Báo động tội phạm trẻ: 'Thủ phủ' lừa đảo qua mạng

16/06/2015 10:52 GMT+7

Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt thanh thiếu niên tại H.Duy Xuyên (Quảng Nam) sa lưới vì chiếm đoạt tài sản qua mạng khiến dư luận đặt dấu hỏi: tại sao loại tội phạm này lại tập trung ở Duy Xuyên?

Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt thanh thiếu niên tại H.Duy Xuyên (Quảng Nam) sa lưới vì chiếm đoạt tài sản qua mạng khiến dư luận đặt dấu hỏi: tại sao loại tội phạm này lại tập trung ở Duy Xuyên?

Báo động tội phạm trẻ: 'Thủ phủ' lừa đảo qua mạngMột số trẻ vị thành niên phạm tội bị công an xử lý hành chính - Ảnh: Công an cung cấp
Nhiều nguyên nhân được phân tích nhưng đa số đều có chung nhận định, sở dĩ tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng bùng phát ở Duy Xuyên là do một bộ phận thanh niên bất hảo học được rồi “truyền bá” cho nhau trong những lần tụ tập ở các quán “net”. Đại úy Phạm Văn Hiệp, Đội phó Đội CSĐT (Công an H.Duy Xuyên) cho biết nghi phạm bị bắt trong các vụ án này đều trẻ tuổi, học hành không đến nơi đến chốn. Do có nhiều thời gian rảnh rỗi để chơi game nên giữa chúng có thể học “lỏm” được thủ đoạn của nhau. “Đứa trước lừa đảo có nhiều tiền, đứa sau thấy vậy cũng học theo. Rồi đứa trước bày cho đứa sau cứ thế dần dần hình thành “cái nôi” lừa đảo qua mạng. Dù vậy, để xác định được người đầu tiên thực hiện hành vi lừa đảo là điều rất khó”, đại úy Hiệp nhìn nhận.
Mới đây, Công an Hà Tĩnh đã bàn giao 3 học sinh cấp THCS có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn nhắn tin trúng thưởng qua tài khoản Zalo cho H.Duy Xuyên tiến hành xử lý hành chính.
Cùng quan điểm này, Trưởng công an xã Duy Phước Võ Đức Minh cho rằng số tiền kiếm được sau mỗi “phi vụ” quá nhiều cũng là “hấp lực” lớn khiến nhiều thanh thiếu niên địa phương dính vòng lao lý. “Bỏ học rồi chơi game. Mà chơi nhiều thì thiếu tiền. Rồi thấy bạn bè kiếm được tiền để chơi tiếp thì tự nhiên chiêu lừa sẽ thu hút thêm nhiều em khác thôi”, ông Minh nhận định mục đích ban đầu của không ít nghi phạm là chỉ để thỏa mãn việc có tiền chơi game. Tuy nhiên, sau đó các nghi phạm lại dính vào nhiều con đường phạm tội khác vì bỗng dưng có nhiều tiền. Một điều đáng chú ý là trong các vụ án này, đa số nghi phạm thường có trình độ văn hóa không quá 9/12. Nếu không được “truyền thụ” từ những nghi phạm đi trước thì nhiều thanh niên khó có thể tiệp cận được thủ đoạn chiếm đoạt tiền qua mạng internet.
Ngăn chặn từ gốc rễ
Kể về nhân thân của Lê Quang Linh (17 tuổi), Nguyễn Thành Trung và Nguyễn Xuân Tân (cùng 20 tuổi) vừa bị Công an TP.Đà Nẵng bắt giữ vào đầu tháng 6, ông Võ Đức Minh gói gọn: “Ba em đều ham chơi rồi bỏ học sớm. Kiếm được tiền, cả 3 đều ăn tiêu rất phung phí, sắm nhiều tài sản có giá trị”. Ông kể, trước khi bị bắt vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Nguyễn Thành Trung có 1 xe máy SH rất sang. Khi ba Trung là ông N.M. hỏi nguồn gốc chiếc xe thì Trung bảo là do chơi game mà có được. “Trung nói dối ba là vì chơi game nổi tiếng, giỏi nên sau khi đi thi đã đoạt giải cao. Chiếc xe máy có được là phần thưởng ban tổ chức giải game trên mạng trao cho”, ông Minh tiếp lời. “Đến khi con trai bị bắt, ông M. mới bật ngửa vì việc làm bấy lâu của Trung. Nhà có 2 đứa con, con trai một bị bắt, ông M. đâm buồn chán rồi say xỉn cả ngày, đau lòng lắm!”, ông Minh tỏ ra xót xa. “Khi thấy con có tài sản bất minh nhiều phụ huynh không làm rõ mà có khi còn nuông chiều nên cho qua”, đại úy Hiệp nói.
Không những vậy, theo ông Võ Đức Minh, loại tội phạm này rất nguy hại với xã hội vì nó dễ dẫn đến những hành vi phạm tội tiếp theo như ma túy, bài bạc... do có nhiều tiền để ăn chơi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.