“Cuộc đổ bộ” của các tuyến cao tốc
Bộ GTVT vừa đề xuất xây dựng kế hoạch đầu tư 7 tuyến cao tốc ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm: Cần Thơ - Cà Mau, Chơn Thành - Đức Hòa, Đức Hòa - Mỹ An, Mỹ An - Cao Lãnh, An Hữu - Cao Lãnh (thuộc tuyến cao tốc 2 Hồng Ngự - Trà Vinh), Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.
7 tuyến cao tốc này có tổng vốn đầu tư là 64.554 tỉ đồng, sẽ được phân kỳ đầu tư, trong đó nhu cầu vốn trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 37.272 tỉ đồng.
Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vùng ĐBSCL sẽ hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông và phía tây cùng với 3 tuyến cao tốc khu vực phía nam (Bạc Liêu - Rạch Giá - Hà Tiên, Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) với tổng chiều dài khoảng 998 km. Tuy nhiên, tiến độ đầu tư các tuyến cao tốc này theo quy hoạch được duyệt đến sau năm 2030. Bộ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh lộ trình đầu tư các tuyến cao tốc này lên giai đoạn trước năm 2030, đồng thời bổ sung tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh vào quy hoạch.
Không chỉ phía tây Nam bộ đang gấp rút hoàn thiện hạ tầng, các tỉnh, thành phía đông cũng rốt ráo xúc tiến nhiều công trình giao thông trọng điểm để giải tỏa ùn tắc, đồng thời sẵn sàng kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tương lai. Cụ thể, sẽ có 5 tuyến cao tốc kết nối các tỉnh, thành khu vực phía nam với sân bay Long Thành. Mới nhất là tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết vừa chính thức khởi công ngày 30.9. Tuyến đường dài 99 km đi qua 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, giai đoạn 1 có mức đầu tư hơn 12.000 tỉ đồng, thiết kế 4 làn xe. Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 6 làn xe, dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2022.
Cùng với đó, tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện hữu đang quá tải đã được Bộ GTVT đồng ý triển khai sớm giai đoạn 2 của dự án, mở rộng 24 km từ nút giao An Phú (Q.2, TP.HCM) đến H.Long Thành (Đồng Nai) lên 8 làn xe vào năm 2025 với tổng kinh phí hơn 9.800 tỉ đồng. Song song, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch năm 2016 đang được nghiên cứu triển khai trước đoạn Biên Hòa - Phú Mỹ. Dự kiến, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, thi công xây dựng được triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025.
Nếu Bộ GTVT đồng ý, dự án cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt dài hơn 200 km từ TT.Dầu Giây (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) đến đầu đường cao tốc Liên Khương - Đà Lạt (H.Đức Trọng, Lâm Đồng), được chia ra làm ba dự án thành phần cũng sẽ được khởi công trong quý 3/2022 và hoàn thành năm 2025.
Hoàn thiện hạ tầng giao thông sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phía nam rất nhiều. Chi phí logistics giảm, các doanh nghiệp, nhà sản xuất sẽ tăng lợi thế cạnh tranh, tiếp cận thị trường xuất khẩu dễ dàng hơn, người dân cũng sẽ hưởng lợi lớn khi chi phí đi lại, giá cả hàng hóa giảmTS Dương Như Hùng, Khoa Quản lý công nghiệp, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM |
Đối với tuyến cao tốc lớn nhất phía nam - cao tốc Long Thành - Bến Lức được khởi công tháng 7.2014 với tổng mức đầu tư 31.000 tỉ đồng, kế hoạch thông xe ban đầu vào cuối năm 2018, nhưng đến nay chỉ đạt 80% khối lượng do thiếu vốn và vướng mặt bằng. Hồi tháng 8, Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh dự án với mốc hoàn thành cuối năm 2023, làm cơ sở để làm thủ tục gia hạn vay vốn từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tạo điều kiện cho dự án tiếp tục triển khai về đích.
Là trung tâm kinh tế của toàn vùng, mới đây, TP.HCM cũng đã được Chính phủ thống nhất giao làm cơ quan quyết định chủ trương tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Nếu mọi quy trình tiến hành thuận lợi, dự kiến đến 2025, TP.HCM sẽ có đường cao tốc hơn 13.600 tỉ đồng kết nối với Tây Ninh, xóa thế độc đạo của QL22 hiện nay.
