Một nhà sử học Đức vừa công bố nghiên cứu kết luận hãng tin Mỹ AP từng hợp tác với phát xít Đức, cam kết không đưa tin bất lợi “làm suy yếu Đức Quốc xã trong và ngoài nước”. AP đã bác bỏ điều này.
Khách tham quan trước tủ kính chứa trang phục của trùm phát xít Adolf Hitler trong một đợt trưng bày đặc biệt tại một bảo tàng ở thành phố St. Petersburg, Nga - Ảnh: Reuters |
Trong một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí chuyên ngành Studies in Contemporary History (Nghiên cứu lịch sử đương đại) ngày 30.3, nhà sử học Đức Harriet Scharnberg, thuộc Đại học Martin Luther kết luận: hãng tin AP từng hợp tác với chính quyền Đức Quốc xã để che đậy tội ác chiến tranh của phát xít Đức, theo tờ The Guardian (Anh) ngày 30.3.
Đức Quốc xã kiểm duyệt gắt gao truyền thông địa phương và nước ngoài bằng cách áp đặt luật Schriftleitergesetz (hay Luật Biên tập, hạn chế và kiểm duyệt chặt chẽ thông tin truyền thông) kể từ năm 1933. Nhiều tờ báo phương Tây đã bị buộc phải đóng cửa văn phòng đại diện vì đạo luật này.
Nhưng AP là hãng tin phương Tây duy nhất vẫn có thể duy trì hoạt động ở Đức dưới thời chính quyền trùm phát xít Adolf Hitler kể từ năm 1933 cho đến năm 1941. Lúc bấy giờ AP trở thành kênh tin tức độc quyền về Đức Quốc xã.
Bà Scharnberg cho biết AP hợp tác kiểu “đôi bên cùng có lợi” với Đức Quốc xã, đồng ý tuân thủ luật Schriftleitergesetz, cam kết không đăng tải bất kỳ thông tin bất lợi nào “có thể làm suy yếu sức mạnh của Đức Quốc xã trong và ngoài nước”.
Theo luật Schriftleitergesetz, AP phải tuyển dụng những phóng viên làm việc cho cơ quan tuyên truyền của đảng Quốc xã. Một trong số bốn phóng viên ảnh mà AP tuyển dụng trong năm 1930 là Franz Roth, là phóng viên của cơ quan tuyên truyền thuộc đảng Quốc xã, nghiên cứu của bà Scharnberg vạch ra. Đích thân trùm phát xít Hitler lựa chọn những bức ảnh của Roth để xem bức nào đáng đăng hoặc không nên công bố.
Theo The Guardian, AP đã gỡ bỏ những bức ảnh có chú thích tác giả ảnh Roth khỏi website của hãng tin này sau khi bà Scharnberg công bố nghiên cứu.
Theo bà Scharnberg, AP còn cho phép Đức Quốc xã sử dụng kho ảnh của hãng tin này để sản xuất những tài liệu tuyên truyền. Và nhiều tập sách tuyên truyền của Đức Quốc xã dùng ảnh của AP.
Hợp tác với phát xít Đức, AP đã giúp Đức Quốc xã “khắc họa một cuộc chiến tranh hủy diệt như thể nó là một cuộc chiến thông thường”, bà Scharnberg trả lời phỏng vấn tờ The Guardian.
Nhà sử học Scharnberg công bố nghiên cứu này trước thềm AP kỷ niệm 170 năm thành lập vào tháng 5.2016.
Người phát ngôn của AP, ông Paul Colford đã lên tiếng bác bỏ thông tin từ nghiên cứu của bà Scharnberg. Ông Colford khẳng định AP không hề có hồ sơ hay dữ liệu nào về phóng viên ảnh Roth, theo tờ The New York Times (Mỹ).
“Đức Quốc xã gây áp lực đối với AP trong giai đoạn Hitler lên nắm quyền vào năm 1993 cho đến khi AP bị buộc rời khỏi Đức vào năm 1941 do Mỹ tuyên chiến với Đức Quốc xã. Nhưng các phóng viên AP bất chấp những áp lực từ Đức Quốc xã và cố gắng hết sức để thu thập thông tin khách quan, trung thực và chính xác nhất cung cấp cho bạn đọc trên toàn thế giới trong giai đoạn đen tối và nguy hiểm này”, ông Colford khẳng định.
Theo The New York Times, vào năm 1939, nhà báo Mỹ Louis P. Lochner, trưởng văn phòng đại diện AP tại Đức, được trao giải thưởng Pulitzer nhờ những bài báo của ông về Đức Quốc xã. Theo AP, Đức Quốc xã gây áp lực buộc ông Lochner phải sa thải các nhân viên người Do Thái, nhưng ông bất tuân và đã sắp xếp cho họ rời khỏi Đức, làm việc cho AP ở các nước khác.
Bình luận (0)