* Công nhân Công ty Pou Yuen VN đình công
Chỉ riêng tại TP.HCM, cơ quan bảo hiểm xã hội đã phải khởi kiện tới 1.700 doanh nghiệp để đòi quyền lợi cho người lao động bị chiếm dụng, với tổng số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng.
Công nhân Công ty PIA Toàn Cầu tập trung đòi tiền BHXH tại trụ sở công ty vào năm 2014 - Ảnh: Đình Nguyên
|
Theo báo cáo tổng kết của Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM, năm 2014, cơ quan này đã khởi kiện 1.700 đơn vị trên địa bàn nợ BHXH kéo dài, đòi gần 130 tỉ đồng. Tổng số tiền phải thu trong năm 2014 là 33.500 tỉ đồng, nhưng số nợ gần 1.500 tỉ (chiếm 4,35%). Còn theo báo cáo của BHXH VN, tổng số tiền nợ BHXH trên phạm vi cả nước chiếm 4,93% tổng số tiền BHXH phải thu.
|
"Nếu doanh nghiệp không đóng sẽ gây thiệt thòi rất lớn cho người lao động, cơ quan bảo hiểm không ghi nhận nên người lao động hoàn toàn mất quyền lợi lẽ ra được hưởng", ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết.
Người lao động “lãnh đủ”
Mới đây, qua thanh tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đối với 18 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn, Thanh tra TP.HCM phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng: kê khai gian lận số lao động, thu nhập của lao động; nợ đọng tiền BHXH kéo dài, thậm chí trừ đầy đủ các loại bảo hiểm của người lao động nhưng không trích nộp vào quỹ BHXH...
Tính đến cuối tháng 7.2014, 18 DN này còn nợ hơn 28 tỉ đồng. Khi bị thanh tra, 15 DN mới nộp hơn 9 tỉ đồng khắc phục, các DN còn lại vẫn chưa “nhúc nhích”. Trong đó có 8 DN (Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thanh Tiên, Công ty TNHH MTV Trương Anh, Công ty cổ phần lai dắt và vận tải chim ưng - Falcon T&T, Công ty TNHH E-WON VN...) hoạt động kinh doanh có lãi nhưng cố tình không nộp. 6 DN hoàn toàn không kê khai và không nộp đồng bảo hiểm nào cho 409 lao động. Còn 4 DN trích nộp BHXH thấp hơn quy định đối với 168 lao động. Hậu quả là 495 lao động tại các DN này đã nghỉ việc, nghỉ hưu nhưng đến nay vẫn bị treo sổ, chưa thể hưởng lương hưu, BHTN và đặc biệt là không được gia hạn BHYT.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM, cho biết thời gian qua đã từng xảy ra nhiều vụ tranh chấp căng thẳng giữa người lao động với chủ DN liên quan đến BHXH. Điều đáng nói hơn là nhiều trường hợp khi chủ DN bỏ trốn mới phát hiện còn nợ BHXH của người lao động. Tháng 4.2014, Giám đốc Công ty TNHH MTV PIA Toàn Cầu (100% vốn Hàn Quốc, trụ sở tại Q.12) là ông Lee Sang-soo (quốc tịch Hàn Quốc) đột ngột “mất tích” cũng đã để lại khoản nợ công nhân (CN) 2,5 tỉ đồng tiền lương và nợ 2,8 tỉ đồng tiền BHXH. Trước hoàn cảnh bi đát của CN, ông N.H.N (người cho công ty thuê nhà xưởng) đứng ra trả lương cho CN. Còn BHXH thì tất cả CN bị mất trắng, trong đó có 33 nữ CN mang thai mất hoàn toàn chế độ thai sản.
Tội hình sự
Theo quy định hiện nay, DN phải trả hết số tiền nợ và lãi thì mới được chốt sổ BHXH cho những lao động nghỉ việc hoặc nghỉ hưu. Nhưng thực tế, cũng không ít trường hợp DN làm ăn thua lỗ, hoạt động cầm chừng nên không trả được món nợ này.
