Hơn 11.000 căn nhà ở An Giang bị ảnh hưởng
Ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh An Giang, cho biết tính đến ngày 1.10, toàn tỉnh có hơn 11.000 căn nhà bị ảnh hưởng do lũ. Phần lớn trong số nhà này bị ngập và xiêu vẹo, một số cần phải di dời. Về giao thông, có 32 km đường tỉnh bị nước lũ gây ngập và 8 km bị ngập khá sâu ở nội ô TP Long Xuyên. Nước lũ đầu nguồn còn ảnh hưởng đến 24 điểm trường với 70 lớp và 2.700 HS bị ảnh hưởng...
|
Sau khi dùng giải pháp linh hoạt tạm đóng 2 đập tràn ngăn lũ Tha La và Trà Sư trên kênh Vĩnh Tế, hiện áp lực nước lũ trong nội đồng Tứ giác Long Xuyên đã giảm, thấp hơn bên ngoài khoảng 20 cm. Ngoài diện tích lúa hơn 5.000 ha bị thiệt hại trong 8 vụ vỡ đê trong vòng 3 ngày lũ lên cao điểm, hiện vẫn còn khoảng 10.000 ha lúa vụ 3 đang bị đe dọa, chủ yếu tại huyện Châu Phú.
Ông Năng cũng cho biết Bộ NN-PTNT đã quyết định chi hỗ trợ cho An Giang 60 tỉ đồng chống lũ và tỉnh đã chi 37,5 tỉ đồng cho công tác này. Song toàn tỉnh còn có khoảng 400 km đê bao cần phải gia cố với kinh phí lên đến 130 tỉ đồng. Đến nay An Giang đã có 4 người chết vì lũ, trong đó có 1 dân quân chết trong lúc cứu đê do bị rắn độc cắn đang được cơ quan chức năng xem xét, làm hồ sơ công nhận liệt sĩ.
Trong một diễn biến khác, đêm qua, lực lượng quân đội cùng với người dân địa phương thức trắng đêm để vá điểm đê bị vỡ tại Kinh 7 (xã Ô Long Vĩ, H.Châu Phú). Ông Võ Thanh Tráng, Chủ tịch UBND huyện Châu Phú, cho biết huyện đã đưa 20 bơm nhỏ cùng với 18 máy bơm công suất lớn tiến hành bơm nước cứu diện tích lúa bị ngập do vỡ đê tại khu vực 1.500 ha thuộc tiểu vùng Kinh 7 - Kinh 10, xã Ô Long Vĩ.
Long An cho học sinh vùng lũ nghỉ học
Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, cho biết hiện mực nước lũ ở H.Tân Hưng còn 0,8m và Vĩnh Hưng còn 0,9m nữa sẽ bằng với đỉnh lũ năm 2000. Riêng tại Mộc Hóa còn thấp hơn đỉnh lũ năm 2000 khoảng 1,1m.
Cũng theo ông Lê Minh Đức, 165 cụm, tuyến dân cư tại Long An bắt đầu xây dựng từ năm 2001 dự kiến cho 32.000 hộ sinh sống, nhưng đến thời điểm này ước chỉ khoảng 60% hộ dân vào sống ở cụm tuyến dân cư, do từ năm 2001 đến nay không có lũ lớn nên người dân chủ quan, vẫn sống ở bên ngoài. Chính quyền các địa phương ở tỉnh này đang tiếp tục vận động người dân trở lại khu dân cư sinh sống để bảo đảm an toàn. Riêng đối với học sinh tiểu học và THCS ở vùng lũ được cho tạm nghỉ học từ ngày 2.10.
Từ khi nước lũ về đến nay Long An có 2 trẻ em bị thiệt mạng, trong đó một em 5 tuổi chạy xe đạp qua cầu bị rớt xuống kênh; trường hợp còn lại theo cha mẹ đi xuồng giăng câu lưới bị rơi xuống nước do người lớn chủ quan.
