Đây là lần thứ hai tại trung tâm này xảy ra sự cố tương tự. Sự trùng lặp trong thời gian quá ngắn khiến người ta buộc phải loại bỏ yếu tố ngẫu nhiên, nghĩ đến vấn đề rộng hơn một vụ xô xát bình thường giữa những người trẻ tuổi...
Tấn công bảo vệ, bỏ trốn tập thể
Lúc 19 giờ 30, một số học viên trong khu 4 của Trung tâm Giáo dục dạy nghề thanh thiếu niên 2 (chưa xác định số lượng) đã bất ngờ kéo nhau qua phòng số 3, vây đánh một học viên tên Lê Văn Thuận (ngụ P.1, Q.6, TP.HCM) khiến học viên này bị thương tích. Lực lượng bảo vệ của trung tâm đã tiến hành can thiệp ngay khi vụ đánh nhau vừa xảy ra và lập hồ sơ xử lý... Tuy nhiên, trong lúc các nhân viên bảo vệ đang tách riêng số học viên vừa gây hấn để làm việc thì tại phòng 3, học viên Nguyễn Thanh Sơn (tổ trưởng) đã tổ chức các học viên trong phòng này tấn công học viên Lại Trần Hùng - tổ trưởng bên khu 4. Vụ xô xát đã trở thành một "cuộc chiến" giữa hai phe khi số học viên tham gia đánh nhau ngày càng đông với mức độ manh động tăng dần. Một số học viên quá khích đã bắt đầu đập phá song sắt của khu 4 và thoát ra ngoài...
Chính những học viên vừa "tháo cũi sổ lồng" ấy đã tạo nên một "làn sóng bạo lực" lan tràn khắp các khu 1, 2 và khu y tế. Những học viên trong các khu này cũng đồng loạt nổi loạn, phá cửa thoát ra và tấn công lực lượng bảo vệ của trung tâm đang chốt chặn tại cổng, uy hiếp, buộc phải mở cổng... Sự việc diễn biến quá nhanh (trong khoảng thời gian chưa đầy 2 tiếng đồng hồ) khiến tất cả những nhân viên đang có mặt tại chỗ của trung tâm không kịp trở tay, kể cả việc yêu cầu các cơ quan chức năng địa phương hỗ trợ kịp thời.
Khi cảnh sát cơ động Công an TP.HCM và Công an huyện Củ Chi đến hỗ trợ thì 798 học viên thuộc khu 4 đã thoát ra khỏi trung tâm từ lâu, số học viên còn ở lại chỉ là 684 người. Lập tức, lực lượng công an được bố trí đóng chốt xung quanh trung tâm để vãn hồi trật tự và phong tỏa một khu vực rộng lớn, tổ chức truy bắt các học viên vừa trốn ra. Một chiến sĩ cảnh sát cơ động cho biết: "Lúc 9 giờ 30, hơn 100 cảnh sát cơ động trên 4 xe đặc chủng đã tiến thẳng đến trung tâm để ổn định trật tự. Tôi đã thức trắng đêm 2.10, cùng đồng nghiệp đi lùng để bắt các học viên đưa về lại trung tâm. Khi rời khỏi trung tâm, trên người học viên mặc áo quần đồng phục của trung tâm (chiếc áo ngắn tay và quần đùi) cho nên dễ nhận dạng. Nhưng có nhiều học viên đã lấy trộm áo quần, xe đạp của người dân cư ngụ ở đây mặc vào, giả dạng thường dân để trốn...".
Suốt đêm 2.10 đến trưa 3.10, cơ quan chức năng đã huy động các phương tiện truy bắt được khoảng 500 học viên đưa về lại trung tâm.
Cuộc trốn chạy có mưu tính?
|
Cách nay vừa đúng 1 tuần, vào lúc 15 giờ ngày 25.9, tại trung tâm này cũng đã xảy ra một vụ tương tự với 170 học viên thuộc khu 2 và khu 3 tham gia đánh nhau, khiến 11 học viên bị thương, làm hư hỏng một số tài sản. Lần đó, nguyên nhân của vụ việc bắt đầu từ lúc trung tâm cho chuyển một số học viên từ khu 2 sang khu 3 và học viên khu 2 cho rằng Phạm Nhân Đức - trật tự khu 3 - đã "cầm đầu" số học viên khu 3 ức hiếp học viên khu 2, nên đã dùng gỗ, bóng đèn nê-ông đuổi đánh Đức...
Cả hai lần các học viên của trung tâm nổi loạn đều bắt đầu từ một cuộc xô xát, liệu vụ việc lần trước có phải là một tiền đề cho cuộc trốn chạy quy mô lớn của lần sau?
Hữu Phú - Đàm Huy
Bình luận (0)