Em hỏi hôm nay chị làm gì. Chị nói đi hành hương…
|
Trong các loại hình du lịch thì hành hương là loại hình đặc biệt, ở đó con người lên đường bái viếng một nơi chốn thiêng liêng, một niềm tin trong tâm khảm. Theo nghĩa này đích hành hương không chỉ là nơi chốn, mà là qua cuộc du hành ta tìm thấy những năng lượng to lớn của tâm hồn...
Sáng nay, ngồi trước máy tính, nhìn điệp điệp hình ảnh khách thập phương tề tựu dưới chân núi Nghĩa Lĩnh chuẩn bị cho ngày Giỗ tổ Hùng Vương chị cũng thấy lòng xôn xao rộn ràng. Những hình ảnh màu mè lặp lại hằng năm thực ra không làm chị xôn xao quá đỗi, những kỷ lục bánh mứt to tướng cũng không làm chị lâng lâng hưng phấn, bởi qua báo chí chị biết "cảnh tượng chen lấn, xô đẩy; nhiều vụ móc túi, trộm cắp... đã xảy ra". Biết "các dịch vụ tự phát nở rộ, đồng loạt đội giá, đua nhau chặt chém du khách"; biết "hệ thống âm thanh với những dàn loa cực lớn phát ra từ các hàng quán, những trò chơi đỏ đen xung quanh... đã làm ảnh hưởng không tốt vẻ tôn nghiêm ở nơi đất Tổ linh thiêng".
Nhưng chị đã lặng người trước bài viết Lễ vật lớn nhất của nhà thơ Thanh Thảo trên mục Chào buổi sáng (Thanh Niên ngày 9.4). Nhà thơ viết: "Từ Giỗ tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng năm nay, những 'hòn đá lạ' hay các 'sản vật kỷ lục khổng lồ' sẽ không còn cơ hội xuất hiện tại đền thờ thiêng liêng nhất Việt Nam này nữa. Thay vào đó, hàng triệu người dân Việt hành hương về Đền Hùng, về dự ngày Giỗ Quốc tổ sẽ thành kính dâng lên các vua Hùng lễ vật lớn nhất của lòng mình: đó là lòng yêu nước".
Và kết bài viết bằng một câu giản đơn, chí lý: "Sống tử tế, có nhân phẩm, rồi sẽ có lòng yêu nước. Có lòng yêu nước - một giá trị vĩnh hằng trong mọi thời đại - sẽ có lòng tự hào chân chính, sẽ vươn lên bất chấp mọi nghịch cảnh, sẽ khiêm nhường như một người biết học và biết hành. Có lẽ các vua Hùng cũng chỉ mong con cháu mình được như vậy. Các vua Hùng không cần ở các cháu con những lễ vật to lớn một cách hình thức, phô trương vô nghĩa, mà cần ở cháu con lòng yêu nước, niềm tự hào về dân tộc mình. Ngày Giỗ tổ là để chúng ta thầm lặng nghĩ suy về những điều ấy, dù ta đã và đang hành hương về Đền Hùng, hay ta đang ở đúng nơi ta làm việc và suy nghĩ".
Chị ngồi đây, cách xa đất nước hàng vạn dặm, thấy mình phải cảm ơn nhà thơ Thanh Thảo vì đã cho chị cảm giác được tiếp tục hành hương về cái giá trị dân tộc vĩnh hằng, sau khi vẫn chưa nguôi rưng rưng câu nói chứa lửa được nghe cách đây mấy hôm từ bài phát biểu của giáo sư Cao Huy Thuần tại Đại lễ cầu siêu tưởng niệm, tri ân ba ngày lịch sử bảo vệ Tổ quốc 19.1.1974, 17.2.1979, 14.3.1988 tại Phật đường Khuông Việt (Pháp): "Đất nước còn thì người chết cũng sống. Đất nước mất thì người sống cũng thành chết".
Giỗ tổ nhắc ta hành hương về phía lửa…
Việt Linh (*)
(Paris ngày 9.4)
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một đạo diễn điện ảnh sống tại Pháp.
>> Chen lấn trong biển người dự lễ giỗ Tổ Hùng Vương
>> Hàng chục ngàn người dân TP.HCM dâng hương Giỗ tổ Hùng Vương
Bình luận (0)