Hạnh phúc đến từ những chiếc chân giả

Thời gian qua, thông qua Chương trình Mercer on Mission của Trường ĐH Mercer (Mỹ), Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Bến Tre (gọi tắt là Hội) đã trở thành chỗ dựa tin cậy cho những người khuyết tật.

Trao niềm tin vào cuộc sống
Đầu tháng 6.2016, tại phòng tiếp nhận bệnh nhân của Hội, chúng tôi thấy nhiều người bị khuyết chân từ các tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Tháp, Bạc Liêu... đang chờ đến lượt điều trị. Tình cảnh khuyết chân của họ có thể do chiến tranh, bệnh tật, tai nạn giao thông, lao động… nhưng ai cũng mong sớm khắc phục khiếm khuyết của cơ thể để hòa nhập với cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Triếng (60 tuổi, ngụ ấp Hiệp Phước, xã Phước Hiệp, H.Mỏ Cày Nam, Bến Tre) xúc động nói: “Tôi bị thương trong chiến tranh phải cưa chân. Sau giải phóng, tôi lâm vào cảnh hết sức khó khăn vì tật nguyền và mặc cảm. Nhưng nhờ người bạn giới thiệu đến gặp Hội và được nhận giúp đỡ gắn chân giả nên có thể đi lại, sinh hoạt, làm việc bình thường như những người khác”.
Sau vụ tai nạn giao thông, anh Trần Thái Nhựt Em (26 tuổi, ấp 3, Thạnh Phú Đông, H.Giồng Trôm, Bến Tre) phải cắt bỏ chân phải đến gối. Tháng 2.2015, được các bác sĩ Trường ĐH Mercer lắp chân giả, hiện anh Nhựt Em đã cưới vợ và có cuộc sống ổn định. “Sau vụ tai nạn buộc phải bỏ chân khiến cuộc đời tôi rơi vào những tháng ngày đen tối. Có lúc tôi tính tự tử bởi quá nghèo không đủ tiền điều trị tiếp. Nhưng Hội đã cho tôi niềm tin vào cuộc sống…”, anh Nhựt Em nói.
Đến ngày 10.6, Chương trình Mercer on Mission đã thực hiện việc lắp chi giả đến ca thứ 5.000 tại VN, trong đó, trên 800 ca ở Bến Tre. Theo đó, ca thứ 5.000 là anh Nguyễn Văn Lực đến từ Cà Mau. Người đàn ông 42 tuổi này bị đoản chi vào năm 2015 vì tai nạn lao động. Vợ anh Lực sau đó đã bỏ nhà ra đi, để anh một mình nuôi 3 con trong điều kiện kinh tế khó khăn. Khi nghe tin có chương trình lắp chi giả tại Bến Tre, anh đã tìm đến và được giúp đỡ. “Tôi rất mừng và ngạc nhiên khi mình là ca thứ 5.000 trong chương trình này. Tôi rất biết ơn sự tận tình của các bác sĩ, tình nguyện viên, qua đó giúp tôi có thể đi đứng dễ dàng hơn trước”, anh Lực bày tỏ.
Chương trình còn tiếp diễn
GS-TS Craig McMahan, Chủ nhiệm Chương trình Mercer on Mission, cho biết trong chuyến đến VN lần này, đoàn đã mang theo trên 1 tấn thiết bị và thuốc để thực hiện điều trị bệnh xương khớp cho khoảng 800 bệnh nhân, trong đó có 20 trẻ em và làm chân giả cho 225 người tàn tật tại ĐBSCL.
Đây là lần thứ 5 ông Craig McMahan đến VN thông qua chương trình. Với ông, mỗi chuyến đi là một kỷ niệm đẹp không thể nào quên khi được nhìn gương mặt rạng rỡ cùng nụ cười mãn nguyện của các bệnh nhân sau khi được giúp đỡ. Ông Craig McMahan kể vào năm 2012, ông không nhớ rõ ở tỉnh nào nhưng lúc đó, ca ông phụ trách là một chiến sĩ cách mạng không may đạp phải mìn và bị mất một chân. Khi kiểm tra, ông thấy trên chân giả cũ ghi lúc lắp vào tháng 12.1962, còn lúc thay chân mới cũng lại là tháng 12 của 50 năm sau.
“Lúc đó, trong tôi dâng trào một cảm xúc khó nói nên lời. Từ đó tôi hiểu được mất mát, đau thương bởi chiến tranh mà người dân VN phải gánh chịu. Là công dân Mỹ, được chính tay lắp chân giả cho người lính năm xưa phần nào thể hiện thiện chí góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh. Chương trình lắp chi giả thực hiện ở VN chỉ kết thúc khi không còn người có nhu cầu”, ông Craig McMahan nói.
Ông Trần Công Ngữ, Phó chủ tịch Hội, cho biết Hội tiếp nhận tất cả những trường hợp có yêu cầu giúp đỡ, không hạn chế đối tượng hay nguyên nhân dẫn đến tình cảnh khuyết chi. Mỗi năm đoàn của Trường ĐH Mercer sẽ đến một đợt, giải quyết cho tất cả các trường hợp đã được lên danh sách tiếp nhận từ năm trước. Đồng thời, sẽ tiếp nhận lượng bệnh nhân mới, khám kỹ từng ca rồi mang hồ sơ về Mỹ nghiên cứu và lập kế hoạch thực hiện nối chi cho lần đến tiếp theo.
Bác sĩ Ngô Văn Tán, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre, cho biết do địa phương chưa có điều trị chuyên về các bệnh xương khớp và lắp chi giả, nên chương trình là dịp để các y, bác sĩ địa phương học hỏi kinh nghiệm điều trị phục hồi các chức năng bị khuyết cho những bệnh nhân nghèo và người tàn tật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.