Bán 80kg bún mỗi ngày
Giờ cao điểm buổi trưa từ 11 giờ 30 – 12 giờ 30, chị Lê Thị Tiến (31 tuổi, chủ quán bún riêu trên đường Cốm Vòng, Q.Cầu Giấy) cùng 5 nhân viên tất bật làm bún để giao cho shipper. Gần một tuần mở bán trở lại, lượng khách đặt mua bún ở quán chị tăng lên từng ngày.
“Ngày đầu tiên sau 2 tháng nghỉ dịch, nhà tôi bán được 100 phần. Ngày thứ 2 được 120 phần còn ngày hôm nay gần 300 phần cũng bán hết. Sau thời gian dài nghỉ dịch nhưng vẫn chịu nhiều chi phí, không có việc làm, lượng khách bán ra như vậy cũng mừng rồi, hy vọng thời gian tới sẽ đông hơn nữa”, chị Tiến nói.
|
Cũng theo chị Tiến, giờ cao điểm, nhiều shipper đến lấy bún nên quán chị có nhân viên liên tục nhắc mọi người xếp hàng giữ khoảng cách. Chị đứng bếp chuẩn bị đồ theo đơn báo trước trên app, đặt sẵn ở bàn để shipper không phải chờ lâu.
“Nhà tôi cũng có nhân viên thông báo mọi người giữ khoảng cách. Quán cũng cố gắng hết sức vì nhân viên chưa lên Hà Nội, chưa đi làm trở lại hết. Vì vậy, quán phải chủ động làm trước để shipper không chờ đợi, tránh bị ùn tắc”, chị Tiến chia sẻ.
|
Mở bán trở lại, chị dậy từ 4 giờ sáng chuẩn bị nguyên liệu. Việc nhập hàng gặp đôi chút khó khăn như giá nguyên liệu tăng lên, vận chuyển mất nhiều thời gian… Dù vậy, chị vẫn giữ nguyên giá bún như trước đợt giãn cách. Mỗi bát có giá từ 30.000 đồng – 45.000 đồng tùy theo yêu cầu của khách ăn.
|
“Buổi sáng nhà tôi bán túc tắc, đông nhất là buổi trưa. Việc nhập hàng cũng gặp đôi chút khó khăn nhưng tôi không tăng giá bán vì nhà bán lâu rồi phải chấp nhận có lúc này, lúc kia. Mở bán lại cũng có ngày bán 80kg bún, khách mua mang về tôi cũng cho bún nhiều hơn để mọi người ăn thoải mái”, chị Tiến nói.
“Tinh thần phấn chấn hẳn”
Ông Nguyễn Duy Thao (43 tuổi, chủ quán cơm thố ở Q.Cầu Giấy) chia sẻ ngày thứ 5 mở bán trở lại, lượng khách đạt khoảng 60% so với lúc bán trực tiếp. Mỗi ngày bán mang về được khoảng 180 – 250 suất, ông và nhân viên có công ăn, việc làm trở lại.
“Được mở bán tinh thần phấn chấn hẳn vì ở nhà lâu quá rồi. Giờ làm cơm xong sẽ để ngoài bàn, shipper đến nhìn mã của ai người đó lấy, tiền qua app vào thẳng trong tài khoản, không giao dịch tiền mặt để đảm bảo an toàn. Thực phẩm lên giá nhưng quán vẫn bán cơm bằng tiền trước giãn cách vì kinh tế nhiều người không còn dư giả, quán tôi 3 – 4 năm không thay đổi giá bán”, ông nói.
|
Từ khi mở bán mang về, chị Hồ Thị Hiền (37 tuổi, chủ quán bún miến hải sản trên đường Cốm Vòng, Q.Cầu Giấy) chuẩn bị hơn 50kg cả bún, miến, bánh đa để bán cho khách. Sau 3 ngày hoạt động trở lại, lượng khách bán mang về cũng bằng một nửa so với khi chưa có dịch.
“Hôm đầu tiên bán lại khách chưa đông lắm nhưng hôm qua khách cũng bắt đầu đông, bình thường bán được khoảng 400 suất, giờ cũng được hơn 200 suất rồi, bằng nửa ngày thường không có dịch. Được mở bán là vui lắm rồi, khách từ từ sẽ đông lên vì thực tế giờ mọi người vẫn chưa đi làm lại nhiều”, chị Hiền cho biết.
|
|
Sau 2 tháng đóng cửa, chị không có thu nhập nhưng vẫn phải lo ăn uống cho nhân viên. Chị hy vọng dịch không còn bùng phát nữa để buôn bán có thu nhập lo cho gia đình, nhân viên có công ăn việc làm.
“Khách đông trong khoảng buổi trưa từ 11 giờ – 12 giờ 30, chắc mọi người ăn hợp khẩu vị nên hôm qua có đơn lên tận 9 suất bún. Mở bán, tôi cũng thực hiện các biện pháp phòng dịch như yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang, giao đồ cho shipper xong sẽ khử khuẩn…”, chị nói trong lúc làm bún giao cho khách.
|
Cầm 5 suất bún trước khi giao cho khách, anh Lã Thành Công (24 tuổi, shipper Shopee Food) cho hay giờ cao điểm anh nhận được khoảng 5 đơn hàng. Sau 4 ngày đi làm trở lại, lượng đơn cũng dần tăng giúp anh có thêm thu nhập bù vào khoảng thời gian nghỉ dịch.
“Giờ tôi giao 5 suất bún tới đường Phạm Hùng (Q.Nam Từ Liêm) rồi tranh thủ chạy các đơn khác. Giờ cao điểm khách đông nhất vì họ chủ yếu đặt đồ ăn trưa”, anh Công nói.
“Hôm qua tôi mới mở lại tài khoản đi giao đồ ăn, buổi sáng cũng được gần 10 đơn rồi. Giờ tôi phải đi giao 6 suất bún cho khách không họ chờ lâu”, anh Lưu Công Kiên (20 tuổi, shipper Shopee Food) chia sẻ.
|
|
Bình luận (0)