Rất nhiều người đi nhận trợ cấp thất nghiệp phản ánh bị “hành lên hành xuống”, với những quy định phi lý “khó tưởng tượng ra”.
Người dân làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh
|
Hết tuổi lao động vẫn phải chờ... xin việc
|
Chiều 23.4, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Xuân (55 tuổi, ngụ ở Q.1, từng làm trong ngành bưu chính - viễn thông tại TP.HCM) mặt mày nhăn nhó đi ra từ điểm giải quyết TCTN ở TT. Ông Xuân cho biết được hưởng TCTN 6 tháng, với mức trợ cấp hằng tháng là 3,312 triệu đồng. “Ngày 7.4, theo yêu cầu tôi đã đến đây viết hai tờ Thông báo về việc tìm việc làm của mình. Tôi đã nói rõ hoàn cảnh của tôi là đã lớn tuổi, bao nhiêu năm qua tôi làm công việc độc hại nên không còn sức để lao động nữa. Tôi không có nhu cầu tìm việc làm và cũng khó có ai nhận tôi đi làm ở độ tuổi này. Vậy mà hôm nay, tôi “trình diện” ở đây theo lịch hẹn thì các nhân viên bảo tôi tiếp tục viết 2 tờ Thông báo về việc tìm việc làm như cũ. Mắt mũi kèm nhèm, tôi phải cố viết cho xong hai tờ giấy đó. Tôi hỏi thì họ nói đó là quy định, phải tuân thủ. Quy định gì mà cứng nhắc quá vậy! Lẽ ra, những người còn trẻ, có nhu cầu tìm việc thì họ phải làm thế, chứ ai lại đánh đồng như vậy. Nói thật, nhận được đồng tiền TCTN cũng chua cay lắm...”, ông phàn nàn.
Phải làm thẻ ATM của Đông Á !
Ông Nguyễn Thông còn phản ánh khi làm thủ tục, ông đưa tài khoản của ông tại Ngân hàng Vietcombank (đã có từ trước), nhưng nhân viên của TT nhất định không chịu mà yêu cầu ông phải làm thẻ ATM của Ngân hàng Đông Á thì mới được nhận TCTN.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại Phòng BHTN của TT có dành riêng một quầy (quầy số 7) để làm hồ sơ và mở thẻ ATM Đông Á. Chị Thiên Nhu (31 tuổi, từng làm kế toán, ngụ ở Q.Tân Phú) cho hay công ty chị vốn trả lương cho nhân viên qua thẻ Techcombank, bây giờ chị phải làm thêm thẻ Ngân hàng Đông Á để nhận TCTN. Cá biệt, anh Nguyễn Sơn (ngụ Q.3, TP.HCM) cho biết anh có đến 4 loại thẻ ATM nhưng không có thẻ của Ngân hàng Đông Á nên vẫn phải làm. “Ép người thất nghiệp vậy thì đành bó tay!”, anh Sơn bức xúc.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Tứ, Phó giám đốc TT dịch vụ việc làm TP.HCM, nói từ khi ông về nhận công tác đã có quy định phải làm thẻ của Ngân hàng Đông Á rồi. "Đây là chủ trương từ trên đưa xuống chứ không phải quy định của trung tâm", ông Tứ phân bua.
Quy định cứng nhắc, trái luật
Trả lời PV Thanh Niên chiều qua, bà Nguyễn Thị Hải Vân, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) nói luật không quy định người lao động không được tiếp tục lao động sau khi đã nghỉ hưu nếu có đủ sức khỏe. Vì vậy, quy định không cho nhận TCTN một lần nhằm tránh trường hợp một số người dù đã có việc làm nhưng vẫn muốn hưởng TCTN.
Về quy định người nhận TCTN phải mở tài khoản Ngân hàng Đông Á, ông Nguyễn Đăng Tiến, Phó giám đốc BHXH TP.HCM, cho rằng quy định này có từ năm 2009. “Thời điểm đó lượng người thất nghiệp tăng quá cao, để đảm bảo thời gian chi trả, BHXH TP đã đề nghị UBND TP.HCM cho phép trả đồng loạt qua Ngân hàng Đông Á”, ông Tiến nói.
Bình luận về những quy định trên, luật sư Nông Thị Hồng Dung (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng việc không chấp nhận chi trả TCTN một lần là không trái với quy định, nhưng quá cứng nhắc, gây phiền hà cho người lao động. Trường hợp người lao động hết tuổi lao động và thỏa mãn điều kiện nhận TCTN, nhà nước cần có thông tư hướng dẫn chi tiết theo hướng cho họ nhận TCTN một lần, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đã lớn tuổi. Về quy định chi trả TCTN qua ATM Ngân hàng Đông Á, luật sư Dung nói: “Luật không quy định cách thức chi trả TCTN cụ thể như thế nào nên người lao động có thể nhận trợ cấp bằng tiền mặt hoặc qua tài khoản ở bất cứ ngân hàng nào. Vì vậy, các cơ quan thực hiện chi trả chỉ chấp nhận thông qua một ngân hàng xác định là trái luật”.
|
Bình luận (0)