Đồng Tháp hỗ trợ dân vùng lũ thiệt hại
Báo cáo nhanh của Ban PCLB tỉnh Đồng Tháp cho biết từ ngày 29.9 - 1.10, nước lũ dâng cao đánh mạnh vào QL30 (đoạn qua ấp Công Tạo, xã Bình Phú, H.Tân Hồng) gây sạt lở một đoạn dài 250m, sâu vào lộ 1,5m. Công ty quản lý và sửa chữa đường bộ 714 phải dùng 7.000 bao cát để ngăn chặn sóng lớn, giữ cho chân lộ không bị sạt lở tiếp. Ngày 30.9, sạt lở tại ấp Hạ, ấp Tân Phú, xã Tân Bình, huyện Thanh Bình kéo dài 55m, sâu vào 15m, địa phương đã cho di dời dân. Đến ngày 30.9, có 6.946,56 km đường giao thông nước tràn qua gây sạt lở làm hư mặt đường, 24 cầu cống bị hư hỏng; 5.565 căn nhà bị ngập nước, 54 căn nhà bị sập đổ cuốn trôi; lúa thu đông mất trắng 720 ha, thủy sản bị thiệt hại 365 ha. Ngoài ra, từ đầu mùa lũ đến nay tại Đồng Tháp đã có 4 người tử vong do lũ.
UBND tỉnh Đồng Tháp đã huy động gần 3.700 người đến các huyện đầu nguồn giúp dân gia cố đê bao, bảo vệ lúa; đồng thời chỉ đạo Sở NN-PTNT rà soát, thống kê lại thiệt hại của người dân để đưa ra các chính sách hỗ trợ kịp thời. Trước mắt, tỉnh sẽ hỗ trợ 2 triệu đồng/ha cho các hộ có diện tích lúa nằm trong số hơn 700 ha bị thiệt hại do vỡ đê ở xã Tân Hội (TX Hồng Ngự) và xã Tân Thành A (H.Tân Hồng); đồng thời đang xem xét chính sách hỗ trợ thêm cho các hộ bị thiệt hại này...
Trong ngày 1.10, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đi thị sát lũ tại An Giang, Đồng Tháp, Long An.
Quảng Bình thiệt hại nặng do mưa lớn Hôm qua 1.10, ở Quảng Bình tiếp tục có mưa to đến rất to trên diện rộng, nước các sông dâng cao. Theo Ban Chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh, mưa lũ làm chết cháu Nguyễn Quang Vinh (5 tuổi, ở thôn Bắc Phú, xã Quang Phú, TP Đồng Hới); anh Phan Văn Gơn (44 tuổi) mất tích vì chèo thuyền nan đánh lưới ghẹ bị chìm ở biển Nhân Trạch, H.Bố Trạch; 4 người bị thương. Toàn tỉnh có gần 3.000 ngôi nhà ngập nước, trong đó hơn 1.000 ngôi ngập sâu hơn 1m. Mưa lớn tập trung ở huyện miền núi Minh Hóa khiến nhiều vùng chìm trong biển nước, chỉ tính riêng tại “rốn lũ” xã Tân Hóa đã có 629 nhà bị ngập sâu 2,5 - 3,5m. Ghi nhận của PV Thanh Niên cho thấy, toàn xã bị cô lập hoàn toàn, chỉ có thuyền là phương tiện duy nhất có thể vào được nhưng phải đối mặt với cường lũ. Ngay từ sáng sớm, lực lượng chức năng của huyện đã có mặt tại xã để chỉ đạo, giúp dân chống lũ, hỗ trợ lương thực thực phẩm và thuốc men, nước uống... Hiện các tuyến đường dẫn đến trung tâm huyện đã bị nước chia cắt. Các tuyến liên thôn, liên xã như: Tân Hóa, Minh Hóa, Trung Hóa, Xuân Hóa cũng ngập sâu. Hàng trăm ha lúa chuẩn bị thu hoạch và hàng chục ha sắn bị ngâm trong nước có nguy cơ mất trắng. Tại H.Tuyên Hóa, hơn 700 ngôi nhà ở các xã dọc sông Gianh bị ngập; có 414 hộ với 1.081 được di dời đến nơi an toàn. Huyện Bố Trạch có hơn 700 ngôi nhà bị ngập… T.Q.Nam |
Hoàng Phương - Bảo Vân - Thanh Dũng - Tiến Trình
Bình luận (0)