Hàng Tết rẻ hơn vẫn ế

10/01/2022 06:38 GMT+7

Còn chưa tới 3 tuần nữa là Tết Nguyên đán, nhiều mặt hàng tiêu dùng Tết so cùng kỳ năm ngoái giảm giá mạnh, song sức mua khá yếu. Nói như nhiều bà nội trợ, “mâm cỗ Tết năm nay rẻ hơn nhưng vẫn ế”.

Nhiều thực phẩm Tết giảm giá mạnh

Thông thường tầm này, thịt heo, thực phẩm phổ biến nhất trong 3 ngày Tết cổ truyền, sẽ tăng giá mạnh, nhưng năm nay thì ngược lại. Nếu năm ngoái heo hơi giá từ 80.000 - 82.000 đồng/kg, năm nay đang ở mức 47.000 -52.000 đồng/kg, thấp hơn năm ngoái tới 30.000 đồng/kg. Theo đó, giá thịt heo phổ biến dưới mốc 140.000 đồng/kg, trong khi năm ngoái hơn 200.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm thịt heo vọt lên 290.000 đồng/kg.

Hàng hóa về ngập chợ chờ bán Tết nhưng tiểu thương vẫn đợi khách

Đào Ngọc Thạch

Tương tự, số liệu cập nhật đến ngày 9.1 của Sở Công thương TP.HCM cho thấy, giá gà ta 130.000 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 10.000 đồng/kg; giá bò hơi năm ngoái từ hơn 100.000 đồng/kg đang được các thương lái mua chỉ 85.000 đồng/kg tại một số trại chăn nuôi phía Nam.

Hàng hóa về ngập chợ chờ bán tết

ĐÀO NGỌC THẠCH

Ông Lê Quang Hậu, chủ cơ sở nem chả sạch Quang Hậu (Q.Tân Phú, TP.HCM), cho biết so với mức giá thành chả lụa, chả Huế và chả bò cơ sở bán thời điểm giáp Tết năm ngoái, giá các mặt hàng chả năm nay giảm từ 20.000 - 30.000 đồng/kg.

Tương tự, nhiều mặt hàng trái cây đơm 3 ngày Tết năm nay cũng rớt giá thê thảm. Bưởi da xanh từ 60.000 - 65.000 đồng/kg, nay giảm còn 30.000 - 35.000 đồng/kg, nhãn da bò từ 40.000 đồng/kg nay giá trung bình chỉ còn 25.000 đồng/kg, vú sữa từ 25.000 đồng nay giảm về 10.000 đồng/kg, quýt đường 60.000 - 65.000 đồng/kg nay cao nhất 50.000 đồng/kg; xoài cát Hòa Lộc loại 1 từ 100.000 đồng/kg nay còn 80.000 đồng/kg…

Tại chợ Bà Hoa, ngày 9.1, giá các loại bánh tét, chưng, dưa món, kiệu, tré… phục vụ ngày Tết cổ truyền vẫn không tăng giá, dù người bán cho biết giá đầu vào đã tăng cao hơn 30% so với Tết năm trước. Thậm chí, món tré Huế, bánh chưng còn giảm 10.000 đồng/hộp với tré và 10.000 đồng/chiếc bánh chưng.

Đại diện chuỗi siêu thị LotteMart cho rằng, năm nay là một cái Tết rất đặc biệt nên việc chuẩn bị các gói quà Tết để đưa ra thị trường hết sức khác biệt. Nếu gói quà Tết từ năm ngoái thấp nhất là 199.000 đồng thì năm nay mức thấp nhất chỉ còn 99.000 đồng nhưng phải liệu cơm gắp mắm để “vẫn đầy đủ các món ăn chơi”. “Thu nhập người dân giảm sút, hành vi tiêu dùng thay đổi nhiều sau 1 năm đại dịch bùng phát”, đại diện LotteMart nhận xét. Nhiều siêu thị thông tin, có hơn 1.000 sản phẩm được giảm giá bán từ 10 - 50% kéo dài từ nay cho đến tận Tết. Những ngày cận Tết sẽ tiếp tục bổ sung giảm giá mạnh thêm 10 loại thực phẩm thiết yếu và hàng đặc trưng Tết.

