Ngay từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đối phó với lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil (LTTE), Chính phủ Sri Lanka đã không hài lòng với thái độ, phản ứng và hướng giải pháp của EU. Colombo chủ trương dùng giải pháp quân sự thì Brussels lại muốn trung gian hòa giải để có ngừng bắn và giải pháp chính trị.
Chính phủ Sri Lanka đang tiến hành giai đoạn cuối cùng của chiến dịch quân sự thì EU lại đòi vào để xem xét tình hình. Chính phủ Sri Lanka chủ ý tiêu diệt LTTE rồi mới giải quyết ổn thỏa việc cứu trợ nhân đạo và vấn đề người di tản thì EU lại nhấn mạnh chuyện cứu trợ nhân đạo cho người dân ở vùng chiến sự. Cách tiếp cận vấn đề và lợi ích trái nhau như vậy thì thực trạng quan hệ hiện tại giữa Sri Lanka và EU là diễn biến lôgic.
Điều đáng nói là phía Sri Lanka hành động chứ không tuyên bố hay biện minh gì cả. Việc Colombo không cấp thị thực nhập cảnh cho Ngoại trưởng Thụy Điển nhưng vẫn cho phép Ngoại trưởng Anh và Pháp nhập cảnh có hàm ý chính trị rõ nét. Sri Lanka không muốn quá găng với EU, vẫn muốn để ngỏ khả năng cải thiện quan hệ và tăng cường hợp tác, tranh thủ viện trợ của EU cho thời kỳ sau cuộc chiến.
Còn việc không cấp thị thực nhập cảnh lần này cho Ngoại trưởng Thụy Điển chắc không phải vì cá nhân ông Bildt mà vì tới đây Thụy Điển sẽ giữ cương vị Chủ tịch luân phiên EU. Rất có thể thông điệp từ hành động đó là không chỉ hiện tại mà cả trong tương lai, Chính phủ Sri Lanka vẫn không chấp nhận thái độ và quan điểm của EU đối với cách mà giới lãnh đạo ở Colombo giải quyết cuộc nội chiến.
Thảo Nguyên
Bình luận (0)