Hàng ngàn nhà máy dần 'hồi sinh'

Đình Sơn
Đình Sơn
16/10/2021 06:42 GMT+7

Theo thống kê, hiện có khoảng 1.500 nhà máy tại TP.HCM đang khởi động, phục hồi sản xuất và đón nhận công nhân quay trở lại làm việc sau một thời gian dài phải tạm hoãn sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng vì dịch bệnh.

Tiếp tục đầu tư mở rộng nhà xưởng

Ông Hồ Minh Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Tôn Nam Kim, cho biết đại dịch xảy ra trong 2 năm qua làm đảo lộn mọi dự báo, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, nhiều doanh nghiệp và ngành nghề đang gặp khó khăn nhưng may mắn ngành thép vẫn thuận lợi trên phạm vi toàn cầu.

“Thực sự ở giai đoạn đầu chúng tôi cũng chật vật để thích ứng. Nếu không có sự chuẩn bị thì chúng tôi không thể nắm bắt cơ hội của ngành để phục hồi trong giai đoạn vừa qua”, ông Quang nói.

Cụ thể, trong giai đoạn khó khăn, Tôn Nam Kim vẫn tập trung nguồn lực và chi phí vào công tác R&D, nâng chuẩn chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ thị trường châu Âu, Mỹ, Úc; chuẩn hóa các quy trình tác nghiệp và triển khai thành công nền tảng ERP của hãng SAP - Đức. Chính điều này đã thay đổi căn bản hệ thống quản lý có tính chuẩn mực hơn. Các hoạt động từ khâu nguyên liệu, sản xuất, quản trị chất lượng, bán hàng và tài chính đều có thể dự báo và có tính kế hoạch cao. Hệ thống này đã giúp công ty vận hành thuận lợi trong thời gian dịch bệnh diễn ra. Hiện tại ảnh hưởng của dịch bệnh trong nước vẫn nặng nề, nhu cầu chưa thể phục hồi nhưng tỷ trọng xuất khẩu sẽ tăng lên cao hơn. Thậm chí, trong quý 3 này, tỷ trọng xuất khẩu chiếm đến 87% sản lượng bán hàng.

“Để đạt được kết quả này chúng tôi đã có dự báo từ sớm khi dịch bệnh có dấu hiệu lan rộng tại miền Nam để chuẩn bị nguyên liệu phù hợp cho thị trường xuất khẩu, chủ động thực hiện 3 tại chỗ từ rất sớm trước khi có quy định bắt buộc của địa phương, nâng cao chế độ phúc lợi để người lao động an tâm ở lại nhà máy để tổ chức sản xuất an toàn và đến hiện tại chưa xảy ra trường hợp nhiễm bệnh nào. Hiện chúng tôi đang xúc tiến dự án đầu tư mở rộng giai đoạn 1 để nâng công suất tôn mạ lên 2 triệu tấn vào cuối năm 2023. Dự án mở rộng này tại Bà Rịa-Vũng Tàu, chúng tôi tập trung vào yếu tố công nghệ để hướng tới thị trường cao cấp hơn. Dù có những lo ngại chu kỳ suy giảm của ngành khi hoàn thành dự án nhưng với xu hướng tái cấu trúc ngành thép của một số quốc gia, chúng tôi tin rằng nhu cầu từ thị trường quốc tế đối với sản phẩm tôn mạ chất lượng cao từ Việt Nam vẫn gia tăng”, ông Quang lạc quan.

Trong khi đó, ông Phạm Đình Tưởng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Inahvina có trụ sở đóng tại khu chế xuất Tân Thuận, cho biết công ty chuyên gia công, sản xuất nữ trang Hàn Quốc với quy mô hơn 1.000 lao động. Khi TP công bố cho hoạt động trở lại, công ty đã kêu gọi công nhân vào làm việc và đến nay đã có khoảng 90% công nhân đến công xưởng. Hiện sau hơn 2 tuần nới lỏng giãn cách, các hoạt động của công ty đã dần trở lại bình thường.

“Khi dịch bệnh ập đến hoạt động của công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng dù đã thực hiện 3 tại chỗ nhưng các đơn hàng vẫn không kịp giao cho đối tác do phải thu hẹp sản xuất. Chính vì vậy, hiện nay chúng tôi đang nỗ lực hoàn thành các đơn hàng cũ; đồng thời kêu gọi người lao động đang ở quê trở lại công xưởng làm việc”, ông Tưởng cho hay.

Lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên gia công giày xuất khẩu cho biết sau 2 tuần được hoạt động bình thường trở lại, đến nay công ty cơ bản đã phục hồi sản xuất, bằng 90% so với trước khi có dịch. Để hoạt động hiệu quả và thích ứng với việc dịch bệnh có thể quay lại bất cứ khi nào, công ty đang lên kế hoạch xây dựng ký túc xá, nhà ở cho công nhân để người lao động có thể ăn ở tại chỗ, an tâm làm việc, gắn bó với công ty hơn.

“Có thể thấy rằng, những công ty thời gian qua có xây nhà cho công nhân sẽ ít bị tác động hơn, nhất là khi TP yêu cầu làm việc 3 tại chỗ. Do đó, công ty sẽ đầu tư xây nhà cho công nhân để tính đến chuyện đường dài và thể hiện được cam kết đầu tư vào con người, chăm lo đời sống cho người lao động được tốt hơn”, vị này cho biết.

Việc sản xuất của các nhà máy đang dần hồi phục

ĐÌNH SƠN

Sớm kết nối đường bay nội địa

Chúng ta không thể mong có cây đũa thần, nhưng Nghị quyết 128/NQ-CP đang cho ta kỳ vọng về một định hướng chủ động tư duy với cách nghĩ, cách làm, nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan và tổ chức, đề ra các giải pháp đồng bộ, thích ứng an toàn, linh hoạt nhằm kiểm soát được tình hình dịch bệnh và phát triển sản xuất kinh doanh với hiệu quả tốt nhất.

Ông Nguyễn Văn Bé

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM, nhớ lại những ngày dịch bệnh lan tràn đến hơn 30 tỉnh thành của cả nước. Trong đó, TP.HCM là tâm dịch khiến các doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa. Ngay từ giữa tháng 6, chính quyền thành phố đã triển khai cho tiêm ngừa Covid-19 mũi 1 cho 322.000 công nhân tại 18 khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao. Thế nhưng, với sự lây lan tốc độ cao của chủng Delta khiến 800 nhà máy/doanh nghiệp phải đóng cửa, 700 nhà máy/doanh nghiệp còn lại vẫn kiên trì phòng, chống dịch, tổ chức sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu theo phương thức “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” với 1/4 lực lượng lao động. Đến nay qua hơn 2 tuần mở cửa trở lại, bên cạnh 700 nhà máy “3 tại chỗ” tiếp tục hoạt động và mở rộng sản xuất kinh doanh, công nhân đã được về nhà thì khoảng 1.500 nhà máy đang khởi động, phục hồi sản xuất và đón nhận công nhân quay trở lại làm việc. “Hết cơn bĩ cực tới hồi thái lai”, qua hoạn nạn dịch bệnh nhưng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp vẫn nhận thức rằng tình hình “bình thường mới” nhưng không được chủ quan, lơ là mất cảnh giác trong thực hiện “mục tiêu kép” mà Chính phủ đã đề ra.

Để hoạt động trở lại bình thường, ông Bé cho biết các doanh nghiệp kiến nghị các bộ, ngành, nhất là Bộ GTVT và Bộ Công an cần thống nhất cách kiểm soát thông thương liên tỉnh và bắc - nam bằng một hệ thống quốc gia. 400 khu công nghiệp và khu kinh tế của cả nước cần nhanh chóng được kết nối giao thương nhằm cung ứn g hàng hóa, nguyên phụ liệu, hàng xuất nhập khẩu qua các tỉnh và đến các cảng. Ngoài ra cần thống nhất hộ chiếu vắc xin, kết nối đường bay nội địa và quốc tế. Khoảng 1.500 nhà máy bao gồm cả 500 nhà máy FDI thường là các mắt xích trong chuỗi sản xuất kinh doanh toàn cầu. Đó là chưa kể nhu cầu đón các nhà đầu tư và chuyên gia từ nước ngoài vào và đưa đội ngũ kỹ thuật đi đào tạo tại các nước.

Điều đáng nói, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM khẳng định, lao động chưa phải vấn đề lớn nhất lúc này. Do có chính sách chia sẻ, hỗ trợ tốt trong mùa dịch với người lao động nên đa số công nhân đều sẵn sàng trở lại nhà máy. Thế nhưng, do thị trường vẫn chưa hồi phục, nhu cầu chưa cao nên các doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn thăm dò. Từ từ nâng công suất để tránh rủi ro. Mặc dù vậy, đa số các ông chủ doanh nghiệp đều lạc quan vào quý cuối cùng trong năm, khi nhu cầu trong nước và thị trường thế giới đều đang vào mùa cao điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.