Hàng Trung Quốc bủa vây người tiêu dùng - Kỳ 3: Phải kiểm soát nhập khẩu hiệu quả

05/03/2013 03:35 GMT+7

Theo các chuyên gia, chống hàng lậu, kiểm soát nhập khẩu, tăng cường sử dụng hàng trong nước... là những biện pháp đặc biệt quan trọng để hạn chế tình trạng hàng Trung Quốc tràn lan như hiện nay.

Hàng Trung Quốc bủa vây người tiêu dùng - Kỳ 3: Phải kiểm soát nhập khẩu hiệu quả
Cơ quan chức năng kiểm tra xử lý hàng Trung Quốc nhập lậu - Ảnh: Hoàng Việt

PGS-TS Hoàng Thọ Xuân, chuyên gia kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương), chia hàng Trung Quốc (TQ) vào VN thành 2 nhóm: hàng chính ngạch và hàng “vớ vẩn”. Hàng “vớ vẩn” ở đây chính là hàng giả, nhái, kém chất lượng và cả hàng độc hại. Ông nhấn mạnh loại hàng này nhập vào hoàn toàn chẳng những không có lợi ích gì mà còn ảnh hưởng rất tiêu cực đến đời sống hằng ngày của người dân. Loại hàng này vào được VN nhờ giá rẻ, số lượng thì bất cứ lúc nào, bao nhiêu cũng có. Những loại hàng này chủ yếu nhập lậu vào VN. Đối phó với nó chỉ có một cách là kiểm soát gắt gao, xử lý nghiêm, không cần một hàng rào kỹ thuật nào cả. Tuy nhiên, trên tuyến biên giới đường bộ, để kiểm soát được tình hình nhập lậu là rất khó. Bên cạnh hệ thống kiểm tra gắt gao, xử lý nghiêm khắc rất cần có cách tuyên truyền, vận động người tiêu dùng (NTD) không mua, không xài hàng TQ giá rẻ, kém chất lượng. Chỉ khi đó, những người buôn lậu mới thôi tìm cách đưa hàng TQ kém chất lượng về.

Xây dựng hàng rào kỹ thuật

Hiện VN đang nhập siêu rất lớn từ TQ. Theo PGS-TS Hoàng Thọ Xuân, đối với hàng hóa chính ngạch thì cần xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hàng trong nước. Trên tinh thần phù hợp với quy định và thông lệ quốc tế. Giải pháp này đang được Bộ Công thương nghiên cứu và có chủ trương từ nhiều năm qua, tuy nhiên còn gặp nhiều bất cập, khó khăn.

Thứ nhất là về mặt kỹ thuật, chúng ta cũng chưa có kinh nghiệm để xử lý. Thứ hai là  muốn đưa ra hàng rào kỹ thuật tương đối khắc khe thì trước đó, hàng hóa sản xuất trong nước phải nâng cao chất lượng, bảo vệ môi trường đạt được các tiêu chuẩn đó. Đây là vấn đề rất lớn. “Dù vậy về tinh thần chung, chúng ta cũng phải cố gắng xây dựng một hàng rào kỹ thuật phù hợp với thông lệ, tập quán quốc tế có tính thuyết phục để bảo vệ hàng trong nước. Đây là một chủ trương mà tôi cho là rất lớn và rất lâu dài mà chúng ta phải kiên trì làm”, PGS-TS Hoàng Thọ Xuân nói.

Chiều 4.3, tại cuộc họp giao ban thường kỳ, đại diện bộ Công thương cho biết: Việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các hàng rào kỹ thuật, quản lý chất lượng hàng hóa là nhiệm vụ chính của Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) chủ trì phối hợp với các bộ ban ngành có liên quan. Các bộ đã phối hợp với nhau để xây dựng danh mục hàng hóa, xây dựng thông tư và liên tục cập nhật những mặt hàng gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng theo chức năng quản lý của từng Bộ. Cụ thể như gần đây có thông tin về mặt hàng vải của TQ có chứa chất ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Bộ Công thương đã nhanh chóng ra quy định phải kiểm tra những chất độc hại tồn dư đó trong hàng hóa nhập khẩu để bảo vệ người tiêu dùng.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng như hiện nay, các biện pháp hạn chế nhập khẩu trở nên khó áp dụng hơn, đòi hỏi tính liên ngành cao hơn và được sử dụng tinh tế hơn. Một nghiên cứu của nhóm chuyên gia do ông Trương Đình Tuyển (nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại) đứng đầu có nội dung liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu giai đoạn 2011 - 2015 đã đưa ra các khuyến cáo quan trọng. Theo đó, để kiểm soát nhập khẩu cần xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất hàng thay thế nhập khẩu có khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa. Kiểm soát nhập khẩu một cách có hiệu quả thông qua chính sách thuế; các biện pháp thương mại công bằng, các biện pháp phi thuế quan nhằm hạn chế nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng chưa thiết yếu đối với đời sống người dân…

Năm 2013 khả năng xuất siêu vẫn lớn

Tại cuộc họp giao ban thường kỳ của Bộ Công thương ngày 4.3, Cục Xuất nhập khẩu (XNK) cho biết kim ngạch XK 2 tháng đầu năm nay ước đạt 18,97 tỉ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2012. Kim ngạch NK ước khoảng 17,3 tỉ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ. Như vậy 2 tháng đầu năm xuất siêu khoảng 1,67 tỉ USD, bằng 8,83% kim ngạch XK. Hiện XK đang có đà tăng trưởng tốt, nhất là ở ngành công nghiệp chế biến. Về NK, các nhóm hàng cần kiểm soát NK đã giảm 18,8%, các nhóm hàng cần NK thì tăng chậm so với cùng kỳ. Nguyên liệu trong nước đang phần nào đáp ứng được yêu cầu của sản xuất.

Cũng theo Cục XNK, các DN nước ngoài đã xuất siêu 2,97 tỉ USD. Hiện đà tăng trưởng XK của các DN nước ngoài đang cao. Do đó dự đoán cả năm 2013 khả năng xuất siêu của Việt Nam vẫn còn rất lớn.

Chí Nhân - M.Hà

Chí Nhân

>> Hàng Trung Quốc bủa vây người tiêu dùng
>> Hàng Trung Quốc bủa vây người tiêu dùng - Kỳ 2: Người Việt hại người Việt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.