Các hành khách kêu cứu
Một cặp vợ chồng ở độ tuổi trung niên tìm đến tòa soạn Báo Thanh Niên với thái độ hết sức bức xúc. Chưa kịp ngồi yên chỗ, chị Mai Thị Bạch Liên (ngụ P.5, Q.TB, TP.HCM) kể: "...Tôi là một hành khách trên chuyến tàu SN3 - tàu tăng cường tuyến Nha Trang - Sài Gòn - khởi đi từ Nha Trang vào 19 giờ 35 ngày 10.7, ở khoang 7. Theo số vé hành khách trong khoang 7 gồm 4 người: hai vợ chồng anh ngoại kiều Úc, tôi và một phụ nữ đi một mình... Ngay sát khoang chúng tôi là khoang 6, gồm một nhóm thanh niên cả nam lẫn nữ. Ngay từ lúc tàu khởi hành, những thanh niên này đã cùng nhau tụ tập ăn, uống rượu bia và cười đùa lớn tiếng. Khoảng 1 giờ sau khi tàu xuất phát, do cần nghỉ ngơi, cặp vợ chồng của anh ngoại kiều Úc đã 2 lần sang khoang 6 đề nghị giữ yên lặng. Khoảng 21 giờ 30, thấy lời đề nghị không có hiệu quả, tôi đi tìm và nhờ nhân viên kiểm soát, phụ trách tàu can thiệp giúp nhưng cũng không có ai giúp đỡ, tôi đành quay lại khoang của mình... Lúc này, tiếng cười đùa ầm ĩ trong khoang 6 vẫn chưa dứt. Một lần nữa, tôi nhã nhặn đề nghị nhóm thanh niên nam nữ này nói nhỏ tiếng để các hành khách khác nghỉ ngơi vì đã khá muộn. Mặc dù đã chấp nhận và có hành động đóng cửa khoang lại nhưng trong vòng 30 phút sau đó, sự ồn ào từ khoang 6 không hề thuyên giảm. Quá bực tức, cặp vợ chồng anh ngoại kiều sang yêu cầu trực tiếp với nhóm người này phải giữ trật tự chung. Ngay lập tức, tiếng chửi rủa nổi lên và đám thanh niên gồm 6, 7 người lao vào đánh đấm túi bụi một cách vô cớ anh ngoại kiều và cô vợ rồi đánh cả tôi ngay khi tôi vừa bước ra khỏi khoang 7 để xem chuyện gì đang xảy ra. Chúng tôi buộc phải la lớn để tìm kiếm sự giúp đỡ nhưng không có ai can thiệp. Và cũng liền sau đó, ba chúng tôi tiếp tục bị dồn vào góc cửa ra vào và chịu đựng những cú đấm, đá của đám thanh niên này. Riêng tôi còn bị những người này đổ bia lên đầu...".
Theo chị Liên, sau khi vụ hành hung diễn ra được một lúc, anh Danh, nhân viên phụ trách toa 10 mới xuất hiện và cố gắng lập lại trật tự. Sau đó, các đương sự được mời lên gặp trưởng tàu để tường trình lại sự việc nhưng không hề được thông báo gì thêm về cách xử lý vụ việc cũng như hậu quả của nó. Sáng hôm sau, anh trưởng tàu và anh Danh có đưa hai thanh niên tên Bùi Lê Vũ và Hồ Quang Phước, trong số những người gây ra vụ lộn xộn đến để xin lỗi các hành khách trong khoang 7 và đề nghị bỏ qua chuyện tối qua. Chị Liên chấp nhận lời xin lỗi nhưng không đồng ý bỏ qua và đòi phải lập biên bản. Theo thỏa thuận, xuống đến Ga Sài Gòn, chị Liên ở lại chờ giải quyết nhưng không thấy hai thanh niên Vũ và Phước ở lại cùng. Cuối cùng chị Liên được sắp xếp gặp anh Thắng, trưởng trạm công tác trên tàu, làm một bản tường trình và một bản Khách vận ghi lại vụ việc.
Ai là người chịu trách nhiệm về sự an toàn của những hành khách?
Khi một hành khách mua vé đi tàu hỏa thì cũng đồng nghĩa với việc họ mua luôn cả bảo hiểm, chất lượng phục vụ. Lẽ ra, những hành khách ấy không cần phải trực tiếp đứng ra nói chuyện với những người làm phiền để đòi hỏi một giấc ngủ yên tĩnh mà nhân viên của tàu phải có trách nhiệm làm điều đó. Đằng này, những hành khách ấy đã phải tự đi dàn xếp và họ đã trở thành nạn nhân của một vụ hành hung và làm nhục mà không hề có sự can thiệp kịp thời nào từ phía những người có trách nhiệm trên tàu. Chưa hết, sau khi bị hành hung, làm nhục... những hành khách này cũng không hề nhận được sự bồi thường cụ thể nào từ phía cung cấp dịch vụ mà chỉ nhận được... một cái biên bản ghi nhận sự việc, cùng với những lời xin lỗi của những người đã hành hung họ (?!).
Việc những người có trách nhiệm trên tàu để những người trực tiếp hành hung hành khách của mình bỏ đi mà không cần phải chịu trách nhiệm gì về những hành vi mà họ đã gây ra đã thể hiện sự tắc trách trong xử lý những sự cố xảy ra trên tàu, đồng thời thể hiện thái độ xem thường hành khách - những người đã tin cậy, bỏ tiền ra mua dịch vụ của họ, trả lương cho họ. Bị hành hung và làm nhục chỉ cần một lời xin lỗi là đủ? Ai là người phải chịu trách nhiệm chính về những tổn thương tinh thần và thể xác mà những nạn nhân đã phải chịu đựng?...
Trong vụ việc vừa nêu, ngành đường sắt cần phải đứng ra chịu trách nhiệm về những thiệt hại của các nạn nhân; phải có hình thức xử lý nghiêm khắc những nhân viên trên tàu đã không làm hết trách nhiệm của mình. Đặc biệt, ngành đường sắt phải có trách nhiệm kết hợp với cơ quan chức năng đưa những tên côn đồ nói trên ra trước pháp luật.
(Bấm vào đây xem ý kiến bạn đọc)
Hữu Phú - Minh Thanh
Bình luận (0)