Hàng trăm nạn nhân 'sập bẫy' băng lừa đảo trên mạng

16/06/2015 17:36 GMT+7

(TNO) Liên quan đến đường dây lừa đảo qua mạng bằng hình thức “hàng giá rẻ”, đã có hàng trăm nạn nhân trên cả nước sập bẫy.

(TNO) Liên quan đến đường dây lừa đảo qua mạng bằng hình thức “hàng giá rẻ”, đã có hàng trăm nạn nhân trên cả nước sập bẫy. 

Đối tượng Nguyễn Văn Đô bị bắt
Nguyễn Văn Đô bị bắt
Rao từ sổ đỏ đến bằng giả
Thủ đoạn chính của các đối tượng trong đường dây lừa đảo qua mạng là lên các trang web rao vặt để đưa tin về dịch vụ làm bằng đại học, trung cấp, cấp 3; sổ đỏ nhà đất và bán điện thoại... với giá rẻ hơn so với giá thị trường.
Sau đó, nhóm này yêu cầu khách hàng trả trước từ 30 - 50% số tiền, rồi tạo ra các vận đơn giả đã chuyển hàng qua tin nhắn điện thoại hoặc email để nạn nhân tin tưởng và giao hết số tiền còn lại. Sau khi nhận toàn bộ số tiền, các đối tượng cắt số điện thoại để nạn nhân không thể liên lạc.
Theo hồ sơ của công an, băng nhóm này lên trang web mienphimuaban.com rao tin về dịch vụ làm bằng đại học, cao đẳng và cấp 3 uy tín, dễ dàng, bảo mật và chất lượng. Những người này cũng cam kết mẫu bằng đạt 100% phôi thật, tem 7 màu, mộc giáp lai nổi và mộc đóng. Để tạo niềm tin với “khách hàng”, nhóm này đăng công khai số điện thoại và email để cho nạn nhân có nhu cầu liên hệ.
Nội dung các tin rao thường là: làm sổ đỏ nhà đất bao vay vốn không thế chấp tối đa 2 tỉ đồng trả trong vòng 10 năm; nhận giải ngân, đáo hạn, vay vốn ngân hàng trên toàn quốc, giá chỉ 8 triệu đồng.
Đối với những người có nhu cầu làm bằng cấp, chỉ cần cung cấp đầy đủ thông tin và 1 đến 2 ngày sau nhận bằng, có thể làm trong ngày. Ngoài ra, nhóm này cũng quảng cáo làm các loại bằng đại học, cao đẳng và trung cấp có kèm theo học bạ và bảng điểm. Giá các đối tượng rao rất hấp dẫn. Cụ thể, bằng đại học giá 6 triệu đồng; bằng cao đẳng 4 triệu đồng và bằng trung cấp, cấp 3 giá 3 triệu đồng.
 
Đối tượng Trần Ngọc Tây tại cơ quan điều tra - Ảnh: Ngọc Lê
Trần Ngọc Tây tại cơ quan điều tra - Ảnh: Ngọc Lê
Làm giả vận đơn bằng phần mềm Photoshop
Ngoài ra, nhóm này còn rao bán chứng chỉ tin học TOEIC, TOEFL giá 2 triệu đồng, sổ hộ khẩu 4 triệu đồng, làm chứng minh thư 1 triệu đồng, chứng chỉ nghề 2 triệu đồng, chứng chỉ ngoại ngữ tin học 2 triệu đồng và bằng lái xe từ 1 đến 4 triệu đồng.
Với cách thức như vậy, đã có hàng trăm bị hại trên cả nước sập bẫy của các đối tượng này. Điển hình như N.T.T.T. (19 tuổi) lên mạng thấy thông tin rao bán điện thoại iPhone 5 giá 7,5 triệu đồng. Sau khi T. liên hệ để mua máy thì nhóm lừa đảo yêu cầu T. gửi vào số tài khoản của những người này khoảng 4 triệu đồng. Sau đó, chúng chuyển cho T. vận đơn nói rằng hàng đã chuyển sắp tới và T. phải chuyển số tiền còn lại và nhận máy. Sau khi T. chuyển hết 7,5 triệu đồng thì các đối tượng rút tiền tiêu xài, cắt đứt liên lạc với T.
Còn anh N.Đ.L. (38 tuổi, ngụ Hà Nôi) có nhu cầu làm sổ hồng. Sau khi liên hệ với đối tượng thì được báo giá 12 triệu đồng. Anh L. đã gửi vào tài khoản của đối tượng 50% số tiền đặt cọc, sau đó đối tượng gửi vận đơn cho anh L. và đề nghị anh L. chuyển số tiền còn lại vào tài khoản để nhận sổ hồng. Sau khi anh L. chuyển toàn bộ 12 triệu đồng, các đối tượng cắt đứt liện lạc với anh L.
Cơ quan điều tra cho biết, các vận đơn mà đối tượng gửi cho nạn nhân đều làm giả bằng phần mềm chỉnh sửa ảnh Photoshop. Một số đối tượng liên quan cũng đã sử dụng CMND lượm được hoặc mua được để mở tài khoản ngân hàng rồi yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào.
Theo điều tra ban đầu của cơ quan điều tra, tổng cộng số tiền chuyển vào tài khoản của các đối tượng là gần 3 tỉ đồng, số tiền rút ra khỏi tài khoản với nội dung mua bán hàng, làm giấy tờ nhà đất là khoảng 300 triệu đồng.
Cẩn thận với hàng giá rẻ bất thường
Ngày 16.6, trao đổi với Thanh Niên Online, thiếu tá Phạm Công Hải (Phó trưởng phòng 2, Cục phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - C50) cho biết, hiện nay rất nhiều đối tượng sử dụng lợi thế về công nghệ rồi thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng. Vì vậy, người dân cần thận trọng khi mua hàng hóa trên mạng khi không rõ nguồn gốc, đặc biệt là hàng hóa có giá rẻ bất thường. Người dân cần nâng cao cảnh giác và nhận thức pháp luật để tránh bị lừa.
Thiếu tá Hải cho rằng, nhiều đối tượng nghĩ mọi hành vi vi phạm pháp luật qua mạng internet sẽ khó bị cơ quan công an phát hiện, tuy nhiên công an đều có thể truy tìm và xử lý theo quy định của pháp luật.
Các bị hại cần trình báo với cơ quan công an nơi gần nhất hoặc C50 khi biết mình bị lừa đảo qua mạng để kịp thời ngăn chặn hậu quả xảy ra..
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.