Hàng tết xuất ngoại

29/01/2010 11:32 GMT+7

Trong khi người Việt trong nước đang hối hả chuẩn bị đón tết thì kiều bào sinh sống ở nước ngoài cũng nóng lòng chờ những chuyến hàng mang hương vị tết ấm áp từ quê nhà gửi sang.

Các doanh nghiệp xuất khẩu phải làm việc thâu đêm suốt sáng để kịp chuyển các loại đặc sản tết như gạo, nếp, trái cây, bánh tráng, hoa... đến nơi trước tết.

Trắng đêm chuẩn bị hàng tết

Đêm 27-1, toàn bộ lãnh đạo và công nhân Công ty CP chế biến nông sản Ngọc Ngân (huyện Cái Bè, Tiền Giang) phải thức trắng để xử lý, đóng gói 10 tấn nhãn, bưởi, xoài, mận An Phước xuất sang Singapore.

Ông Nguyễn Xuân Huy, giám đốc công ty, cho biết hai tuần trước đó hầu như ngày nào công nhân cũng phải làm đến khuya để kịp giao năm container hơn 100 tấn trái cây đặc sản Tiền Giang xuất sang Ý theo đơn đặt hàng của Công ty MC&S.

Công ty MC&S sẽ phối hợp với hội người Việt Nam ở các nước tổ chức phân phối số trái cây này tới tay kiều bào trước khi kết thúc năm cũ.

Tại Khu công nghiệp Mỹ Tho, Công ty TNHH một thành viên Long Uyên cũng tất bật thu gom, sơ chế, đóng gói ớt trái, gừng, thanh long để xuất khẩu sang Hàn Quốc, Malaysia, Singapore. Đây là những mặt hàng rất cần thiết đối với kiều bào và người Hoa trong dịp Tết Nguyên đán. Thanh long để chưng, gừng có thể làm mứt và chế biến thức ăn rất tốt trong mùa lạnh.

Hơn 150 công nhân của Công ty thương mại sản xuất Hải Minh (Củ Chi, TP.HCM) đang phải làm việc hết công suất và tăng ca trong những ngày cuối năm mới đáp ứng đủ đơn đặt hàng từ Mỹ, Úc, New Zealand và châu u.

Ông Quách Hưng Tòng, tổng giám đốc Hải Minh, hồ hởi cho biết: “Dù khủng hoảng kinh tế nhưng nhu cầu ăn uống, đặc biệt là các đặc sản tết của kiều bào như bánh chưng, bánh tét, mứt...  không giảm, thậm chí còn tăng”.

Năm 2009, mỗi tháng Công ty Hải Minh xuất khẩu trên 10 container các loại đặc sản Việt Nam, tăng khoảng 10-15% so với năm 2008 và dịp giáp tết nhu cầu đặc sản còn cao hơn.

Đủ hương vị tết

Điều ghi nhận hàng tết xuất khẩu cho kiều bào năm nay chính là ở sự đa dạng về chủng loại sản phẩm. Các công ty đã tận dụng đem mọi đặc sản trong nước để chuyển đến cộng đồng người Việt trên khắp thế giới.

Năm nay Công ty TNHH Phát Triển Đồng Tháp tiếp tục xuất 15 container (mỗi container khoảng 20 tấn) bánh mứt các loại sang thị trường châu u.

Ông Nguyễn Thái Quân, đại diện công ty, cho biết ngay từ tháng 10-2009 những lô hàng đầu tiên đã được vận chuyển bằng đường biển để kịp đến tay bà con Việt kiều trong dịp tết cổ truyền. Ngoài các mặt hàng quen thuộc là bánh tét, bánh chưng, bánh ít, bánh da lợn, năm nay có thêm xôi gấc đỏ. Các sản phẩm này đều được cấp đông nên bảo quản 1-2 năm.

Nhờ kinh nghiệm lâu năm xuất hàng đi nước ngoài, bánh chưng của công ty chỉ cần rã đông bằng lò vi ba hoặc luộc sơ 15-20 phút là dùng được mà vẫn giữ vị thơm của lá chuối, vị dẻo của nếp và mùi béo ngậy của nhân thịt heo, đậu xanh.

Thương hiệu mứt Thành Long (Q.3, TP.HCM) mỗi mùa tết đều dành từ 5-10% sản lượng mứt để xuất khẩu cho thị trường châu u. Bà Ngọc Thúy, chủ cơ sở, cho biết ba loại mứt dừa, mứt gừng, mứt bí đao chủ đạo phục vụ bà con Việt kiều đều được sử dụng các kỹ thuật gia truyền để đảm bảo độ trắng của lát mứt cũng như thời gian bảo quản được lâu nhất.

Bên cạnh những thị trường truyền thống có nhiều người Việt định cư như Mỹ, Úc..., điểm đến của những chuyến hàng tết cũng đa dạng hơn.

Theo ông Nguyễn Phụng Hoàng - giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bà Giáo Khỏe 55555 (thị xã Châu Đốc, An Giang), đơn vị chuyên cung cấp các loại đặc sản khô và mắm miền Tây như khô cá lóc, khô cá tra phồng, khô cá kết, khô cá lăng..., năm nay thị trường Đài Loan có nhu cầu hàng khô tăng mạnh 30-40%.

“Đó là đặc sản quê người ta mua cho những cô dâu Việt ở Đài Loan không có điều kiện về quê ăn tết” - ông Hoàng nói.

Không chỉ cho người Việt

Qua nhiều năm, hàng đặc sản tết giờ đây không chỉ dành cho những người Việt xa quê, mà đã dần trở thành một lựa chọn mới trong phong cách ẩm thực của nhiều người nước ngoài.

Theo ông Quách Hưng Tòng, hiện có hơn 800 mặt hàng đặc sản Việt Nam do Công ty Hải Minh sản xuất mang thương hiệu “Cô gái Việt Nam”, “Quê hương”... có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị của người Việt ở Mỹ cũng như trong siêu thị Costco (một nhà phân phối của Mỹ dạng Metro ở Việt Nam).

Ngoài khách hàng là Việt kiều sống tại đây, đặc sản Việt Nam hiện là món ăn ưa thích của những người gốc châu Á khác như Trung Quốc, Campuchia, Lào... “Dù bị cạnh tranh gay gắt với sản phẩm của Thái Lan nhưng sản phẩm Việt có chất lượng và giá rẻ hơn nên rất nhiều người tiêu dùng gốc Á thích vào các siêu thị hàng Việt” - ông Tòng cho hay.

Tương tự, bà Hoàng Ny, giám đốc Trung tâm đào tạo nghệ thuật bonsai Thanh Tâm (TP.HCM), cho biết trong năm 2009 đã xuất khẩu chín container cây cảnh các loại sang các thị trường châu Á như Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines, Ấn Độ... Dịp tết này, đơn vị cũng xuất khẩu được ba chuyến hàng với hàng chục ngàn cây mai tết phục vụ Việt kiều cũng như người dân tại các nước kể trên.

Gạo đặc sản, bánh tráng... cũng xuất ngoại

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam - giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang, chỉ trong hai tháng cận tết công ty đã xuất gần 4.000 tấn gạo đặc sản Việt Nam thương hiệu “Chín con rồng”, “Hương Việt”, nếp bè Chợ Gạo và 200 tấn bánh tráng Thuận Bình sang nhiều nước.

Theo ông Nam, lượng hàng xuất khẩu tăng do hàng hóa thương hiệu Việt Nam đã khẳng định được chất lượng và giá cả phù hợp.

Theo V.Trường - T.Mạnh - N.Bình /
Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.