Hàng loạt vệ tinh rơi vì bão mặt trời, NASA tìm cách ứng phó

21/02/2022 18:18 GMT+7

Vụ 40 vệ tinh Starlink của Hãng SpaceX gặp nạn trong đợt bão mặt trời hồi đầu tháng 2 một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động, buộc thế giới phải sớm nghĩ cách đối phó.

Mô phỏng phản ứng của lá chắn địa từ bảo vệ trái đất trước một cơn bão mặt trời

đại học michigan

Hãng SpaceX vừa cập nhật thông tin về số phận của những vệ tinh xấu số trên. Theo đó, trước khi bão ập đến, đội ngũ Starlink đã chuyển các vệ tinh trên quỹ đạo về chế độ an toàn, trong nỗ lực “lướt” qua bão mặt trời và hạn chế tối thiểu tổn thất. Tuy nhiên, không may là 40 vệ tinh không thể quay lại hoạt động và được cho đã rơi trở lại khí quyển trái đất.

Sự cố trên là minh chứng cho thấy mối đe dọa tiếp diễn từ các cơn bão điện từ đến từ mặt trời.

Nguy cơ ngang ngửa đại dịch

Theo Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), bão mặt trời có thể làm gián đoạn hoạt động phát sóng, gây nhiễu tín hiệu viễn thông, gây tổn hại mạng lưới điện, tác động tiêu cực đến những hệ thống định vị toàn cầu.

“Trong trường hợp nghiêm trọng nhất, một cơn bão mặt trời có thể gây tổn thất kinh tế tương đương siêu bão cấp 5 hoặc sóng thần”, Space.com dẫn lời tiến sĩ Sten Odenwald của Trung tâm bay không gian Goddard thuộc NASA vào năm 2017.

Thời điểm đó, toàn cầu có hơn 900 vệ tinh đang hoạt động trên các tầng quỹ đạo trái đất, với giá trị tương đương từ 170 đến 230 tỉ USD. Số vệ tinh này hỗ trợ cho ngành công nghiệp thu về 90 tỉ USD/năm.

Theo tính toán của tiến sĩ Odenwald, một siêu bão mặt trời khi ấy có thể gây thiệt hại đến 70 tỉ USD, dựa trên số liệu gộp từ vệ tinh bị hỏng, dịch vụ bị mất và tổn thất lợi nhuận trong thời gian sửa chữa. Vào thời điểm hiện tại, tổn thất kinh tế ắt hẳn phải cao hơn nhiều so với cách đây gần 5 năm.

Mô phỏng ảnh hưởng của bão mặt trời lên các tài sản công nghệ của trái đất

Cơ quan không gian châu âu

Tháng 8.2021, nhà nghiên cứu Gabor Toth của Đại học Michigan (Mỹ) cảnh báo hiện chỉ có hai thảm họa tự nhiên đủ sức gây ảnh hưởng bao trùm nước Mỹ. “Thứ nhất là đại dịch, còn lại là sự kiện thời tiết không gian cực đoan”, ông cho biết.

Chuyên gia Toth phân tích rằng vào thời điểm một siêu bão mặt trời ập đến, nước Mỹ sở hữu toàn bộ tài sản công nghệ có thể đối mặt rủi ro. “Nếu một cơn bão mặt trời tương tự sự kiện Carrington năm 1859 tái diễn, các điện lưới trên toàn quốc, vệ tinh và hệ thống viễn thông ở Mỹ có thể bị đánh sập toàn bộ”, ông cảnh báo.

Sự kiện Carrington, được đặt tên theo nhà thiên văn học người Anh đã phát hiện siêu bão khi đó, đã ập xuống trái đất vào tháng 8.1859. Khi ấy, các mạng lưới điện vẫn trong giai đoạn sơ khai. Cơn bão gây hỏa hoạn tại một số tòa nhà ở châu Âu và Mỹ, đồng thời phóng ra cực quang đến tận phía nam Cuba.

Nỗ lực đối phó

Hiện chuyên gia Toth và đội ngũ của ông đã phát triển phiên bản 2.0 của Geospace Model. Đây là hệ thống máy học tối tân và công cụ phân tích thống kê hiện đại, cho phép các nhà thiên văn học và những công ty điện lực phát hiện sớm 30 phút trước khi bão mặt trời ập đến địa cầu.

Trong khoảng thời gian ít ỏi này, các bên có thể điều chỉnh những hệ thống điện tử chuyển sang chế độ an toàn hoặc chế độ chờ, đợi bão qua. Hiện Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cũng đang sử dụng công cụ trên.

Bên cạnh đó, NASA đã triển khai nhiều sứ mệnh và phóng một loạt tàu du hành trong những năm gần đây với mục tiêu dự đoán hành vi đầy hỗn loạn của mặt trời. Ví dụ, năm 2006, cơ quan không gian Mỹ khởi động sứ mệnh STEREO, theo đó phóng hai tàu quan sát nhằm đo đạc “luồng năng lượng và vật chất” di chuyển từ mặt trời đến trái đất.

Hiện NASA đang xúc tiến hai sứ mệnh mới, bao gồm tàu thám hiểm MUSE và HelioSwarm, nghiên cứu khí quyển mặt trời và thời tiết không gian, theo Engadget dẫn lời ông Thomas Zurbuchen, trợ lý giám đốc về khoa học của NASA thông tin trong tháng 2.

Cho đến nay, các nỗ lực đối phó bão mặt trời chỉ mới dừng lại ở việc tăng cường năng lực cảnh báo sớm nhằm hạn chế tổn thất. Chưa rõ NASA và thế giới sẽ có biện pháp nào khả dĩ hơn trong tương lai hay không.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.