Thế nhưng số lượng khách hàng ở các siêu thị khá thưa vắng. Mọi năm, giờ này các siêu thị kê nguyên dãy dài trưng các hũ dưa món, chua ngọt, kiệu… Năm nay lượng hàng chuyên phục vụ Tết truyền thống này cũng được bày biện khá sơ sài và hầu như không có khách ghé mua. Ngày 9.1, khi được hỏi đã chuẩn bị sắm hàng hóa cho những ngày Tết chưa, chị Quỳnh Loan đang mua hàng tại Lotte Mart (Q.7, TP.HCM) lắc đầu bảo, đợi đến tuần sát Tết xem cần gì thì mua vài thứ cơ bản như giò chả, cặp bánh chưng và ít bánh kẹo khô. Chị nói: “Một số loại mứt truyền thống như gừng, dừa sẽ được ở quê gửi lên cho là xong. Giờ cũng chưa nghe ai hào hứng bàn chuyện sắm sửa Tết gì đâu”.

“Cắt” các món sang, đắt tiền

Mâm cỗ ngày xuân đã rẻ hơn rất nhiều so với các năm trước, thế nhưng lượng người mua vẫn không tăng nổi. Thậm chí, ngay sản phẩm nem chả là món “chủ đạo” trên mâm cỗ ngày Tết Nguyên đán, sức mua cũng giảm sút mạnh.

Ông Lê Quang Hậu cho hay, khách mua vài ba chục ký chả biếu người quen vào dịp Tết mấy năm trước, năm nay email hỏi, đều nhận được câu trả lời là khó khăn, không đặt mua nữa. “Một công ty ở Q.Bình Tân mọi năm đặt 50 kg chả bò để thêm vào giỏ quà cho nhân viên, năm nay kế toán của công ty này báo nguyên giỏ quà của họ biếu nhân viên chỉ 300.000 đồng/giỏ, trong đó bao gồm trà, mứt, bánh, trọng lượng mỗi loại cũng giảm hơn. Mọi năm giá trị mỗi giỏ quà gấp đôi số đó, mới có chả ngon ăn Tết. Hay vài công ty khác mua vài ba chục ký, nay lắc đầu bảo chưa có kế hoạch. Riêng lượng khách truyền thống của cơ sở đã giảm mua hàng trăm ký trong dịp Tết này”, ông Hậu chia sẻ và cho biết, giá các mặt hàng chả Huế, chả lụa năm nay bán thấp hơn năm ngoái từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, nhưng sản lượng giảm hơn 35% so cùng Tết năm trước.

Tại chợ An Đông (Q.5, TP.HCM), chủ sạp Anh Phụng, chuyên kinh doanh các loại đồ khô, cho biết các món khô sang, đắt tiền trị giá hàng triệu đồng như mực lá loại 1,2 triệu đồng/kg, tôm khô loại lớn 1 triệu đồng/kg, vi cá mập gần 1 triệu đồng/100 gr, tổ yến 4 triệu đồng/100 gr… hầu như không có khách hỏi mua. “Mọi năm những mặt hàng này cho khách quen mua biếu tặng hoặc đóng đi nước ngoài, nay không thấy ai hỏi. Những mặt hàng khô khác nói chung sức mua giảm 30 - 35% so với cùng thời điểm các năm trước”, chủ sạp cho hay.

