"Hàng nhái"

24/10/2009 10:53 GMT+7

(TNTT>) Bắt đầu từ cái tên Bollywood đã thấy "nhái" từ Hollywood rồi. Bollywood là ngành công nghiệp sản xuất phim ảnh với ngôn ngữ Hindu đặt tại thành phố Bombay (nay được đổi tên thành Mumbai).

Vì thế, nếu như Hollywood là kinh đô điện ảnh Mỹ và của cả thế giới thì người Ấn Độ cũng phải có kinh đô điện ảnh của riêng họ: Hollywood ở Bombay, tức là Bollywood. Trên thế giới còn có vài kinh đô điện ảnh "nhái" theo kiểu này, ví dụ như Nollywood ở Nigeria.

"Nhái" không phải vì lười, mà vì sợ

Ấn Độ, với 1,2 tỉ người, với lịch sử hàng ngàn năm, với hàng ngàn vị thần trong tôn giáo Hindu cùng theo đó là bao sử thi, truyền thuyết rõ ràng là một nước giàu có về bản sắc văn hóa. Và sự giàu có đó tạo cho người Ấn nhiều khả năng sáng tạo.

 

Nữ diễn viên Kareena Kapoor

Nhưng sự sáng tạo đó rất mờ nhạt trong ngành công nghiệp điện ảnh. Rất nhiều phim được Bollywood xuất xưởng hằng năm ăn cắp ý tưởng từ Hollywood và các phim châu Á khác. Nhiều nhà sản xuất và đạo diễn Ấn Độ chỉ thực hiện sự sáng tạo cho phim của họ bằng cách nghĩ ra những cảnh giật gân, tàn bạo hơn phim gốc, và tất nhiên không thể thiếu những bài hát, những điệu vũ và những cảnh áo sari của vai nữ chính ướt đẫm dưới mưa như đặc trưng của mọi bộ phim Ấn.

Những phim ăn khách của Hollywood như Ghostbusters, Jerry Maguire, The Curious Case of Benjamin Button, The Departed và mới nhất là The Hangover đều được nhanh chóng “Ấn Độ hóa” ngay từ khi phim gốc vẫn còn đang chiếu ngoài rạp.

Đến những phim kinh điển như The Godfather cũng được “Ấn Độ hóa” và trở thành “hot” tại Ấn Độ qua cái tên Sarkar nhờ sự xuất hiện của các diễn viên từ gia đình Bachchan: ông bố Amitabh, con trai Abhishek và cô con dâu Aishwarya Rai, người đã tiến vào phim trường sau khi giành vương miện Hoa hậu thế giới năm 1994.

 

Nam tài tử hàng đầu Shah Rukh Khan của Bollywood

Mới đây nhất, phim Ghajini với tài tử Aamir Khan đã trở thành phim đầu tiên vượt qua mốc 1 tỉ rupee (14 triệu euro) ở các rạp chiếu bóng trong nước. Ghajini nhái lại từ Memento, một phim nói về người đàn ông mất trí nhớ trên đường đi tìm kiếm kẻ đã giết vợ mình.    

Tại sao Bollywood "nghiện" hàng nhái như vậy? Là vì lịch sản xuất gấp rút và ngân sách cho mỗi phim không lớn nên không đủ thời gian cho các nhà biên kịch, đạo diễn chuẩn bị ý tưởng. Nếu một hãng phim không nhanh tay chôm ý tưởng từ một phim nào đó thì sẽ bị các hãng phim khác qua mặt.

Mặt khác, chôm ý tưởng từ một phim sản xuất tại Hollywood đã thành công về mặt thương mại trên toàn cầu khiến các nhà sản xuất phim người Ấn Độ cảm thấy an toàn hơn về mặt tài chính. Phần lớn kịch bản gốc của các nhà biên kịch bản địa bị gạt ra ngoài với lý do “mạo hiểm”.

“Sao chép là việc phổ biến ở khắp mọi nơi tại Ấn Độ”, đạo diễn Vikram Bhatt nhận xét, "Các show trên truyền hình, các chương trình phát thanh bắt chước Mỹ. Người Ấn muốn xe hơi, máy bay, coca-cola và cả lối sống của người Mỹ”. Ông Bhatt cũng làm nhiều phim nhái, như Raaz nhái từ What Lies Beneath hay Kasoor nhái từ Jagged Edge.

