Nhiều cửa hàng nằm trên các tuyến phố đông đúc của Hà Nội như Cầu Giấy, Xã Đàn, Đường Láng,... đều phải tạm thời đóng cửa, cho thuê mặt bằng. Các địa điểm mua sắm vốn tấp nập giờ cũng không có khách, sức mua giảm hẳn do người dân hạn chế ra ngoài.
Nhiều nhà hàng nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh phải tạm thời đóng cửa do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các chủ quán cũng chưa có thông báo chính thức về thời gian mở cửa trở lại.
Chị Tuyết (chủ cửa hàng thời trang Tuyết Phương tại phố Kim Mã Thượng, quận Ba Đình) cho biết: “Sau khi dịch bùng phát tại Hà Nội, cửa hàng hầu như không có khách đến mua sắm, doanh thu giảm một nửa so với những tháng khác. Nếu tiếp tục đà kinh doanh như tháng 2, cửa hàng sẽ đóng cửa để trả lại mặt bằng cho chủ nhà”.
|
|
|
Cũng theo chị Tuyết, thời gian tới chị sẽ chuyển hướng kinh doanh sang hình thức online để giảm bớt chi phí thuê mặt bằng.
“Dịch bệnh diễn biến phức tạp, cửa hàng sẽ chuyển hướng hoàn toàn sang kinh doanh online, bán hàng trên trang website, Instagram, Facebook và gọi shipper để đưa hàng cho khách. Cửa hàng cũng tiến hành các biện pháp vệ sinh cần thiết trước khi gói hàng và giao hàng đến tay người nhận để đảm bảo độ an toàn trong thời điểm có dịch tại Hà Nội”, chị Tuyết nói.
Để duy trì hoạt động kinh doanh, anh Ngọc Hải (chủ cửa hàng đồ ăn nhanh trên đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy) phải chuyển qua hình thức online. “Số bệnh nhân nhiễm Covid-19 ngày càng tăng, không biết đến khi nào dịch mới chấm dứt hoàn toàn trong khi cửa hàng ngày càng ế ẩm. Mỗi ngày, cửa hàng phải thuê từ 3 - 4 người giao hàng vì khách không đến tận nơi mua mà hầu hết đặt hàng trên mạng để tránh tiếp xúc ở những nơi đông người”, anh Hải cho hay.
Trong thời điểm dịch bệnh đang gia tăng như hiện tại, các dịch vụ giao hàng như Grab, Now hay Goviet đều phải hoạt động hết công suất. Các cửa hàng đều kinh doanh dựa theo hình thức bán hàng qua mạng để duy trì kinh doanh và đảm bảo an toàn cho khách hàng.
|
|
|
|
Bình luận (0)