Hàng rong “bẫy” du khách

18/09/2013 11:00 GMT+7

Nạn chặt chém, chèo kéo, đeo bám du khách tồn tại một cách ngang nhiên ở trung tâm TP.HCM. Chỉ cần dạo quanh các cung đường gần Bưu điện Thành phố, Hội trường Thống nhất, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh... khách sẽ nhanh chóng sụp bẫy.

Hàng rong “bẫy” du khách
Nạn chèo kéo, đeo bám du khách xuất hiện đầy rẫy ở trung tâm TP.HCM - Ảnh: B.Đằng

Hơn 200.000 đồng/trái dừa

 

Vấn đề là địa phương có muốn làm hay không. Tại sao Đà Nẵng làm được, TP.HCM lại không?

Tiến sĩ Phạm Trung Lương - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch

Có vẻ như “dễ ăn”, gần đây, bẫy gánh dừa tràn qua khắp các nẻo đường Q.1 (TP.HCM). Trước trung tâm thương mại Taka (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa) luôn có mặt người đàn ông gánh dừa quê Mỹ Tho chừng hơn 40 tuổi, gương mặt có vẻ hiền lành nhưng khi cần lại lộ nguyên hình là một tay "đao phủ".

Bình thường, một trái dừa tươi bán ở vỉa hè có giá cao lắm 25.000 đồng. Nhưng người đàn ông này có thể bán cho du khách với giá 5 - 10 USD/trái (gấp đôi, gấp năm lần). Hễ nhóm khách dừng lại có ý định mua mà chưa kịp trả giá hay nói số lượng mua, ông ta liền cầm dao thoăn thoắt gọt số lượng trái bằng với số người trong đoàn như “gạo đã nấu thành cơm”, du khách sửng sốt, miễn cưỡng phải trả với số tiền cắt cổ. Còn khách thích gánh hàng để chụp hình lưu niệm bị thu thêm 10 - 20 USD.

Anh N., nhân viên bảo vệ của Taka Plaza, cho biết đã nhiều lần nhắc nhở du khách nên tránh xa hàng rong. Nhưng nhiều người sau khi vào Taka qua bên kia đường gặp ngay bẫy bán dừa nói trên. Anh kể, khách mua 9 trái dừa phải trả 1 triệu đồng nhưng người bán vẫn không đồng ý mà đòi thêm 800.000, dẫn đến cự cãi. Sau đó khách đành ngậm ngùi trả thêm 40 USD.

Bẫy kính, bẫy sách...

 

Số lượng khách suy giảm

6 tháng đầu năm 2013, khách quốc tế đến VN đạt 3,5 triệu lượt, chỉ tăng 2,6% so cùng kỳ 2012 và thấp hơn rất nhiều so với mức tăng của 6 tháng đầu 2012 (tăng 13,9%) và 6 tháng đầu 2011 (tăng 18,1%).

Bên ngoài Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (Q.3), phía cổng đường Võ Văn Tần, luôn xuất hiện một nhóm người chuyên bán sách dạo. Các cuốn sách in lậu, photo bán ở đây không hề in giá nên những cò này thường "chém" thẳng tay. Trung bình mỗi cuốn sách chỉ 100.000 đồng nhưng có thể bán với giá 30 - 50 USD. Xui xẻo cho khách nào lỡ cầm sách trên tay xem thử, muốn trả lại không dễ vì người bán không chịu nhận, thế là xảy ra tranh cãi. Lúc đó, không chỉ một người bán sách mà cả nhóm bán sách xông vào mắng nhiếc hội đồng, khiến khách hoảng sợ, rồi trả tiền cho xong chuyện.

Theo nhiều hướng dẫn viên du lịch, phía trong cổng bảo tàng có một người đàn ông bán sách dạo rất hung dữ. Hướng dẫn viên nào can thiệp khách đừng mua, ngay lập tức bị dọa nạt. Ngoài bán sách, nhóm bán kính mát, hàng lưu niệm dạo ở các điểm tham quan như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, bến tàu cánh ngầm, bên ngoài các khách sạn lớn cũng rất manh động, khiến hướng dẫn viên rất ngại đụng chạm. Cũng chiêu thức đeo bám, năn nỉ, những người bán dạo này luôn miệng thuyết phục khách cho đến khi khách mủi lòng mà sập bẫy.

Cần sớm có cảnh sát du lịch

Ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty du lịch Việt, đề xuất TP.HCM nên xử lý nạn chèo kéo, chặt chém theo từng khu vực. Chẳng hạn, có thể dẹp nạn này tại các điểm tham quan ở trung tâm thành phố trước, sau đó đến khu vực chợ Bến Thành, rồi phố Tây Phạm Ngũ Lão... Theo ông Long, TP.HCM không cần học hỏi ở đâu xa, ở Angkor, Siem Reap (Campuchia), người ta tập trung người bán hàng rong vào một bên vệ đường, phía trước là sợi dây chăng ngang. Không ai được phép bước qua sợi dây này, khách muốn mua thì đứng bên kia sợi dây mà chọn hàng. Cho nên, ở Angkor, du khách tự do ngắm cảnh mà không bị ảnh hưởng bởi ăn xin, chèo kéo.

Hàng rong “bẫy” du khách
Người đàn ông bán dừa này từng bị công an phạt với tội bán
10 trái dừa giá 105 USD và 150.000 đồng

Tiến sĩ Phạm Trung Lương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cho rằng dẹp nạn chèo kéo, đeo bám, chặt chém du khách không có gì khó. “Vấn đề là địa phương có muốn làm hay không. Tại sao Đà Nẵng làm được, TP.HCM lại không?”, ông Lương đặt vấn đề. Hiện có khoảng 60% du khách đến TP.HCM rồi từ đây di chuyển đến các địa phương khác trong cả nước. Do đó, để du khách bị nạn chèo kéo, đeo bám quấy rầy sẽ ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của du lịch VN.

Ngày 4.9, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách. Chỉ thị thừa nhận công tác quản lý môi trường, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch còn nhiều bất cập. Chẳng hạn thiếu lực lượng chuyên trách bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách; thiếu quy định, chế tài xử phạt hoặc chế tài xử phạt chưa đủ tính răn đe đối với hành vi đeo bám, ép giá, lừa đảo du khách.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương lắp máy ghi hình cố định tại một số địa điểm du lịch thường xảy ra tình trạng cướp giật, bán hàng rong, ăn xin, tranh giành khách, ép mua, ép giá, đeo bám gây phiền hà cho du khách để kịp thời có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đối với Bộ Công an, Thủ tướng chỉ thị nghiên cứu xây dựng đề án thành lập lực lượng cảnh sát du lịch; đồng thời tăng cường lực lượng hình sự đặc nhiệm tuần tra, kiểm soát ở các tuyến đường trung tâm, các khu, điểm du lịch...

Chỉ thị đã có, vấn đề là cần sự quyết liệt triển khai ở địa phương.

N.T.Tâm - Bạch Đằng

>> Người bán hàng rong đánh du khách ngất xỉu
>> Đà Nẵng "xử" người ăn xin, biến tướng hàng rong
>> Đà Nẵng xóa nạn xin ăn biến tướng bán hàng rong
>> Hàng rong, chặt chém làm “ô nhiễm” du lịch
>> Chưa xử phạt ngay những người bán hàng rong
>> Nhiều người bán, người ăn không biết thông tư "hàng rong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.