Hành khách 'kêu trời' vì máy bay 'delay', nhà chức trách hàng không nói gì?

07/08/2024 11:40 GMT+7

Như Thanh Niên đã phản ánh trong bài viết Ám ảnh máy bay 'delay', thời gian qua, rất nhiều hành khách bức xúc trước tình trạng máy bay thường xuyên trễ chuyến tới 5 - 6 giờ, kéo theo rất nhiều hệ lụy và thiệt hại.

Hành khách 'kêu trời' vì máy bay 'delay', nhà chức trách hàng không nói gì?- Ảnh 1.

Cao điểm hè, tỷ lệ chuyến bay trễ chuyến tăng vọt

NHẬT THỊNH

Nguyên nhân phổ biến nhất là "máy bay về muộn"

Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết: Tính đến hết tháng 6, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện tổng cộng gần 130.000 chuyến bay, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có hơn 98.000 chuyến bay khởi hành đúng giờ, chiếm tỷ lệ 75,7% (giảm 11,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023); hơn 31.000 chuyến bay bị chậm chuyến, chiếm tỷ lệ 24,3% (tăng 11,1 điểm phần trăm) và 491 chuyến bay bị hủy, chiếm tỷ lệ 0,4% (tăng 0,1 điểm phần trăm).

Cục Hàng không ghi nhận việc các chuyến bay khởi hành không đúng giờ, dẫn đến tình trạng chậm chuyến có nguyên nhân như: thời tiết (có 845 chuyến, chiếm tỷ lệ 0,7% tổng số chuyến bay và chiếm tỷ trọng 2,7% các nguyên nhân so với cùng kỳ năm 2023); do trang thiết bị tại cảng hàng không (có 1.229 chuyến, chiếm tỷ lệ 0,9% tổng số chuyến bay, chiếm tỷ trọng 3,9% các nguyên nhân); do quản lý, điều hành bay (có 686 chuyến, chiếm tỷ lệ 0,5% tổng số chuyến bay và chiếm tỷ trọng 2,2% các nguyên nhân); có 960 chuyến chậm do nguyên nhân khác ngoài tàu bay về muộn, chiếm 0,7% tổng số chuyến bay và 3,1% các nguyên nhân.

Về nguyên nhân chậm trễ do các hãng hàng không, có 8.712 chuyến chậm, chiếm tỷ lệ 6,7% tổng số chuyến bay và chiếm tỷ trọng 27,7% các nguyên nhân. Đáng chú ý, có tới 18.989 chuyến bay khởi hành trễ do máy bay về muộn (chiếm tỷ lệ 14,7% tổng số chuyến bay và chiếm tỷ trọng 60,4% các nguyên nhân). Máy bay về muộn là do chặng khai thác trước đó máy bay khởi hành không đúng giờ, vì các lý do, nguyên nhân đã nêu trên, hay còn được hiểu là chậm dây chuyền.

Khách hàng ám ảnh tình trạng delay chuyến bay

"Có thể thấy, nguyên nhân chiếm tỷ trọng lớn nhất gây ra chậm chuyến bay là do tàu bay về muộn, dù tỷ trọng nguyên nhân này trong tổng số các nguyên nhân đã giảm so với cùng kỳ năm 2023 (3,4 điểm). Điều này cũng phản ánh thực tế, trong trường hợp tàu bay về muộn sẽ tác động đến không chỉ các chuyến bay kế tiếp của hãng, mà có thể đến cả các chuyến bay của các hãng khác tại cảng, do tính chất dây chuyền trong khai thác hàng không" - lãnh đạo Cục Hàng không ghi nhận thực trạng.

Hành khách 'kêu trời' vì máy bay 'delay', nhà chức trách hàng không nói gì?- Ảnh 2.


Nỗ lực bổ sung tàu, "tăng ca" bay 

Đánh giá chung về tổng thể nguyên nhân gây ra tình trạng chậm chuyến bay, Cục Hàng không Việt Nam nhận thấy yếu tố chính gây ra việc các chuyến bay khai thác không đúng giờ làm tăng tỷ lệ chậm chuyến xuất phát từ việc lực lượng vận tải cũng như quy mô đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng.

