Hàng tỉ USD đổ vào thị trường bán lẻ: Doanh nghiệp Việt làm chủ cuộc chơi

02/03/2019 07:24 GMT+7

Dù các tập đoàn bán lẻ ngoại liên tục mở rộng thị trường tại VN, song chính nhà bán lẻ trong nước mới góp phần thay đổi diện mạo thị trường bán lẻ rõ rệt nhất.

Vincom định hướng thị trường bán lẻ hiện đại

Khoảng 15 năm trước không ai nghĩ VN có ngành công nghiệp bán lẻ nhưng giờ đã định hình. Công ty Vincom Retail là đơn vị dẫn đầu trong việc vận hành - quản lý chuỗi hệ thống trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại hiện đại của VN, được định vị từ trung tới trung - cao cấp trên toàn quốc.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ VN
Điển hình nhất trong đó là Tập đoàn VinGroup đầu tư chuỗi các trung tâm thương mại Vincom; hệ thống siêu thị Vinmart, cửa hàng tiện lợi Vinmart+ liên tục mở tại các thành phố lớn. Chỉ trong vòng 15 năm phát triển, Vincom đã làm thay đổi diện mạo thị trường bán lẻ hiện đại của VN. Nếu so về tầm vóc, quy mô, phân khúc, tính phong phú đa dạng, điển hình của một trung tâm bán lẻ hiện đại... đến nay, có thể nói, chưa thấy nhà bán lẻ ngoại nào đạt được sự thành công và chứng minh được sự phát triển bền vững của thương hiệu tại thị trường Việt. VinGroup đang phủ từ phân khúc trung tâm thương mại hiện đại, đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi và cả kênh bán hàng online.
Có thể nói, đây là sự thành công ngoài mong đợi của chúng ta. Còn nhớ khoảng 10 năm về trước khi VN bắt đầu mở cửa thị trường bán lẻ, nhiều vị lãnh đạo ở các bộ, ngành liên quan lĩnh vực này cũng như các chuyên gia kinh tế đã từng lo ngại, hệ thống phân phối non trẻ của VN sẽ bị đè bẹp bởi các "ông lớn" nước ngoài. Thế nhưng không ít thương hiệu ngoại nổi tiếng đã phải rút lui. Điển hình như thương hiệu đến từ Malaysia là Parkson, vào VN cũng rầm rộ với Trung tâm thương mại Parkson nằm vị trí đẹp song hành với Vincom. Tuy nhiên, trong vòng 2 năm trở lại đây, Parkson đã đóng cửa 5 địa điểm kinh doanh tại VN. Sau 14 năm có mặt với cửa hàng bách hóa quốc tế đầu tiên tại VN, tập đoàn bán lẻ đến từ Malaysia đang dần dần rút khỏi thị trường vì liên tục thua lỗ. Big C (thuộc Central - Thái Lan) sau khi về tay người Thái cũng hoạt động trong lĩnh vực siêu thị là chính, METRO của Đức sau khi được người Thái mua lại đổi thành tên MM Mega Market và chuyển từ hoạt động bán sỉ sang bán lẻ lẫn sỉ.
Lý giải việc này, một chuyên gia kinh tế cho rằng Parkson thất bại do thiếu năng động, mô hình quá đơn điệu trong khi các trung tâm thương mại, siêu thị muốn tồn tại và phát triển phải thay đổi, tạo ra một “hệ sinh thái” rộng hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Đi tiên phong trong xu hướng này, Vincom Bà Triệu là mô hình trung tâm thương mại đa tiện ích đầu tiên bao gồm vui chơi, ẩm thực, mua sắm, trung tâm thể thao làm đẹp. Sau này tiến lên thành điểm du lịch với thủy cung, sân trượt băng...
Theo ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, một số chuỗi bán lẻ lớn trong nước đã lớn mạnh và đang dẫn đầu thị trường. Điều này cho thấy bất kể doanh nghiệp nào làm ăn đàng hoàng, có chiến lược dài hơi thì không e ngại trước các đơn vị ngoại. “Sự xuất hiện của những trung tâm thương mại Vincom không chỉ mang đến thị trường những xu hướng, phong cách mua sắm mới mà còn định hình và thúc đẩy thị trường bán lẻ Việt. Đặc biệt trung tâm thương mại có đầy đủ các khu vui chơi, rạp chiếu phim, khu ẩm thực bên cạnh mua sắm… gây chú ý và yêu thích của người tiêu dùng”, ông Phú nhận xét.

“Chở” hàng hóa Việt ra khắp thị trường

Các nhà bán lẻ lớn trên toàn cầu đều sở hữu các trung tâm mua sắm đa tiện ích với nhiều trải nghiệm, dịch vụ phong phú mới thành công và làm chủ cuộc chơi được. Câu chuyện về chuỗi bán lẻ Macy’s của Mỹ là một ví dụ. Tuy thất bại liên tiếp về doanh thu trong nhiều năm, nhưng thương hiệu này vẫn tiếp tục tập trung nguồn lực phát triển, nghiên cứu xu hướng tiêu dùng để cho ra cơ sở dữ liệu về mối quan tâm, sở thích, hành vi của người mua hàng. Theo đó, ngoài việc tập trung tung ra sản phẩm theo thị hiếu, mở rộng các chuỗi nhãn hàng khác nhau, cách mà công ty này tăng được lượt khách chính là tăng cường sự hiện diện của các nhà hàng, rạp chiếu phim, khu trò chơi ngay trong trung tâm thương mại. Rất ngoạn mục, năm 2017, công ty đã đạt doanh thu lên 25 tỉ USD từ chuỗi trung tâm thương mại, cửa hàng của mình trên thế giới và tiếp tục báo lãi liên tục 4 quý trong năm 2018. Cách làm của Macy’s khá tương đồng với chiến lược VinGroup của VN đang phát triển chuỗi bán lẻ Vinmart+ đa phương tiện của mình.
Không chỉ tập trung tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM, Vincom cũng tiên phong phát triển thị trường bán lẻ đến các quận ven như Q.9, Thủ Đức, Gò Vấp... đến đại trung tâm thương mại như Mega Mall. Chính sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của Vincom đã góp phần thu hút các thương hiệu bán lẻ quốc tế tới VN nhiều hơn với những thương hiệu lớn lần đầu tiên có mặt như Zara, H&M... Từ đó góp phần tạo nên sự sôi động trên thị trường bán lẻ trong nước cũng như giúp cân bằng cán cân cho các nhà bán lẻ nội trước sự phát triển mạnh của các tập đoàn bán lẻ quốc tế. Nhờ đó, văn hóa tiêu dùng trên thị trường bán lẻ VN cũng được nâng cao tiệm cận với thế giới.
Đặc biệt, các nhà bán lẻ trong nước được phát triển theo chuỗi các Vincom và lan tỏa đi các nơi, có chỗ đứng đẳng cấp bên cạnh các thương hiệu quốc tế lớn. Các nhà sản xuất trong nước cũng có cơ hội đưa hàng hóa của mình vào hệ thống siêu thị hiện đại, đẳng cấp để cạnh tranh với hàng hóa ngoại trên sân nhà. “Chúng ta thấy VinGroup đã hợp tác với 250 doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy sản xuất nội địa. Hay chiết khấu bằng 0% cho các nhà cung ứng thực phẩm tươi sống. Điều này chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho nhiều bên và cả người tiêu dùng”, ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.