Hàng loạt tiểu thương bỏ chợ vì không có khách

Nguyên Nga
Nguyên Nga
12/10/2021 19:42 GMT+7

Đó là thực trạng khi chợ truyền thống An Đông và An Đông Plaza (chợ An Đông 2, quận 5, TP.HCM) mở cửa hoạt động trở lại từ ngày 10.10.

Không có người mua

Một số tiểu thương kinh doanh tại An Đông Plaza đang chở dần hàng hóa từ chợ về nhà. Một tiểu thương cho biết, nếu ổn sẽ thuê sạp bên chợ An Đông truyền thống để kinh doanh trở lại, còn hiện thì càng gồng, càng "chết", bởi dịch giã chưa biết khi nào hết... Ngày đầu tiên mở cửa, có tới vài chục sạp, chủ yếu những quầy hàng phục vụ khách du lịch khi chưa có dịch Covid-19 rời chợ.

Các quầy sạp chợ An Đông sau khi được mở bán trở lại, lác đác vài quầy sạp mở cửa

ng.ng

Tương tự, một số quầy sạp kinh doanh đồ khô tại tầng hầm chợ An Đông cũng đến chợ để...chở hàng về nhà bán online. Tuy nhiên, do bị đóng từ cuối tháng 5, nhiều mặt hàng đồ khô như mực, hạt điều, mứt, bánh kẹo… bị hư hỏng nặng.

Trao đổi với Thanh Niên, một số thương nhân kinh doanh tại chợ An Đông cho biết, ngày đầu tiên (10.10) chợ An Đông mở cửa cho tiểu thương vào bán, nhưng rất nhiều người vào chở hàng về để bán hoặc làm thủ tục trả lại quầy sạp (An Đông Plaza). Số tiểu thương vào chợ ngày đầu khá khiêm tốn, chỉ khoảng 10%. Nhưng 2 ngày sau đó, đa số tiểu thương bán hàng thời trang, mỹ phẩm, đồ khô… không ra chợ nữa.

Chợ thực phẩm An Đông mở cửa, tiểu thương chỉ dám bán cầm chừng

Bà T.T, tiểu thương kinh doanh hàng áo quần tại chợ An Đông buồn bã giải thích, người mua hàng từ các tỉnh miền Tây vẫn chưa lên được TP.HCM. Các tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau… vẫn đang hạn chế người dân ra đường nên các shop áo quần dưới các tỉnh này báo chưa lấy hàng. Thế nên, nếu bà và các tiểu thương khác muốn quay trở lại chợ đã không bán được hàng lại phải trả tiền nhân viên, điện nước. "Nên… đành lỗi hẹn, chờ hết tháng 10 xem thế nào" - bà nói.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại chợ Tân Bình. Bà Phụng, tiểu thương chuyên kinh doanh hàng giày dép trong chợ này cho hay, hàng hóa được gia đình chở về nhà hơn một nửa trước khi chợ phong tỏa chống dịch. Một số nay đã “lỗi mốt”, chỉ chờ bớt dịch, đổ đống bán hạ giá được đôi nào hay đôi đó. Hiện tại, các tiểu thương kinh doanh hàng thời trang, đồ cưới, giày dép… tại chợ Tân Bình chưa có kế hoạch vào chợ ngồi bán trong tháng 10 này.

TP.HCM sẽ mở tiếp 23 chợ truyền thống trong 3 ngày tới

Cập nhật đến chiều 12.10, có 46/234 chợ truyền thống tại TPHCM đã mở cửa.

Nhiều tiểu thương cho biết vào để dọn kho, chở hàng về nhà

ng.ng

Sở Công thương TP.HCM cho biết, dự kiến từ nay đến ngày 15.10, thành phố sẽ mở lại thêm 23 chợ. Bao gồm: chợ Bình Khánh (TP.Thủ Đức); chợ Dân Sinh, chợ Thái Bình (quận 1); chợ Bàn Cờ, Nguyễn Văn Trỗi, Vườn Chuối (quận 3); chợ Phùng Hưng, Tân Thành, Đồng Khánh (quận 5); chợ Tân Mỹ (quận 7); chợ Rạch Ông, Phạm Thế Hiển, Nhị Thiên Đường, Xóm Củi (quận 8); chợ Bình Hưng Hòa, Da Sà (Cây Da Sà), Khu phố 2, Bình Long, Kiến Đức (quận Bình Tân); chợ Phú Nhuận, Trần Hữu Trang, Nguyễn Đình Chiểu (quận Phú Nhuận) và chợ Phước Lộc (huyện Nhà Bè).

Ngày trở lại 'không cảm xúc' của bà con tiểu thương chợ Bến Thành

Theo Sở Công thương TP.HCM, sau ngày 15.10, cơ bản các quận huyện trên địa bàn TP sẽ có chợ mở cửa hoạt động trở lại, quy mô công suất đa số dưới 50% theo quy định của UBND TP.HCM. Tuy đến nay, TP không còn giới hạn chỉ mở bán hàng thiết yếu mà cho mọi mặt hàng có thể tham gia kinh doanh nếu đáp ứng đúng các quy định hoạt động an toàn của Bộ tiêu chí mở lại chợ an toàn của UBND TP.HCM, song có một thực tế là đa số các mặt hàng tạm gọi là không thiết yếu như thời trang, giày dép… khó khởi động trở lại.

Chợ Tân Bình sau ngày mở cửa vẫn đìu hiu

l.n

Đa số các tiểu thương cho biết, khó khăn lớn nhất là có được khách hàng vào chợ. Thế nên, Chính phủ nên có chỉ đạo hạn chế tối đa tình trạng “ngăn sông cấm chợ” tại các địa phương. TP.HCM mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối chỉ hiệu quả khi các tỉnh cũng nới giãn cách và cho người được rời địa phương lên TP mua hàng và trở về lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.