Hàng rong trên biển

09/10/2012 11:14 GMT+7

Bao năm nay, ở vùng biển phía tây nam Cà Mau thi thoảng lại mọc lên phiên chợ họp giữa trùng khơi, không theo một địa điểm cố định mà theo… tọa độ. Tất cả khách đến chợ vừa để mua hàng vừa để bán hàng và đặc biệt là ở chợ này người ta không dùng tiền mặt để thanh toán.

Hàng rong trên biển
Ngày càng nhiều tàu cá chọn cách bán sản phẩm và mua nhu yếu phẩm ngay trên biển để tiết kiệm chi phí - Ảnh: Tiến Trình

Hàng rong trên biển
Nhờ ghe gỏi, những chiếc tàu đánh cá có thể bám biển đánh bắt dài ngày hơn - Ảnh: Tiến Trình

Mua gốc, bán ngọn

Trưa nắng. Góc biển phía tây đảo Hòn Chuối (Cà Mau) trở nên nhộn nhịp khác thường. Tiếng máy nổ, tiếng người gọi nhau, tiếng từng đợt sóng đánh vào mạn tàu. Những chiếc xuồng con quây quần bên những chiếc tàu đủ kích cỡ, kiểu dáng đang kết chuỗi trên biển. Trung tâm của buổi tụ họp là chiếc ghe “gỏi” (loại ghe chuyên cung ứng nhiên liệu, hậu cần nghề cá và thu mua hải sản trên biển) hiệu Bích Khải vừa mới từ cửa Sông Đốc chạy ra. Giá cả, số lượng hàng hóa lẫn hình thức thanh toán… đã được thỏa thuận với nhau qua sóng bộ đàm, nên công việc còn lại trên biển là ghe Bích Khải cung ứng những thứ cần thiết cho các ghe tiếp tục những chuyến biển dài ngày, từ dầu nhớt, nước đá, gạo muối đến bánh ngọt, thuốc hút... và mua lại cá, mực… từ các tàu đánh cá chở về đất liền.

Hiện ở vùng biển Cà Mau có hàng trăm ghe gỏi của các doanh nghiệp trong tỉnh và các tỉnh lân cận đang hoạt động. Khách hàng của họ là hàng ngàn tàu cá đang hoạt động trong ngư trường rộng lớn này. Ngày trước, những tàu cá đánh bắt xa bờ mỗi tháng từ ngày mùng 5 đến 18 âm lịch phải vào bờ để bán sản phẩm, tiếp nhiên liệu, nhu yếu phẩm để tiếp tục ra khơi. Những chuyến vào ra này khiến thời gian đánh bắt, chất lượng sản phẩm giảm; chi phí xăng dầu tăng cao do phải di chuyển một quãng đường dài. Nay nhờ những chiếc ghe gỏi, tàu cá có thể bám ngư trường đánh bắt dài ngày trên biển và tiết kiệm khá nhiều chi phí. Ngược lại, mỗi chuyến ra khơi, những chiếc ghe gỏi cũng thu được “lợi kép” do vừa  bán được hàng với giá cao vừa mua được hải sản giá thấp hơn so với đất liền.

Từ những lợi ích trên, các doanh nghiệp đua nhau tổ chức ghe gỏi. Sự cạnh tranh giữa các ghe gỏi đã mang lại nhiều tiện lợi cho các chủ tàu đánh cá. Nếu như trước đây, các ghe gỏi khi nhận đặt hàng từ ghe đánh bắt ngoài khơi mới cho hàng chạy ra, thì nay nhiều doanh nghiệp lại cử hẳn đội tàu luân phiên túc trực trên biển. Hễ khi ghe nào có nhu cầu xăng dầu, nước đá, nhu yếu phẩm… thì có mặt ngay để đáp ứng

Giao dịch bằng chữ tín

Ông Nguyễn Tấn Trường, chủ 2 tàu đánh của Kiên Giang, cho biết ông thường bán cá và mua nhu yếu phẩm ngay trên vùng biển Cà Mau nơi ghe ông đang hoạt động, chứ không chạy về Kiên Giang bán nhằm tiết kiệm chi phí. Do ngày càng có nhiều ghe đánh cá của địa phương bán cá ngay tại ngư trường đánh bắt như ông Trường nên một số doanh nghiệp ở Kiên Giang cũng đứng ra tổ chức những đoàn ghe gỏi sang vùng biển Cà Mau để đón tàu cá vào. Do có sự cạnh tranh nên muốn giữ mối ngoài khơi, nhiều doanh nghiệp thực hiện các chính sách “hậu mãi” trong đất liền. Ông Trường nói, tuy ở ngoài biển, nhưng mỗi khi gia đình của ông có hữu sự, ông chỉ việc gọi cho bạn hàng ở đất liền sẽ được giúp đỡ ngay. Những mối làm ăn thân tình như thế đã vô tình kết chặt các ghe từ đất liền ra, từ biển vào… Mặc dù, giá ở những “chợ” trên biển này không mềm chút nào. Ví dụ, giá 1 cây nước đá trong bờ là 11.000 đồng thì tại các “chợ” trên biển có giá từ 14.000-15.000 đồng. Trong khi đó, giá hải sản tại các chợ theo chiều ngược lại không chênh lệch mấy giữa đất liền và ngoài biển.

Một chủ ghe gỏi ở thị trấn Sông Đốc (H.Trần Văn Thời, Cà Mau), cho biết làm ăn trên biển chủ yếu giao dịch với nhau bằng chữ tín, nên đôi khi cũng bị các tàu cá… lật kèo. “Khi mua nhiên liệu, nhu yếu phẩm trên biển, chủ tàu cá hứa sẽ bán sản phẩm cho chúng tôi để trừ nợ. Thế nhưng, khi hết con nước đánh bắt, họ “lặn” mất tăm, máy bộ đàm thì chuyển tần số”, ông chủ này bức xúc.

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.