Chủ cửa hàng sỉ Nga Trần (ở Dĩ An, Bình Dương), chuyên kinh doanh các mặt hàng nhập từ Hàn Quốc và Nhật Bản, thừa nhận mấy năm trước khách đặt mua rượu ngâm sâm tươi để biếu Tết làm không kịp, mỗi ngày bán sỉ cả chục bình, nay đến tháng 12 âm lịch vẫn chưa thấy ai hỏi. Đổi lại, khách mua lẻ các mặt hàng như táo đỏ, hồng sâm, đạm sâm, trà sâm với trị giá vài trăm ngàn đồng mỗi món nhiều hơn. “Đặt hàng mà chưa chuyển khoản thanh toán ngay, toàn… nhờ cửa hàng giữ hộ. Mọi năm đặt là chuyển khoản luôn, năm nay thêm câu: Chờ thưởng Tết rồi thanh toán”, chị Nga Trần nói.

Giá giảm không kéo được sức mua

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành chuỗi Co.opmart, cho biết số đơn hàng giỏ quà Tết có giá trị trên 1,5 triệu đồng giảm khoảng 20% nhưng số lượng giỏ quà có giá trị trong mức từ 200.000 đồng/giỏ đến trên dưới 500.000 đồng/giỏ tăng khoảng 25% so với cùng kỳ. Bởi theo tìm hiểu thì các doanh nghiệp dù khó khăn vẫn đặt giỏ quà Tết tặng công nhân để khích lệ tinh thần họ, còn biếu tặng thông thường đã giảm mạnh. Hệ thống siêu thị Co.opmart cũng có gần 50 mẫu giỏ quà Tết gói sẵn có giá bán từ dưới 200.000 đồng đến gần 2 triệu đồng đang bán chạy nhờ có chương trình giảm giá và áp dụng chiết khấu lên đến 15%.

Ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc Công ty CP chăn nuôi C.P, nhận xét thị trường vẫn đang giữ “nhịp bình bình” và chưa thấy Tết. Mọi năm, tại thời điểm này, công ty cung ứng ra thị trường ngày nhiều nhất lên đến 15.000 con heo, nay tối đa 11.000 - 12.000 con heo. Lượng cung ứng giảm không đáng kể nhưng sức mua thì mạnh tới khoảng 35% so cùng kỳ. Riêng giá heo hơi, trong 3 tuần tới, mức tăng cao nhất chỉ khoảng thêm 2.000 đồng/kg, không có chuyện tăng nữa, bởi thị trường vẫn rất yếu.

“Thị trường thịt heo dành cho số đông, bình dân, nay dân thu nhập giảm, chi tiêu cũng giảm là điều bình thường. Chúng tôi hiểu rằng, thị trường đang rất khó khăn nên mọi chương trình về giá cả, hàng hóa đều tập trung phục vụ phân khúc trung bình là chủ yếu”, ông Huy nói.

Đại diện Hệ thống bán lẻ VinMart/VinMart+ cho biết công ty đã dự báo sức mua Tết Nhâm Dần 2022 giảm nhẹ so với cùng kỳ Tết 2021. Lý do là trong năm qua, nhiều người bị giảm thu nhập, tỷ lệ thất nghiệp cao dẫn đến khách hàng thắt chặt chi tiêu. “Người tiêu dùng sẽ có xu hướng chỉ tập trung chủ yếu vào các mặt hàng cơ bản như: hàng tươi sống, thực phẩm thiết yếu và một số mặt hàng có tính thời vụ như bánh kẹo, bia, nước giải khát, rượu... phục vụ cho việc đón Tết”, vị này dự báo và cho biết, với tâm lý thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng, hệ thống VinMart đã tung ra thị trường những giỏ quà Tết với mẫu mã đa dạng, hiện đại, giá từ 299.000 đồng/giỏ cho quà truyền thống đến 699.000 đồng/giỏ cho quà cao cấp.

Thu nhập của người lao động giảm

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương quý 4/2021 là 6,1 triệu đồng/tháng, giảm 510.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2021, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương ước tính là 6,6 triệu đồng/tháng, giảm 45.000 đồng so với năm trước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.