Thay đổi dung mạo toàn vùng
Trong nhiều cuộc làm việc với các tỉnh, TP thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã không ít lần nhấn mạnh đây là những địa phương quan trọng, chiếm tới 43% GDP của cả nước và trong tương lai, phía nam sẽ là trọng điểm của các vùng kinh tế trọng điểm. Thế nhưng thực tế, hạ tầng giao thông tại khu vực này lại bị đánh giá thua kém các tỉnh thành khác và đang ngày càng trì trệ. Trong danh sách các tuyến cao tốc bổ sung vào quy hoạch mạng lưới đường cao tốc VN đến năm 2020, tầm nhìn 2030, khu vực phía bắc vẫn được ưu tiên với chiều dài chiếm gần 2/3, còn lại là khu vực phía nam và miền Trung, Tây nguyên. Chỉ tính riêng Hà Nội, đã có 5 tuyến cao tốc nối thẳng hình nan quạt tạo thành mạch máu với các vùng kinh tế trọng điểm phía bắc đã đi vào khai thác.
So sánh 2 trung tâm kinh tế lớn nhất là TP.HCM và Hà Nội: Trong khi các cửa ngõ của thủ đô Hà Nội đều có đường cao tốc về các tỉnh, các tuyến đường vành đai khép kín, sân bay Nội Bài vẫn chưa tới mức quá tải; Quảng Ninh, Hải Phòng liên tục khai trương đường cao tốc, sân bay mới... thì TP.HCM vẫn loay hoay trong bản quy hoạch. Hạ tầng giao thông yếu kém không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống của người dân TP mà còn đang trở thành nút thắt cổ chai kìm hãm sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác như du lịch, logistics...
Phát biểu tại hội nghị Vùng kinh tế trọng điểm phía nam do Thủ tướng Chính phủ chủ trì diễn ra tại Đồng Nai hồi giữa năm ngoái, TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM, cũng đánh giá vấn đề giao thông kết nối và phát triển đô thị vùng là 2 vấn đề quan trọng nhất đối với sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía nam. “Các vùng không kết nối được là do giao thông. Phát triển chuỗi vùng đô thị mà không có giao thông kết nối là thất bại. Tôi đi từ Lào Cai xuống Vân Đồn (Quảng Ninh) toàn đường cao tốc, rất sướng nhưng nhìn lại giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía nam thì không được như vậy. Đường Vành đai 2 chỉ có 64 km chưa kết nối được, Vành đai 3, 4 thì dở dang, cao tốc cũng chưa có gì. Chỉ biết tâm tư vùng kinh tế này làm sao có cao tốc như vậy để phát triển”, ông Lịch nói.
Lột xác về dung mạo, thay đổi về kinh tế TS Dương Như Hùng, Khoa Quản lý công nghiệp, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhận định vùng kinh tế phía nam đã ì ạch quá lâu trong bài toán hạ tầng. Nếu mạng lưới 7 tuyến cao tốc tại ĐBSCL, 5 tuyến cao tốc phía đông được triển khai và hình thành theo đúng kế hoạch, giai đoạn 2025 - 2030, khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía nam sẽ có một cuộc “lột xác” về dung mạo, thay đổi rất lớn về đô thị và kinh tế.
“Hoàn thiện hạ tầng giao thông sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phía nam rất nhiều. Chi phí logistics giảm, các doanh nghiệp, nhà sản xuất sẽ tăng lợi thế cạnh tranh, tiếp cận thị trường xuất khẩu dễ dàng hơn, người dân cũng sẽ hưởng lợi lớn khi chi phí đi lại, giá cả hàng hóa giảm. Đặc biệt trong giai đoạn hậu Covid-19, các nước đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư, vùng kinh tế trọng điểm phía nam sẽ có lợi thế thu hút vốn đầu tư nước ngoài rất lớn nếu nhanh chóng giải quyết bài toán giao thông”, TS Dương Như Hùng nhìn nhận.
Bình luận (0)