Hàng ngàn tác giả bị xâm hại bản quyền trên mạng

14/11/2007 23:36 GMT+7

Hàng loạt thư viện trực tuyến như Sahara.com.vn, Vnthuquan.net, Songhuong.com.vn, Dactrung.net, E-book.com.vn... đang vi phạm tác quyền của hàng ngàn tác giả đương đại trong và ngoài nước.

"Hồn nhiên" xài chùa !

Ngày 6.11, đại diện NXB Văn hóa Thông tin đã yêu cầu Nhà sách Sông Hương - chủ sở hữu trang web Songhuong.com.vn (có địa chỉ tại 94 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, Tp.HCM) phải tháo dỡ toàn bộ văn bản các tác phẩm Tru tiên (Tiêu Đỉnh), Kỳ án ánh trăng (Quỷ Cổ Nữ), Pháo đài số, Mật mã Da Vinci (Dan Brown) trong mục Thư viện online (hiện "sở hữu" hơn 4.000 đầu sách), vì đã tự ý đăng tải mà không xin phép NXB - đơn vị được chuyển nhượng quyền sở hữu tác phẩm.

Tuần trước, NXB Văn hóa Thông tin cũng đã có công văn đề nghị Công ty Tân Trí Tuấn - chủ sở hữu website Sahara.com.vn (được quảng cáo là "siêu thị sách trực tuyến lớn nhất Việt Nam"!) trong vòng 5 ngày phải rút khỏi Thư viện online ấn phẩm Thiên thần và ác quỷ (tác giả Dan Brown) mà NXB đã cất công mua bản quyền, còn Sahara.com.vn thì "hồn nhiên" xài chùa! Bà Lê Bích Hạnh (Phòng Bản quyền, NXB Văn hóa Thông tin), khẳng định: "Rõ ràng hành vi của Công ty Tân Trí Tuấn là xâm hại quyền tác giả. Nếu Tân Trí Tuấn không dỡ bỏ Thiên thần và ác quỷ thì NXB sẽ khởi kiện trước pháp luật".

Sau khi nhận được công văn trên, Công ty Tân Trí Tuấn đã thực hiện yêu cầu của Nxb Văn hóa Thông tin. Nhưng chỉ với... trường hợp cuốn Thiên thần và ác quỷ. Bà Lê Bích Hạnh, đại diện NXB Văn hóa Thông tin, bức xúc: "Vẫn còn rất nhiều tác phẩm của Nxb Văn hóa Thông tin trên thư viện Sahara.com.vn mà Công ty Tân Trí Tuấn chưa tháo dỡ, mà chúng tôi cũng chưa thống kê hết. Nếu không đề nghị Sahara.com.vn tháo dỡ các tác phẩm NXB đã mua bản quyền thì chính NXB sẽ lại bị khởi kiện từ tác giả - người đã chuyển nhượng bản quyền. Mà như vậy NXB sẽ chịu thiệt hại kinh tế rất nặng nề, nhất là khi bị tác giả nước ngoài khiếu kiện !".

Ăn cắp bản quyền hay quảng cáo “không công” cho tác giả?

Ngày 6.11, ông Nguyễn Văn Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Tân Trí Tuấn, đã gửi một lá thư dài 3 trang giấy đến Báo Thanh Niên, giải thích lý do ra đời thư viện online là xuất phát từ mục đích tốt đẹp - giới thiệu sách đến độc giả, và quảng bá cho các tác giả, các nhà xuất bản. Và chỉ vì muốn mang lại niềm vui cho độc giả mà ông đã "dũng cảm" thành lập "siêu thị trực tuyến bán sách lớn nhất Việt Nam" khi trong tay chỉ có vỏn vẹn 10 nhân lực, tài chính thì eo hẹp. Tóm lại, theo lời ông Tuấn thì nhờ việc đưa gần 3.000 tác phẩm lên mạng, nhờ hoạt động tặng sách cho độc giả..., Sahara.com.vn đã có đóng góp không nhỏ cho nền văn hóa đọc và cả cho... "kỹ nghệ" thương mại điện tử. Ông lập luận: "Sách đưa lên mạng thì độc giả có thêm cơ hội biết đến mà chọn mua" (!).

