Gần đây, mạng xã hội chia sẻ những clip, hình ảnh ghi lại cảnh người dân đi qua khu vực cầu Kinh Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) phải đẩy bộ vì không mở được khóa xe thông minh (smartkey). Nhiều người tắt máy khi dừng đèn đó cũng không mở khóa được để tiếp tục di chuyển. Việc phải đẩy bộ giữa trời nắng hay mưa to khiến người dân càng thêm vất vả. Ai nấy đều thắc mắc khi gặp tình trạng trên và cứ nghĩ xe gặp sự cố.
Trước đó, người dân ở đường Bà Hạt (Q.10), đường Phạm Hữu Lầu (Q.7), đường Hoàng Diệu (Q.4), đường Phạm Phú Thứ (Q.Tân Bình)... cũng phản ánh tình trạng ô tô, xe máy sử dụng chìa khóa thông minh không khởi động được. Việc này, đã gây ra nhiều bất tiện cho người dân và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trong khu vực.
Sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực II - Cục Tần số vô tuyến đã thành lập đoàn xử lý can nhiều, xuống hiện trường khảo sát, thu đo và tìm ra "thủ phạm chính" của những thiết bị gây ra tình trạng trên. Đơn vị đã tiến hành xử lý, tình trạng không mở được khóa xe không còn, việc di chuyển của người dân trở lại bình thường.
Xem nhanh 12h: Hàng loạt xe máy ở TP.HCM bỗng không mở được khóa: Cách xử lý thế nào?
Chia sẻ với Thanh Niên, ông Nguyễn Cảnh Thế, Giám đốc Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực II - Cục Tần số vô tuyến cho biết, việc người dân gặp sự cố không mở được khóa xe ở khu vực cầu Kinh Thanh Đa là do thiết bị cảnh báo có người qua lại gặp sự cố nên gây ra hiện tượng nhiễu sóng. Còn ở khu vực đường Bà Hạt, Q.10 là do bộ đổi nguồn AC/DC (Adapter) cấp nguồn cho modem truyền hình cáp và internet của một hộ dân bị lỗi.
Khu vực đường Phạm Hữu Lầu (Q.7) là do bộ đổi nguồn cấp nguồn cho đèn LED gây ra. Còn khu vực đường Hoàng Diệu (Q.4), đường Phạm Phú Thứ (Q.Tân Bình) là do thiết bị báo khẩn liên động trong hệ thống báo cháy được lắp ở các nhà dân trong khu vực.
"Tùy thiết bị sẽ gây ra hiện tượng nhiễu sóng với phạm vi, khoảng cách khác nhau. Có nhiều thiết bị sử dụng tần số có thể gây ra hiện tượng nhiễu sóng như điều khiển cửa cuốn, hệ thống nhận diện người qua lại, chuông báo cửa, cục đổi nguồn đèn LED, cục đổi nguồn modem wifi, thiết bị báo cháy… Những thiết bị này gặp sự cố kỹ thuật sẽ gây can nhiễu. Khi tần số bị can nhiễu, nhiều quá trình nhận dạng sẽ thất bại, dẫn đến không thể khởi động được ô tô, xe máy, không mở được nhà cửa...", ông Thế cho biết.
Có 2 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thiết bị điện, điện tử gây ra can nhiễu. Một là bị lỗi kỹ thuật. Hai là chất lượng không đảm bảo. Lỗi kỹ thuật được cho là lỗi khách quan vì sau thời gian sử dụng có thể thiết bị bị lỗi. Với lỗi chất lượng không đảm bảo, người dân nên mua và sử dụng những thiết bị điện, điện tử, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Người dân không nên chọn những thiết bị không đảm bảo chất lượng, không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
"Việc xảy ra hiện tượng nhiễu sóng sẽ gây ra những bất tiện trong cuộc sống người dân. Nhiều người tắt máy, khóa cổ xe, không khởi động được nên di chuyển khó khăn, vất vả. Nhiều người còn tưởng xe bị hư phải đẩy đi sửa mất nhiều thời gian, tiền bạc", ông Thế nói.
Khi gặp hiện tượng nghi ngờ can nhiễu, người dân có thể phản ánh qua SĐT đường dây nóng 0862.929.292 của Cục Tần số vô tuyến điện, thông báo cho các Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực trên cả nước hoặc các Sở Thông tin và Truyền thông ở địa phương để các cơ quan chức năng kịp thời xử lý.
Bình luận (0)