Đầu năm 2023, anh Lưu Minh Trí, công chức địa chính P.3 (Q.6, TP.HCM) bất ngờ khi thấy một chủ quán ăn quay lại phường làm thủ tục sửa nhà lần 2. Hỏi ra mới biết khi hậu kiểm, ngành y tế phát hiện khu vực nhà vệ sinh nằm quá gần khu chế biến, trong khi quy định phải cách nhau 3 - 5 m. Ở lần sửa nhà thứ 2, chủ quán ăn phải phá dỡ một số hạng mục rồi bố trí lại khu vực rửa chén, chế biến theo quy chuẩn. Nguyên nhân là người dân chưa tìm hiểu kỹ quy định về bố trí các hạng mục trong quán ăn.
"Lúc đó mình suy nghĩ và thấy cái này đơn giản, sao không hướng dẫn người dân ngay từ đầu để chỉ phải làm một lần", anh Trí nhen nhóm ý tưởng khi liên hệ với mô hình liên thông thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp BHYT đang áp dụng trên diện rộng.
SÁNG KIẾN "KẾT HỢP 1 LẦN"
Sau buổi trao đổi giữa công chức địa chính với người phụ trách kinh tế của phường, mô hình sửa chữa nhà kết hợp phục vụ kinh doanh đặc thù ra đời. Cụ thể, khi người dân làm thủ tục sửa nhà, công chức địa chính sẽ hỏi thăm sửa nhà nhằm mục đích gì. Nếu mục đích kinh doanh thì sẽ tư vấn thiết kế không gian trống (chọn vị trí cửa sổ, đặt cầu thang, nhà vệ sinh, hố ga, quạt hút, vị trí đặt bình chữa cháy), khuôn viên chế biến độc lập, cách ly khu sinh hoạt, khu vệ sinh.
Tiếp đó, bộ phận kinh tế sẽ hướng dẫn thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và các giấy phép khác như vệ sinh an toàn thực phẩm, PCCC… bằng hình thức đăng ký trực tuyến trên máy tính đặt tại phường.
Với cách làm này, người dân chỉ cần lên phường một lần để thông báo sửa nhà, còn các loại giấy phép khác khi có kết quả thì lên UBND quận lấy về và bắt đầu kinh doanh. Mô hình kết hợp này không tốn ngân sách nhưng mang lại nhiều thuận lợi cho người dân như không phải đi lại nhiều lần, không phải phá đi làm lại.
Chị Phan Thị Mỹ Phụng, chủ quán cà phê trên đường Phạm Văn Chí (P.3, Q.6), là một trong những người đầu tiên thực hiện thủ tục theo mô hình mới, đánh giá cách làm này rất ổn, thuận tiện cho người dân. Chị Phụng được phường hỗ trợ bản vẽ, hướng dẫn sơ đồ điện nước, thủ tục về thuế, đăng ký kinh doanh, vệ sinh an toàn thực phẩm. "Công chức phường hướng dẫn mình liên hệ ai, cần giấy tờ gì để không thiếu sót, phải đi lại nhiều nơi, nhiều lần", chị Phụng nói thêm.
Mô hình này tuy đơn giản nhưng với tính hiệu quả, thiết thực, đã đoạt giải nhất hội thi Sáng tạo cải cách hành chính (CCHC) TP.HCM lần 1 và được Chủ tịch UBND TP.HCM tặng bằng khen cho mô hình tiêu biểu về CCHC năm 2023.
Ông Hồ Thanh Liêm, Chủ tịch UBND P.3 (Q.6), cho hay sắp tới phường sẽ kết hợp thêm bộ phận VH-TT vào quy trình để thực hiện thêm bước thứ ba là hướng dẫn đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến việc lắp đặt biển hiệu từ hình thức, nội dung đến kích thước.
CẮT GIẢM HƠN 3.400 GIỜ LÀM VIỆC
Những mô hình kết hợp như ở P.3, Q.6, TP.HCM, đã mang lại sự hài lòng lớn cho người dân, doanh nghiệp (DN) khi thời gian xử lý hồ sơ được rút ngắn. Ở khu vực ngoại thành, với việc sắp xếp lại quy trình làm việc theo mô hình 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng) của Nhật Bản mà UBND Q.12 rút ngắn hơn 40 thủ tục. Ở lĩnh vực đăng ký kinh doanh, Q.12 kết hợp thủ tục cấp lại giấy phép và thay đổi giấy phép, giảm từ 6 ngày còn 3 ngày làm việc, người dân chỉ phải đi lại 1 lần thay vì 2 lần như trước.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết ở cấp địa phương không có thẩm quyền ban hành thủ tục hành chính (TTHC), không được sửa thủ tục nhưng có thể rà soát các khâu trong quy trình nội bộ, sắp xếp lại quy trình để giảm bước trung gian. Tính đến đầu tháng 12.2023, UBND TP.HCM đã phê duyệt 1.626 quy trình nội bộ, trong đó có 694 quy trình nội bộ đã được tái cấu trúc theo hướng đơn giản hóa từ 1 - 2 bước, giúp cắt giảm thời gian giải quyết hơn 3.400 giờ làm việc.
Ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC thuộc Văn phòng Chính phủ, ấn tượng trước kết quả tái cấu trúc quy trình nội bộ, cắt giảm bước trung gian của TP.HCM trong giải quyết TTHC. "Việc này nghe đơn giản nhưng đã tạo cơ hội cho người dân, DN rất nhiều và giúp giảm thiểu khối lượng công việc cán bộ, công chức phải thực hiện", ông Hoàng nói và đánh giá khối lượng TTHC được TP.HCM cải cách lớn hơn rất nhiều so với tỉnh, thành phố khác.
Không bằng lòng với kết quả đã có, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu các sở ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục, tái cấu trúc quy trình nội bộ, số hóa hồ sơ, đồng bộ dữ liệu. "Chỗ này đã làm tốt rồi thì suy nghĩ nghiên cứu để làm tốt hơn theo tinh thần cải tiến", ông Mãi nói.
MẠNH DẠN PHÂN CẤP, ỦY QUYỀN
Với tính chất của một đô thị năng động và đông dân bậc nhất trên cả nước, TP.HCM không chỉ chủ động xin T.Ư trao thêm quyền để giải quyết những vấn đề cấp bách mà còn trực tiếp phân cấp, ủy quyền cho sở, ngành, địa phương. Theo báo cáo tổng kết CCHC năm 2023, Chủ tịch UBND TP.HCM ủy quyền cho thủ trưởng các cơ quan trực thuộc và Chủ tịch UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức trên các lĩnh vực: công nghệ thông tin, đầu tư, kinh tế, môi trường, đô thị, giao thông, văn hóa, giáo dục, nội vụ, xử lý tang vật.
Đơn cử như đầu tư công, UBND cấp quận được ủy quyền lập hội đồng thẩm định giá đất bồi thường, chủ tịch quận được phê duyệt giá đất bồi thường cho người dân tại dự án có thu hồi đất. Với cơ chế ủy quyền này, cấp quận làm toàn bộ các khâu từ thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá, lập hội đồng thẩm định, phê duyệt giá đất và ra quyết định bồi thường, qua đó rút ngắn quy trình từ 90 ngày xuống còn 45 ngày.
Ở cấp quận, lãnh đạo nhiều địa phương cũng chủ động phân cấp, ủy quyền xuống cho phòng ban trong giải quyết TTHC. Như ở Q.Bình Tân, Chủ tịch UBND quận ủy quyền ký thủ tục cấp phép xây dựng về cho trưởng phòng quản lý đô thị nhằm giảm khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết.
Lãnh đạo Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA) cho biết trong năm 2023 đã chủ động kiến nghị và được phân cấp, ủy quyền hầu hết nhiệm vụ trên các lĩnh vực: đầu tư, thương mại, quy hoạch, xây dựng, môi trường, lao động. Đây là cơ sở quan trọng để HEPZA thực hiện cơ chế "một cửa tại chỗ" rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho các DN.
Trong 3.580 hồ sơ đã giải quyết năm 2023, có 93% hồ sơ được HEPZA giải quyết trước hạn, số còn lại được giải quyết đúng hạn 262 hồ sơ. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của đơn vị này cao hơn chỉ tiêu mà TP.HCM đặt ra là 98% trở lên trong từng lĩnh vực. Nhiều thủ tục được rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định như cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư giảm từ 15 ngày còn 7 ngày. Các thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư giảm từ 10 ngày còn 5 ngày, còn thủ tục đổi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc ngừng hoạt động, chấm dứt dự án chỉ còn 1 ngày thay vì từ 3 - 5 ngày như trước. (còn tiếp)
Đề xuất giao chủ tịch quận phê duyệt đề án sử dụng tài sản công
Ông Huỳnh Hữu Nam, Trưởng phòng Nội vụ Q.Bình Tân, cho biết theo quy định hiện hành, nội dung Chủ tịch UBND TP.HCM ủy quyền cho Chủ tịch UBND quận nếu chủ tịch quận muốn ủy quyền cho người khác thì phải xin ý kiến chứ không được tự ý phân cấp. Thực tế các địa phương đang nổi lên việc xây dựng đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, liên kết, cho thuê của đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, các trường học, bệnh viện, trung tâm văn hóa - thể thao có mặt bằng trống, căn tin, bãi giữ xe muốn cho thuê phải được Chủ tịch UBND TP.HCM phê duyệt đề án. Dù vậy, trên thực tế số đề án được phê duyệt rất ít dẫn đến nhiều mặt bằng phải bỏ trống, lãng phí. Ông Nam đề xuất phân cấp về cho Chủ tịch UBND quận phê duyệt đề án để địa phương chủ động hơn trong việc sử dụng hiệu quả tài sản công.
Bình luận (0)