Khi trả lời Thanh Niên về hành vi tự ý công bố tác phẩm mà không xin phép có phải là vi phạm bản quyền không, thì ông Tuấn lại cho rằng: "Không hẳn là sai, vì nếu tác giả không đồng ý đăng tác phẩm trên mạng thì chúng tôi sẽ rút xuống". Ông cũng khẳng định Công ty Tân Trí Tuấn đã liên hệ với các tác giả Chu Lai, Võ Thị Hảo... để xin phép bản quyền. Ngoài ra, trên website Sahara.com.vn, Tân Trí Tuấn cũng đã "khuyến cáo": "Các tác phẩm trong mục này (thư viện online - PV) do sự đóng góp của các bạn trong diễn đàn và được sưu tầm từ nhiều trang web bạn".

Bị xâm hại mà không biết, còn nếu biết thì...

Không riêng ấn phẩm của Nxb Văn hóa Thông tin, những đầu sách thuộc loại "hot" như Tô tem sói (Khương Nhung), Harry Potter (J.K.Rowling)... mà các NXB Công an nhân dân, Trẻ... đã bỏ công sức, tiền bạc, thời gian để đi mua bản quyền cũng như Giàn thiêu, Ăn mày dĩ vãng, Phố, Tướng về hưu, Mười lẻ một đêm, Cõi người rung chuông tận thế, Thiên thần sám hối và hàng loạt tác phẩm "ăn khách" khác của các nhà văn Việt Nam đương đại Võ Thị Hảo, Chu Lai, Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh... cũng đều được các thư viện online (mà mỗi thư viện đều "sở hữu" hàng ngàn đầu sách) nghiễm nhiên "hớt tay trên" mà không cần xin bản quyền!

Điều đáng nói là các tác giả bị xâm phạm bản quyền đều không hay biết, mà nếu biết thì cũng ít người tính đến chuyện "đáo tụng đình", vì kiện cáo thì "lằng nhằng, lôi thôi, mệt người", mà "được vạ thì má cũng sưng"! Nhà văn Chu Lai "giật mình" khi biết Ăn mày dĩ vãng được đăng trên Sahara.com.vn. Ông nói: "Không hề có cuộc điện thoại nào từ Công ty Tân Trí Tuấn để xin phép bản quyền như ông giám đốc công ty khẳng định. Mà tôi cũng chẳng cần cái web Sahara nào đó quảng bá cho tôi. Sách của tôi mấy chục năm nay vẫn đắt khách, chứ có phải tôi mới tập tọng viết đâu mà bây giờ mới cần nổi tiếng!".

Còn nhà văn Võ Thị Hảo thì gay gắt: "Tối qua (5.11), người của website Sahara gọi điện cho tôi thông báo là họ đã đưa sách của tôi lên mạng rồi hỏi tôi có đồng ý không. Tôi phản đối, tôi yêu cầu họ phải xin lỗi. Tại sao họ đi ăn cắp mà lại còn nói rằng các tác giả có nhu cầu bản quyền xin liên hệ. Tại sao lại có nhu cầu bản quyền, và tại sao lại phải xin liên hệ, trong khi đáng lẽ ra thì Sahara mới là người phải xin liên hệ và có nhu cầu bản quyền chứ! Việc này cũng giống như anh đi ăn cắp một cái ô tô. Nếu người ta biết thì anh mới trả ô tô cho người ta, còn người ta không biết thì anh lờ tịt đi à?".

Về phía NXB Văn hóa Thông tin, có lẽ vì liên quan "sát sườn" đến quyền lợi kinh tế nên đại diện NXB cho biết "sẽ tiếp tục khởi kiện dần dần... các website trực tuyến"!

Lan Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.