Trong cuộc họp mới đây, sau khi nghe báo cáo kết luận và xem xét kiến nghị của thanh tra, ông Tất Thành Cang, Phó chủ tịch UBND TP đã đồng ý “cho phép các DN thực sự khó khăn được đóng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN của những lao động đã nghỉ việc, nghỉ hưu nhằm tạo điều kiện cho người lao động được hưởng chế độ kịp thời”. Đồng thời, ông Cang cũng chỉ đạo tổng hợp tình hình nợ đọng BHXH trên địa bàn TP, làm rõ nguyên nhân, khó khăn và nguyện vọng của DN, báo cáo BHXH VN để kiến nghị với Chính phủ có biện pháp giãn nợ, miễn hoặc giảm lãi suất chậm nộp, tạo điều kiện cho các DN tồn tại. Ông Cang cũng chỉ đạo BHXH TP có biện pháp thu đủ nợ gốc và lãi các loại bảo hiểm; truy thu những khoản tiền nộp thiếu do kê khai gian lận; kiến nghị xử lý nghiêm những DN cố tình chiếm dụng tiền bảo hiểm, không chấp hành các quy định về lao động và BHXH.
Trên thực tế, tại hội thảo “Hướng tới bảo đảm an sinh xã hội và triển khai thi hành luật BHXH” do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức tại TP.HCM hồi đầu năm nay, nhiều ý kiến cũng đã bày tỏ quan điểm bức xúc trước tình trạng DN chiếm dụng BHXH hiện nay. Bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó tổng giám đốc BHXH VN đã đề xuất bổ sung vào bộ luật Hình sự tội trốn đóng BHXH.
Đình công vì muốn hưởng chế độ bảo hiểm một lần Sáng 27.3, hàng ngàn CN thuộc nhiều phân xưởng Công ty Pou Yuen VN (P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM) đình công yêu cầu được hưởng chế độ bảo hiểm một lần. Trước đó, sáng 26.3, Công đoàn cơ sở công ty tổ chức tuyên truyền luật BHXH (sửa đổi) cho CN. Đến trưa, một số CN ở xưởng D3 qua xưởng D4 tắt đèn khiến 500 CN tại đây ngừng việc, kéo theo sự tham gia CN các xưởng khác. Trước tình hình này, công ty đã cho trên 83.000 CN nghỉ việc. 6 DN gần đó cũng thông báo cho khoảng 10.000 CN nghỉ việc. Đến trưa cùng ngày, Công ty Pou Yuen VN đã phát trên loa phóng thanh nội dung văn bản của UBND Q.Bình Tân trả lời phản ánh của CN. Theo đó, UBND Q.Bình Tân ghi nhận tất cả những ý kiến của CN về chế độ trợ cấp BHXH một lần. Toàn bộ nội dung kiến nghị của CN, UBND Q.Bình Tân sẽ chuyển đến cơ quan BHXH, HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM nghiên cứu và báo cáo các ý kiến trên đến các cơ quan chức năng xem xét, nghiên cứu trước khi soạn thảo thông tư hướng dẫn luật BHXH trong thời gian tới. Trao đổi với Thanh Niên, ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết luật quy định người lao động không nhận trợ cấp một lần nhằm mục đích đảm bảo an sinh xã hội. Các nước trên thế giới cũng quy định như vậy. “Trước đây, do quản lý chưa tốt nên cho người lao động tạm được trợ cấp bảo hiểm một lần, điều này không có lợi cho an sinh xã hội và người lao động cũng không có lợi”, ông Sang giải thích. Đến chiều cùng ngày, tình hình tại Công ty Pou Yuen VN đã trở lại ổn định, nhiều CN cho biết họ sẽ bắt đầu trở lại làm việc vào ngày 28.3. |
Bình luận (0)