Đến thời điểm hết tháng 6, tổng số tàu bay hãng hàng không Việt Nam có trong Chứng chỉ nhà khai thác tàu bay (AOC) là 195 chiếc (giảm 36 tàu bay so với cùng kỳ 2023), trong đó tàu bay khai thác trung bình khoảng 167 chiếc (giảm trung bình khoảng 51 chiếc). Nếu trong năm 2023, tỷ lệ tổng tàu bay sử dụng trên tổng số tàu bay có trong AOC của các hãng là 94,4% thì sang năm 2024, tỷ lệ này chỉ còn 85,6%. Các hãng hàng không đã tìm mọi cách để bổ sung tàu bay, duy trì tải cung ứng, tuy nhiên việc này cũng đang gặp khó khăn do tình trạng thiếu tàu bay chung trên toàn thế giới.

"Việc giảm quy mô đội tàu bay cũng đồng nghĩa với việc tải cung ứng trên các đường bay của các hãng sẽ giảm mạnh. Để bù đắp lượng tải thiếu hụt trong bối cảnh đội tàu bay giảm, ngành hàng không đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào việc điều chỉnh thời gian hoạt động khai thác tàu bay, giảm thời gian quay đầu tàu bay để chuyển tiếp chặng bay, tối ưu hóa thời gian khai thác tàu bay trong ngày, tăng cường các chuyến bay vào khung giờ chiều và tối. Hiện nay, thời gian khai thác trung bình của các hãng hàng không đều đã tăng cao hơn so với cùng kỳ 2023" - phía nhà chức trách hàng không thông tin và dẫn chứng:

Thời gian khai thác trung bình đội tàu bay của Vietnam Airlines đạt 13 giờ/tàu/ngày, tăng 22% so với năm 2023; thời gian khai thác trung bình đội tàu bay của Vietjet Air đạt 14,5 giờ/ngày, tăng 11,5%; con số này của Vietravel Airlines là 11,5 giờ/ngày, tăng 21%; Bamboo Airways có thời gian khai thác trung bình đội tàu bay của hãng đạt 12,5 giờ/ngày, tăng 20,1%.

Theo Cục Hàng không, giải pháp điều chỉnh thời gian hoạt động khai thác tàu bay, giảm thời gian quay đầu tàu bay trong bối cảnh này là phương án tối ưu nhất mà các hãng hàng không có thể thực hiện được. Tuy nhiên, giải pháp này cũng phải đối mặt những nhược điểm và hạn chế là tình trạng tàu bay gặp vấn đề về kỹ thuật và chậm hủy chuyến có thể gia tăng. 

Cục Hàng không đã chỉ đạo để các hãng có các phương án khai thác kết hợp cùng giải pháp nhằm kiểm soát tối đa những hạn chế này trong quá trình khai thác đội tàu bay như: Tăng cường công tác, kiểm tra bảo dưỡng đội tàu bay trước và trong giai đoạn cao điểm; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cung cấp dịch vụ mặt đất trong công tác phục vụ chuyến bay...

Về phương án điều tiết cung cầu trên các đường bay đến địa phương, với dung lượng của thị trường địa phương và nguồn lực đội tàu bay hiện có, các hãng đã nỗ lực tối đa để duy trì các đường bay đến các địa phương. Trường hợp nhu cầu của thị trường tăng, các hãng sẽ tiếp tục có phương án tăng chuyến để phục vụ đi lại của người dân.

"Hiện nay, các hãng hàng không Việt Nam cũng đang tăng cường công tác trao đổi, tìm kiếm và đàm phán thuê tàu bay để bổ sung đội tàu bay. Vừa qua, Cục Hàng không đã phê duyệt, tạo điều kiện cho các hãng hàng không Việt Nam bổ sung thêm 4 tàu bay phục vụ giai đoạn cao điểm Hè nói riêng và nhu cầu đi lại của người dân nói chung. Từ nay đến cuối năm 2024, Vietnam Airlines dự kiến nhận thêm 3 tàu bay; Vietjet Air dự kiến nhận 2 tàu Embraer E190 (để tăng cường khai thác đến Côn Đảo) và đang đàm phán để thuê khoảng 7 - 9 tàu A321/A330). Việc đội tàu bay của các hãng được bổ sung tăng cường sẽ giảm áp lực về tải cung ứng trên các đường bay hiện hữu, cũng như cho phép các hãng nghiên cứu, triển khai mở lại hoặc thêm các đường bay phù hợp với nhu cầu của từng địa phương, khu vực. Qua đó góp phần điều tiết cung cầu thị trường vận tải hàng không, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của hành khách" - lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam kỳ vọng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.