Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc đảm bảo thi hành luật Đầu tư và luật Doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 1.7.2016, thời gian qua các bộ ngành đã tạo ra một “chiến dịch” về xây dựng, ban hành văn bản. Đến thời điểm hiện nay còn 86 nghị định cần phải ban hành trước ngày 1.7, trong đó có 49 nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo luật Đầu tư.
Tranh thủ lồng ghép lợi ích vào nghị định
Phản ánh tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) Nguyễn Thị Kim Anh cho biết qua rà soát ngành nông nghiệp có 35 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với 34 thông tư điều chỉnh, theo tinh thần của luật Đầu tư, bộ này đã gom các thông tư thành 1 nghị định và dự kiến sẽ bỏ 3 ngành nghề ra khỏi diện kinh doanh có điều kiện. “Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là nhận diện thế nào là điều kiện kinh doanh, hiện nay có rất nhiều cách hiểu khác nhau, bên cạnh đó còn có sự chồng lấn giữa các ngành với nhau trong các lĩnh vực phân bón, quan trắc, bảo vệ môi trường”, bà Kim Anh nói. Tương tự, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước) Đoàn Thái Sơn nhận xét: “Có nhiều quy định được coi là điều kiện nhưng thực chất là tiêu chuẩn để doanh nghiệp hoạt động nên anh em rất lúng túng”.
Bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư cần làm rõ hơn khái niệm đầu tư kinh doanh.
Về chất lượng các văn bản mà các bộ, ngành đã nộp về Bộ Tư pháp để thẩm định, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Kim Thoa bày tỏ: “Rất lo lắng ở tính khả thi của văn bản, tính thống nhất và tính đồng bộ, thuận tiện cho áp dụng và tính minh bạch”. “Rất nhiều bộ ngành đã nâng điều kiện kinh doanh theo cơ học chứ không theo tinh thần của luật. Trong đó, trong các tờ trình chưa đưa ra được cái gì bỏ, cái gì giữ lại. Trong một số ngành, lĩnh vực, điều kiện kinh doanh được chuyển từ thông tư lên nghị định nhưng về trình tự thủ tục lại nằm lãng đãng trong các văn bản khác nên khi áp dụng sẽ vô cùng khó khăn”, bà Thoa nói.
Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Tú nhận xét việc xây dựng các văn bản theo luật Đầu tư đang tạo ra hàng loạt “siêu nghị định” gây khó khăn, phức tạp không chỉ cho cơ quan chủ trì mà cả cơ quan thẩm định. Dẫn lại việc Bộ Công thương gom 22 thông tư thành 1 nghị định, Bộ Y tế chuyển 70 thông tư thành 12 nghị định, hay Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn xây dựng 1 nghị định trên cơ sở nâng cấp 34 thông tư quy định nhiều lĩnh vực đã dẫn đến chất lượng khó đảm bảo. Mặt khác, cũng do thời gian quá gấp nên các ngành chạy theo lĩnh vực do mình quản lý dẫn đến sự chồng chéo với nhau. Điển hình Nghị định về đầu tư kinh doanh của Bộ Công thương có đề cập đến điều kiện đầu tư trong lĩnh vực khoáng sản cũng trùng với nghị định của Bộ Tài nguyên - Môi trường, ông Tú nêu ví dụ và cho biết không chỉ chồng chéo các bộ ngành, mà trong một bộ ngành cũng có tình trạng này.
Không tạo thêm một nấc khổ cho doanh nghiệp
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, do yếu tố thực hiện văn bản theo quy trình rút gọn nên hầu hết các dự thảo không thể tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu tác động trực tiếp, không đánh giá tổng kết thực tiễn… Nhiều văn bản rất kém chất lượng, trong đó Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực công thương lại viện dẫn các yêu cầu, điều kiện quy định tại các thông tư của Bộ Công an.
Đánh giá tại cuộc họp, ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho rằng các văn bản về điều kiện kinh doanh thà bỏ sót chứ không nên có điều kiện xấu, nhầm. “Cứ bỏ sót có khi càng tốt cho doanh nghiệp. Còn đối với những vấn đề liên quan đến an toàn sinh mệnh, sức khỏe thì phải làm chặt chẽ”, ông Hà nói.
Ghi nhận các phản ánh tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị trong quá trình xây dựng văn bản, nếu thấy các ngành nghề kinh doanh quy định của luật Đầu tư không phù hợp thực tiễn thì các bộ ngành cần báo cáo gấp để Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi danh mục cho phù hợp.
Bình luận (0)