Thử đi mua hàng nóng
Ngỏ ý mua một vài thanh kiếm Nhật về treo chơi, anh bạn người bản xứ nói luôn, “đơn giản”, và dẫn tôi vào chợ Đông Kinh. Ở tầng 1 khu chợ này là thiên đường hàng điện tử, thiết bị nghe lén điện thoại, biến đổi tiếng nam thành nữ, nữ thành nam... được bày khắp nơi. Tầng 2, là thế giới của giày dép, chăn, ga, gối đệm… Ở một quầy bán giày gần cửa thoát hiểm, khi hỏi mua kiếm, một thanh niên chủ hàng nghi ngại một lúc, rồi buông lời: “Anh là khách du lịch à, cần mua kiếm gì?”.
Sau cái gật đầu của tôi, chủ hàng đưa ra một quyển catalô, với hàng trăm mẫu kiếm theo phong cách Trung Quốc và Nhật Bản. Các loại kiếm có độ dài 60 cm, 80 cm, 1 m, thậm chí có loại 1,2 m. Trong cuốn mẫu kiếm, hàng chục “dấu nhân” được tích vào bên lề mà theo chủ hàng, đó là mẫu đang có hàng.
Theo chủ hàng, dạo này quản lý thị trường kiểm soát gắt gao, không chỉ các đội trạm dọc đường, mà ngay tại các điểm kinh doanh, hàng lại khó chuyển qua biên giới, nên giá có cao hơn hồi đầu năm. Hiện mỗi thanh giá 350 - 500 nghìn đồng, tùy loại. “Em bán ở đây đã nhiều năm, rất nhiều khách quen ở Hà Nội vẫn thường gọi để đặt hàng, anh yên tâm về chất lượng. Anh hứng mẫu nào, trả tiền bọn em điều hàng đến luôn, nếu không, đọc địa chỉ, em giao hàng tận nơi, OK?!”.
Theo “bật mí” của anh bạn, ở chợ Đông Kinh không chỉ có cửa hàng trên có bán đao kiếm, hỏi là có. Để che mắt đội quản lý thị trường, kiếm, pháo được các chủ hàng giấu dưới những đống chăn, ga, quần áo… dày. Không chỉ thế, giới xe ôm ở khu chợ này, hỏi bất cứ ai cũng có thể dẫn mối mua đao kiếm, pháo… đủ cả.
Rời chợ Đông Kinh, đứng ở cổng, tôi gọi điện thoại chủ ý nói to, đại ý cần mua kiếm khi đứng cạnh một tay xe ôm ngoài 30 tuổi. Gã lập tức bắt sóng. Dứt tiếng điện thoại, gã đến mời chào nhiệt tình: “Anh chỉ chạy xe ôm thôi, anh có người nhà chuyên chạy hàng này, loại gì cũng có, chất lượng miễn chê. Chú cần hàng treo chơi hay hàng “chiến”, anh chở đi xem luôn, gần đây thôi”. Thấy tôi thiện chí, gã rút ngay điện thoại gọi cho chủ hàng.
Con xe Dream II Trung Quốc chậm chậm lăn bánh, từ đường Phai Vệ, qua Bà Triệu, rẽ vào khu đô thị đang xây dựng Phú Lộc, cách chợ Đông Kinh khoảng 2 km. Cạnh đó là chợ Lạng Sơn mới xây, còn vắng bóng người.
Ngồi trong quán nước vệ đường, chờ chủ hàng mang hàng ra kiểm tra, gã xe ôm kể: “Anh tên Bảo, quê Hải Dương, lấy vợ, rồi hai vợ chồng thuê một phòng trọ trong xóm. Vợ chạy chợ. Anh chạy xe ôm là phụ thôi, việc chính là giới thiệu khách mua hàng. Buổi tối làm vài cuốc hàng lậu từ Đồng Đăng về thành phố cũng “cá kiếm” được đôi trăm. Bọn anh ở đây biết nhiều mối, hay chú lấy thêm pháo để anh giới thiệu luôn…”.
Chừng mươi phút sau, chủ hàng đến để đặt giá, và dẫn tôi vào khu nhà trọ của gã xe ôm gần đó để xem hàng. Dọc đường đi, qua những bãi đất trống, bơm kim rải dày đặc, ghê rợn. Vào phòng trọ nhỏ hẹp, cửa khép, thấy tôi e dè cầm kiếm, gã liền lấy lòng: “Hàng của bọn em là chuyển nguyên chiếc từ Trung Quốc, cả chợ Đông Kinh không ai có. Nếu anh thích lấy kiếm Nhật để treo thì 1 triệu đồng/cặp. Còn anh thích hàng “chiến”, thêm bọn em 200 nghìn đồng nữa để lấy một cặp ngọt lạnh luôn”.
