Có thể thấy các nước phát triển hiện nay không ngừng đưa ra các rào cản kỹ thuật với nhiều quy định mới mẻ nhằm bảo vệ hàng hóa và doanh nghiệp của họ. Hàng Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường Nhật, châu u, Mỹ ngày càng phải đáp ứng các yêu cầu rất khắt khe. Với Việt Nam, từ năm 2012, hàng ngàn dòng thuế nhập khẩu phải cắt giảm theo cam kết WTO, trong khi các rào cản kỹ thuật lại chưa được lập ra để bảo vệ sản xuất trong nước.
Một ví dụ như trong khi EU quy định từ nhiều năm qua các thiết bị điện, điện tử nhập khẩu vào thị trường này phải đáp ứng nhiều yêu cầu kỹ thuật khác nhau về an toàn, tương thích điện từ trường, môi trường…, ngoài ra, còn đảm bảo về nhiễu tần số phát đối với các thiết bị đầu cuối. Việt Nam cũng đã có kế hoạch lập ra rào cản kỹ thuật đối với các sản phẩm điện nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước, hạn chế ô nhiễm môi trường do hóa chất từ các chi tiết gây ra hoặc hệ quả rác điện tử... Tuy nhiên, các phương án rào cản kỹ thuật này đến nay vẫn chưa thể ban hành.
Có nhiều nguyên nhân. Khó nhất là theo nguyên tắc WTO, nếu áp dụng rào cản kỹ thuật cho hàng hóa nhập khẩu nước ngoài thì hàng hóa cùng loại của Việt Nam cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn giống vậy. Đây là điều không dễ vì năng lực hàng hóa của doanh nghiệp trong nước đa số chưa đạt tầm thế giới. Ngoài ra, hàng kém chất lượng nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu từ Trung Quốc, mà giao thương hiện tại với Trung Quốc phần lớn thông qua đường tiểu ngạch.
Lâu nay chúng ta quá quen với công cụ hành chính mà không nghĩ tới công cụ thị trường, công cụ kỹ thuật. Việc quy định nhập khẩu một số mặt hàng như điện thoại, mỹ phẩm… qua 3 cảng biển gần đây cũng là thủ tục hành chính. Nếu chưa có quy định về rào cản kỹ thuật, chưa đủ kỹ thuật, trình độ kiểm định… thì cơ quan quản lý phải có trách nhiệm tìm ra giải pháp nhằm giám sát tốt hơn chứ không thể buông lỏng như hiện nay. Hơn hết, doanh nghiệp trong nước cần đầu tư cải thiện năng lực sản xuất, vươn lên đạt chuẩn chung của thế giới. Điều đó là không thể khác. Rào cản kỹ thuật chính là công cụ tốt nhất để chống lại hàng nhập khẩu, bảo vệ doanh nghiệp. Việc thiếu hệ thống kỹ thuật kiểm nghiệm của nhà nước cũng có thể được tăng cường bằng cách vận động xã hội hóa, kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân tham gia. Về cơ sở pháp lý thì cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn ở mức hợp lý hơn là chỉ quy định chung chung như hiện nay.
Trước mắt, các bộ: Công thương, Khoa học - Công nghệ, NN-PTNN cần ngồi lại để rà soát tất cả những tác động từ hàng hóa bên ngoài như thế nào và những hàng rào kỹ thuật mà ta đang áp dụng có hiệu quả hay không. Đây cũng là cơ sở cho việc xây dựng và áp dụng hàng rào kỹ thuật lâu dài về sau. Việc xây dựng hàng rào kỹ thuật trước mắt cần tập trung vào các nhóm hàng cơ bản như nông sản thực phẩm, hàng tiêu dùng, nguyên liệu sản xuất đầu vào.
N.Trần Tâm
Bình luận (0)