Ông nhận định thế nào về việc tàu Trung Quốc tiếp tục vi phạm nghiêm trọng chủ quyền thềm lục địa và đặc khu kinh tế của VN hôm 9.6?
Giáo sư (GS) Carlyle A.Thayer, Học viện Quốc phòng Úc: Việc xâm nhập sâu vào vùng biển chủ quyền của VN liên tiếp trong 2 tuần của tàu Trung Quốc rõ ràng là hành động khiêu khích và gây hấn, làm phân hóa VN với các thành viên còn lại của ASEAN. Hành động này cho thấy Trung Quốc ngày càng ngang ngược, cố khẳng định chủ quyền tại nơi mà nước này không có cơ sở pháp lý nào để minh chứng cho điều đó.
|
GS Ian Townsend-Gault, khoa Luật, Đại học British Columbia (Canada): Trong lúc yêu sách về đường 9 đoạn của Trung Quốc vẫn không được cộng đồng thế giới công nhận, nước này lại tiếp tục có những hành động leo thang dưới danh nghĩa bảo vệ chủ quyền (không có giá trị pháp lý) của mình. Tôi sẽ đặt câu hỏi ngược lại rằng: Trung Quốc bảo vệ cái gì khi hoạt động thăm dò của tàu VN hoàn toàn nằm trong vùng biển thuộc chủ quyền, không gây phương hại nguồn tài nguyên biển Đông chứ đừng nói đến an ninh khu vực. Do vậy, hành động thái quá của Trung Quốc, trong cả 2 sự kiện 26.5 và 9.6, là rất nguy hiểm cho tình hình biển Đông.
Ông có nhận xét gì về luận cứ tuyên bố chủ quyền trên biển Đông của Trung Quốc?
Ông Rodolfo C.Severino, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - ISEAS (Singapore): Rõ ràng, việc tuyên bố chủ quyền trên biển Đông mà chỉ dựa trên quyền lịch sử và luật lệ của chính nước mình là một hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển 1982. Trong khi VN và các nước khác trong khu vực như Philippines hay Malaysia đã có những điều chỉnh cụ thể về khái niệm thềm lục địa và đặc khu kinh tế để từ đó đưa ra những luận cứ thuyết phục hơn về chủ quyền, Trung Quốc vẫn chưa làm được điều này.
|
GS Ramses Amer, Trung tâm Nghiên cứu châu Á, Thái Bình Dương, Đại học Stockholm (Thụy Điển): Trung Quốc chỉ dựa vào quyền lịch sử và khái niệm vùng biển liền kề để đưa ra tuyên bố chủ quyền và rất ít khi đề cập khái niệm thềm lục địa hay đặc khu kinh tế. Điều này làm việc khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ngày càng mập mờ và tối nghĩa, trong khi các nước tranh chấp khác, trong đó có VN, ngày càng có quan điểm rõ ràng hơn về chủ quyền.
Những hành động vừa qua của Trung Quốc sẽ mang lại kết quả gì cho nước này, thưa ông?
GS Townsend-Gault: Chắc chắn tình trạng leo thang vừa qua trên biển Đông sẽ chẳng giúp ích được gì cho Trung Quốc trong tham vọng tuyên bố chủ quyền trên phần lớn biển Đông. Hơn thế nữa, hình ảnh của nước này, trong khu vực và trên thế giới, sẽ chẳng cải thiện được thêm chút nào. Tôi muốn nhấn mạnh rằng điều tiên quyết để khẳng định vị thế của một quốc gia trên thế giới là phải thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế ở mức tối đa.
GS Thayer: Như tôi đã nói ở trên, Trung Quốc đang cố tình gây phân hóa VN với các thành viên còn lại trong khối ASEAN. Nhưng những diễn biến vừa qua chỉ đem đến một kết quả chắc chắn: chủ đề biển Đông sẽ một lần nữa thống lĩnh chương trình nghị sự tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Diễn đàn Khu vực ASEAN trong tháng 7.
Vai trò của ASEAN đối với vấn đề này trong bối cảnh hiện nay như thế nào, thưa ông?
Ông Severino: Theo tôi ASEAN cần tiếp tục gây áp lực với Trung Quốc, đặc biệt là đối với vấn đề muôn thuở chỉ một mình Trung Quốc thừa nhận: đường đứt khúc 9 đoạn.
GS Townsend-Gault: ASEAN cần thể hiện quan điểm rõ ràng hơn nữa về khía cạnh luật pháp quốc tế. Khi ASEAN đã đồng thuận về việc mọi bất đồng phải được giải quyết trên tinh thần thượng tôn pháp luật thì tự nhiên Trung Quốc sẽ chịu một áp lực rất lớn trong việc tìm cơ sở pháp lý biện minh cho hành động của mình. Chừng nào ASEAN còn chưa có tiếng nói chung thì Trung Quốc còn dễ dàng thực hiện ý đồ của mình.
Kêu gọi thực hiện tuyên bố ứng xử về biển Đông Chủ tịch ASEAN 2011 Indonesia kêu gọi các bên có tranh chấp ở biển Đông bình tĩnh và thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). “Sự cố gia tăng tại biển Đông cho thấy ASEAN và Trung Quốc phải lập tức hoàn tất hướng dẫn thực hiện DOC để tất cả quy tắc ứng xử có thể được thực hiện đầy đủ”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia Michael Tene nhận định với báo Jakarta Post. Bất chấp phản đối mạnh mẽ của nhiều bên và những cam kết kiềm chế của chính mình, Trung Quốc vẫn liên tục có hành động quấy rối đối với Việt Nam và Philippines mà vụ mới nhất xảy ra hôm 9.6 trong vùng biển thuộc chủ quyền rõ ràng của Việt Nam. Jakarta Post dẫn lời chuyên gia an ninh Andi Widjajanto tại Đại học Indonesia đánh giá các hành động trên cho thấy chính quyền Trung Quốc muốn làm mọi thứ theo ý mình. Văn Khoa |
An Điền (thực hiện)
Bình luận (0)