Hàng tỉ đồng đào tạo nhân lực các ngành nghề trọng điểm

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
01/09/2018 10:14 GMT+7

Nhiều trường cao đẳng, trung cấp trên toàn quốc đang bắt đầu thí điểm đào tạo ngành nghề cấp quốc tế đáp ứng nhu cầu nhân lực trong và ngoài nước.

Không đủ người để cung ứng
Năm 2018, Bộ LĐ-TB-XH phê duyệt danh sách ngành, nghề trọng điểm ở các cấp độ đến năm 2020, tầm nhìn 2025 để tập trung đầu tư, đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực. Trong đó, có 62 ngành, nghề cấp độ quốc tế; 93 ngành, nghề cấp độ khu vực ASEAN; 134 ngành, nghề cấp độ quốc gia.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết: “Các ngành, nghề được lựa chọn đều có nhu cầu nhân lực lớn, phù hợp với yêu cầu phát triển”.

Đặc biệt trong đó có những ngành, nghề phục vụ trực tiếp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thuộc các lĩnh vực như: công nghệ thông tin, vật lý, sinh học; các ngành, nghề phục vụ nông nghiệp công nghệ cao và gắn với chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp... Đồng thời còn có 8 nhóm lĩnh vực ngành, nghề được tự do di chuyển trong Cộng đồng kinh tế ASEAN gồm: nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, khảo sát và du lịch cũng thuộc các ngành nghề được chú trọng đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Công nghệ Thủ Đức, nhìn nhận: “Hằng năm, doanh nghiệp đến trường đề nghị cung cấp sinh viên tốt nghiệp rất nhiều, nhất là những ngành nghề nằm trong danh mục trọng điểm ở các cấp độ. Một số ngành về điện, điện công nghiệp, cơ khí chế tạo máy, các công ty xuất khẩu lao động đến tuyển mà không đủ người để cung ứng”.
Theo số liệu từ Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, riêng khu vực TP.HCM, 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu bao gồm cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, chế biến lương thực thực phẩm, hóa chất - nhựa cao su, 9 ngành dịch vụ và nhiều nghề khác mỗi năm đã cần tới hàng trăm ngàn lao động.
Đầu tư hàng trăm tỉ để đạt chuẩn chất lượng
Tại Trường CĐ Nghề TP.HCM, thạc sĩ Hồng Thị Thanh Thủy, Phó hiệu trưởng, thông tin: “Trường đang đào tạo thí điểm 4 nghề quốc tế khóa đầu tiên theo chương trình của Úc, gồm điện tử công nghiệp, công nghệ thông tin, ứng dụng phần mềm, lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp. Với chương trình trọng điểm này, người học sẽ có nhiều lợi thế về chuyên môn đáp ứng chuẩn quốc tế, trình độ tiếng Anh, các kỹ năng nghề nghiệp... Do vậy, khi tốt nghiệp các em không chỉ được các doanh nghiệp trong nước mà còn được các doanh nghiệp nước ngoài tại VN tuyển với mức lương cao”. Để đáp ứng được chất lượng đào tạo theo đúng chuẩn quốc tế, trường được nhà nước cấp kinh phí đầu tư mỗi nghề khoảng 1 - 2 tỉ đồng trên tổng số 15 sinh viên/nghề.
Trong khi đó, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức đang tiến hành khảo sát để đào tạo nghề điện công nghiệp cấp quốc tế, theo chương trình của Đức ở các ngành điện, cơ khí chế tạo máy (cấp khu vực) và cơ khí ô tô (cấp quốc gia).
Bà Nguyễn Thị Lý chia sẻ: “Học ngành trọng điểm quốc tế, người học sẽ có trình độ tiếng Anh tương đương TOEIC 350 và khi tốt nghiệp sẽ được nhận 2 bằng, một của VN và một của Đức. Chúng tôi đang lập đề án với mức kinh phí đầu tư dự kiến khoảng 221 tỉ cho 4 ngành trên để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Đó là chưa kể kinh phí đầu tư vào chương trình đào tạo, chuẩn hóa giáo viên...”.
Ông Nguyễn Ngọc Hạnh thông tin thêm: Từ năm 2011 đến nay, trường được ngân sách đầu tư khoảng 35 tỉ đồng để chuẩn hóa trang thiết bị, giáo viên phục vụ việc đào tạo các ngành nghề trọng điểm. Sắp tới, trường sẽ được đầu tư 170 tỉ đồng.
Trường CĐ Công nghệ quốc tế LILAMA 2 đã được đầu tư để xây dựng thành Trung tâm đào tạo chất lượng cao với sự tài trợ vốn ODA của chính phủ Đức và Pháp cho 7 nghề đạt cấp CĐ nâng cao quốc tế. Ngoài văn bằng của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, sinh viên được nhận văn bằng của Đức được công nhận ở 100 quốc gia trên thế giới. Đó là các nghề cắt gọt kim loại, cơ điện tử, cơ khí công nghiệp, điện tử công nghiệp, hàn, lắp đặt đài trạm viễn thông và kỹ thuật truyền dẫn quang. Tổng kinh phí để xây dựng và phát triển trung tâm đào tạo tại trường là khoảng hơn 30 triệu euro. Hằng năm, phía Đức đều cử các chuyên gia đến hỗ trợ trường về chương trình đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý và giáo viên, chuyển giao công nghệ, lắp đặt thiết bị...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.