Theo lời gã này, kiếm có nhiều dạng, loại lởm chỉ khoảng 300 nghìn đồng/thanh, loại tầm trung 500-700 nghìn đồng/thanh, còn loại chất nhất là 1,5 triệu/thanh. “Anh lấy loại kiếm Nhật, vỏ gỗ có dáng rất đẹp, dài 80cm đang chuộng, không gỉ như loại vỏ kiếm bằng sắt, chỉ 500 nghìn đồng/thanh”, gã chủ giới thiệu. Cuộc ngã giá xong xuôi, tay xe ôm đòi thêm 100 nghìn đồng, gọi là chi phí điện thoại, xăng xe, nước, thuốc…
|
Pháo lậu khó ngăn
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, Tết năm nay, các loại pháo “cập bến” Lạng Sơn sớm hơn mọi năm, giá không quá cao. Tại các chợ ở Lạng Sơn, giới buôn pháo chào loại pháo diêm giá 7-10 nghìn đồng/hộp; pháo hoa 12-15 nghìn đồng/cây, pháo cối 15-17 nghìn đồng/chiếc, pháo bông liên hoàn giá 35-40 nghìn đồng/hộp, pháo hoa dàn giá bán 280 nghìn đồng/hộp (bắn được 15 phút)… Đặc biệt năm nay, xuất hiện khẩu pháo có chân mới lạ, bắn như súng cối, tất cả đều có nguồn gốc Trung Quốc.
Đại tá Nông Văn Định - Phó Giám đốc Công an Lạng Sơn cho biết, hình thức vận chuyển pháo ngày cành tinh vi và biến hóa. Pháo được giấu trong cabin, cốp xe, các thùng hàng, giao cho nhiều đối tượng hoặc gửi hàng trên ô tô chở khách, nhằm trốn tránh trách nhiệm khi bị công an kiểm tra, xử lý.
Phần lớn pháo được chuyển qua các đường mòn tiểu ngạch như khu vực Hang Dơi, cửa khẩu Tân Thanh, Chi Ma, thị trấn Đồng Đăng; các chợ, nhà ga, bến xe, trên các tuyến quốc lộ 1A, 4A, 4B…
Ban chỉ đạo phòng chống các hành vi vi phạm về pháo của Lạng Sơn cho biết: Pháo nhập lậu vào nước ta phụ thuộc nhiều vào tình hình sản xuất, sử dụng pháo ở Trung Quốc. Trong khi đó, hơn một năm nay, ở Trung Quốc gần như mở rộng diện đốt pháo. Những năm trước, chỉ vùng nông thôn mới được đốt, năm vừa rồi cả thành phố và tại những nơi công cộng cũng được đốt.
Tết năm nay, nước này cho phép nhà dân ở thành phố, nếu có điều kiện cũng được đốt pháo. Với chủ trương này của Trung Quốc, việc pháo lậu vào nước ta là khó tránh. Đây là thách thức lớn với lực lượng chức năng địa phương kiểm soát pháo lậu.
Trên những chiếc xe ngày và đêm rời Lạng Sơn về Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội và các tỉnh khác, khó ai biết được trên đó đâu là hàng hợp pháp, đâu là hàng nhập lậu, hàng cấm nhập. Nhưng, nếu không tuồn về xuôi, tỉnh miền núi chưa mấy phát triển như Lạng Sơn có đâu tiêu thụ hết những lượng hàng khổng lồ mà chúng tôi đã tận mắt chứng kiến?
Theo Ban chỉ đạo phòng chống các hành vi vi phạm về pháo tỉnh Lạng Sơn, từ tháng 10-2008 đến hết tháng 11-2009, các lực lượng chức năng tỉnh này đã bắt 157 vụ buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nhập lậu, với hơn 8,3 tấn pháo các loại do Trung Quốc sản xuất. Tuy nhiên, với một địa bàn phức tạp như ở Lạng Sơn, đây là con số rất nhỏ so với thực tế lượng pháo đã tuồn vào Việt Nam.
Theo Phạm Anh / Tiền Phong
Bình luận (0)