Hành ngò, chanh ớt...

01/11/2011 14:49 GMT+7

Nhiều ông chồng khó tính than “bây giờ bà xã nấu ăn không ngon bằng hồi xưa…”, không hẳn vậy, mà có thể chỉ vì hồi đó nấu đầy đủ gia vị hơn, thiếu cái này cái nọ còn sợ chồng chê, nên mua cho đủ hành ngò chanh ớt để chiều chồng. Còn bây giờ thì… nấu sao ăn vậy. Lâu dần sống với nhau, người ta chú trọng đến cái chất của món ăn, mà quên đi món ăn cũng cần chút trang trí.

Vợ chồng chị Bảy lại vừa mới cãi nhau. Chị khóc lóc kể tội anh bồ bịch. Hàng xóm thông cảm nói thời buổi giờ bia ôm, nhà hàng, quán nhậu, đàn ông dễ sinh hư. Chị nghẹn ngào nói không phải vậy, chỉ là một “con mẹ” nào đó, trẻ trung gì nữa cho cam, chẳng qua là chưng diện, ở không, rồi thì hội này hội nọ, cà phê cà pháo, karaoke…
 
Hôm trước, khi dọn ngăn tủ của anh, chị phát hiện chai dầu thơm lạ hoắc - chắc chắn là quà tặng của “con mẻ”. Chị hỏi, anh chối phăng như không có chuyện gì. Đến khi chị khóc lóc, dọa ly hôn, thì anh nói chị muốn làm gì thì làm, anh sẵn sàng chấp nhận, dù vẫn khẳng định anh với “con mẹ” kia chỉ là quan hệ bạn bè đơn thuần, chẳng có gì cả. Chị hỏi Hạnh Dung: “Tôi đã cố gắng chiều chồng nuôi con cả một đời, không biết ông ấy còn muốn cái gì nữa?...”.

 
Ảnh: Inmagine.com


 
Còn chị Thảo thì lại đưa con về nhà ngoại gần một năm nay, vợ chồng ly thân. Chồng chị có máu nghệ sĩ, thích làm thơ và đọc thơ. Ngày trước yêu nhau, thời còn vất vả, thơ của anh, chị vẫn cất giữ từng tờ, xếp thành từng tập. Dân xây dựng, lang bạt theo công trường, đến ngày hơi rủng rỉnh tiền bạc một chút, tính nghệ sĩ trong anh lại trỗi dậy mãnh liệt, anh đi tìm “nàng thơ” để đọc và làm thơ.
 
Một lần, chị tình cờ đọc được trong điện thoại của anh bài thơ tặng cho một “em” nào đó, thấy máu trào lên tận… lỗ tai. Vốn là giáo viên dạy văn, chị thẳng thừng xách cổ bài thơ của chồng bỏ lên bàn chặt xuôi chém ngược, phân tích cho bằng hết những lỗi về vần điệu, cấu tứ, niêm luật, rồi chì chiết, bĩu môi. Bao nhiêu ảo tưởng của “nhà thơ lớn” nát bét dưới gót giày của "nhà phê bình" tàn nhẫn. Từ đó, anh thôi không còn nói chuyện thơ với vợ nữa, nhưng mang thơ đi tặng các em thì vẫn đều đều. Chị điên lắm nhưng chẳng lẽ ly dị nhau vì... thơ, mà sống như thế này, chị viết: “Nghi ngờ, ghen tuông, khắc khoải đến lúc cũng chết sớm mà thôi!”.
 
Người ta vẫn bảo “hoa lá cành cho vui thôi…”, là bởi cái cơ bản, giá trị hơn cả, là quả, thì đã có trong tay rồi. Hay nói cách khác, tô phở chắc chắn là đã được phần sẵn, thậm chí đã được dọn ra trước mặt, cái còn thiếu, cái khiến người ta quay ngang ngó ngược tìm kiếm thường chỉ là mấy cọng hành ngò, miếng chanh, miếng ớt. Thiếu chút hành ngò, món ăn vẫn có thể đầy đủ chất bổ dưỡng, nhưng bớt ngon đi.
 
Nhiều ông chồng khó tính than “bây giờ bà xã nấu ăn không ngon bằng hồi xưa…”, không hẳn vậy, mà có thể chỉ vì hồi đó nấu đầy đủ gia vị hơn, thiếu cái này cái nọ còn sợ chồng chê, nên mua cho đủ hành ngò chanh ớt để chiều chồng. Còn bây giờ thì… nấu sao ăn vậy. Lâu dần sống với nhau, người ta chú trọng đến cái chất của món ăn, mà quên đi món ăn cũng cần chút trang trí. Trong khi, khó gì chút trang trí ấy cho vui cửa vui nhà.
 
Hoa lá cành, hành ngò chanh ớt là thứ thêm thắt cho vui mắt, khi cái cơ bản đã có, đã khẳng định được giá trị, đã được đặt vào đúng chỗ. Chẳng ai ngồi ước mơ một cọng hành cọng ngò trái chanh trái ớt không, mà thường là trước một tô phở, tô bún bò thơm phưng phức, hấp dẫn, người ta vẫn ước: giá có chanh ớt nữa thì… , giá có thêm cọng hành ngò thì… Không có bà nội trợ nào nhè miệng cái người vừa ước xong đó mà vả một cái, nhưng trong đời sống gia đình, dám xảy ra lắm chứ…
 
Nêm nhiều gia vị quá thì hỏng món ăn, nhưng nếu không có thì lại thấy… thiếu. Hành ngò chanh ớt thực ra là nằm trong tay các bà nội trợ, trả nó về đúng vị trí của nó, thì cái sự thiếu của chút màu mè gia vị đó hoàn toàn có thể được điều chỉnh, để thực khách thôi không còn ngó nghiêng tìm kiếm, mà các chị em cũng chẳng phải hoài công khắc khoải phỏng đoán xem thực khách đang tìm kiếm cái gì.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.