Cụ thể, ông Hartwig Fischer, nhà sử học nghệ thuật người Đức, người đã đứng đầu Bảo tàng Anh từ năm 2016, cho biết lẽ ra có thể có phản ứng tốt hơn trước những cảnh báo rằng 1 nhân viên có thể đã ăn trộm đồ.
"Rõ ràng là Bảo tàng Anh đã không phản hồi một cách toàn diện như đáng lẽ phải có", ông Fischer nói trong thông báo ngày 25.8.
Tờ The Guardian dẫn lời ông Fischer nói rằng bảo tàng đã không phản hồi đúng mức trước các cảnh báo về nghi ngờ trộm hàng nghìn cổ vật vào năm 2021. Ông nói thêm rằng: "Trách nhiệm về thất bại đó cuối cùng phải thuộc về lãnh đạo".
Bảo tàng Anh ban đầu cho biết đơn xin từ chức của ông Fischer "có hiệu lực ngay lập tức", nhưng sau đó nói rằng ông sẽ đảm nhiệm chức vụ cho đến khi tìm được nhà lãnh đạo lâm thời.
Bảo tàng Anh, điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng ở London, tuần trước đã sa thải 1 nhân viên sau khi phát hiện một số món trang sức bằng vàng và đá quý có niên đại từ thế kỷ 15 trước Công nguyên đến thế kỷ 19 bị đánh cắp.
Cảnh sát Anh cho hay họ đã thẩm vấn nhưng không buộc tội nghi phạm đánh cắp các món đồ quý giá.
Cuối ngày 25.8, có thông báo rằng phó giám đốc bảo tàng, ông Jonathan Williams, đã tự nguyện rút khỏi một số công việc hiện tại, cho đến khi cuộc đánh giá độc lập về các vụ nghi ngờ trộm cắp kết thúc.
Giáo sư Dan Hicks, chuyên gia khảo cổ học thế giới thuộc Bảo tàng Pitt Rivers của Đại học Oxford (Anh) nói rằng thất bại trong việc điều tra đặt ra các câu hỏi cho toàn bộ đội ngũ lãnh đạo cấp cao và những người được ủy thác của bảo tàng.
Chuyên gia Gradel ước tính có tới 2.000 món đồ có thể đã bị đánh cắp, bao gồm gần như toàn bộ bộ sưu tập đá quý chưa được đăng ký.
Bình luận (0)