 
Priyanka Chopra và Harman Baweja (trái)
Có lẻ vì làm "hàng nhái" nhiều nên các phim Ấn Độ rất ít khi có mặt tranh giải ở các liên hoan phim đình đám trên thế giới. Ở hạng mục “phim nước ngoài hay nhất” trong lịch sử giải Oscar, Ý có 10 phim, Pháp có 9 phim trong khi Ấn Độ mới có 3 phim được đề cử và chưa thắng giải nào. Phim Slumdog Millionaire giành 8 giải Oscar năm nay chỉ là phim lấy bối cảnh Ấn Độ, do một đạo diễn người Anh, một nhà sản xuất Pháp làm và được phát hành bởi một hãng phim Mỹ.

Người Ấn không thích xem phim Hollywood bản gốc vì các phim này diễn biến nhanh, không có những cảnh múa hát đặc trưng như các phim Ấn họ đã được xem từ hàng chục năm qua. Mặt khác, họ thần tượng các diễn viên ngôi sao gốc Ấn. Các phim “made in Hollywood” đều cảm thấy khó khăn trong việc phát hành và thu lợi nhuận ở Ấn Độ. Chính vì vậy, người Ấn không có cảm giác là họ đang tiêu dùng các "hàng nhái" khi đến rạp xem các phim Bollywood sản xuất.

 

Aishwarya Rai, nữ thần của Bollywood

Dù vậy, các sản phẩm Bollywood không chỉ đóng khung trong thị trường nội địa. Họ cũng có nhiều khách hàng ở các nước Nam Á, Đông Nam Á, châu Phi như Indonesia, Thái Lan, Bangladesh... Hằng năm, có một số gala trao giải điện ảnh của Ấn Độ được tổ chức ở nước ngoài. Ví dụ như giải International Indian Film Academy (IIFA) Awards, giải được xem như là Oscar của Ấn Độ được tổ chức 10 lần ở 10 thành phố khác nhau, từ London, Amsterdam đến Singapore, Bangkok. IIFA Awards năm nay được tổ chức tại Macau.

Đối sách cho Bollywood

Xuất phát từ mối lo ngại Bollywood sẽ bành trướng ra ngoài, lấy đi thị phần và xuất phát từ ý muốn xâm nhập vào thị trường 1,2 tỉ dân tại Ấn Độ để làm ăn, Hollywood gần đây đã ra một số đối sách, trong đó có cả “cây gậy” lẫn “củ cà rốt”, để đối phó với Bollywood.

Hãng 20th Century Fox của Mỹ đã kiện hãng BR Films của Ấn Độ ra tòa vì BR Films ăn cắp ý tưởng của phim My Cousin Vinny phát hành năm 1992 để làm bộ phim Banda Yeh Bindaas Hai. Đó là đối sách “cây gậy” nhằm hạn chế hiện tượng ăn cắp ý tưởng, khiến các nhà sản xuất người Ấn phải suy nghĩ kỹ trước khi quyết định chôm chỉa.

Nhưng đối sách “củ cà rốt” được ưa dùng hơn, đó là hợp tác cùng có lợi. Walt Disney Pictures hợp tác với Yash Raj Films; Fox, Sony Pictures bắt đầu làm ăn với UTV. Hãng Universal Pictures đang thực hiện dự án phim Kambakth Ishq với sự góp mặt của tài tử gạo cội Sylvester Stallone cùng các ngôi sao hạng A Ấn Độ: Akshay Kumar và Kareena Kapoor.

Còn ca sĩ Kylie Minogue đang ở Ấn Độ để quảng bá cho phim Blue cô thủ vai. Đây là bộ phim hành động có chi phí sản xuất kỷ lục ở Bollywood. Tất nhiên, phim này không thể thiếu những vũ điệu quyến rũ chết người của Minogue. Stallone, Minogue đã xuất hiện trong các phim Ấn Độ, sắp tới là ai nữa? Sharon Stone, Brad Pitt, George Clooney? Có thể lắm chứ.

Đinh Hiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.