Cuối đời, ông Chín đang an nhàn với cuộc cờ, chén rượu cùng nhóm bạn già bên mấy cây kiểng ở góc sân thì “tuổi xuân” chợt đến.
Tui làm tui chịu
Khi nghe cô vợ tuổi 40 nói tui mang bầu rồi ông ơi, ông mắc cỡ lắm. Chết chết, mình đã 70, cái tuổi cổ lai hy, bỗng đâu lại nảy ra một em bé! Kiểu này bà con hàng xóm mặc sức mà cười cợt mình đây. Còn thằng con, chắc nó không “tha”, thế nào cũng nói bâm nói bổ.
Vợ trước của ông mất lúc ông 60 tuổi. Ba năm sau, con trai ông mặc áo “chú rể” cho cha trước khi theo vợ lên phố làm ăn. So với ông, vợ sau rất trẻ, mới 33 tuổi, đã một đời chồng nhưng không có con, tính thiệt thà, lại rất khỏe, gánh cá thuê chạy thình thịch cả buổi không biết mệt.
Tục huyền là để ông có người chăm sóc khi trái gió trở trời chớ chắc hổng con cái gì. Gia đình và chòm xóm ai cũng nghĩ vậy. Thì đấy, năm sáu năm rồi có “vấn đề” gì đâu. Vậy mà, Bỗng đâu như sét đánh ngang/vợ từ không chửa chuyển sang có bầu.
Ông bạn đánh cờ nhe lợi cười, nói không ngờ bác Chín còm ròm thế mà khỏe nhỉ. Phen này chắc bác phải tập nằm võng ru… búp bê cho quen. Bà hàng xóm qua ngõ cười nửa miệng, nói chợ bữa nay thứ gì cũng đắt, mỗi tã lót là rẻ thôi. Người bạn “văn” thường cùng ông tán phét chuyện thơ phú hò vè thì cười bí hiểm, lấy một câu trong truyện Kiều ra hỏi: “Thất kinh nàng chửa biết là làm sao” hình như có dấu phẩy sau chữ “chửa” phải hông ông Chín? Biết cha này xỏ mình, ông xẵng giọng nói bác rỗi hơi thì về Tiên Điền mà hỏi.
Con ông nghe tin về “xác minh”. Anh trách ba, nói tuổi già thiếu gì thú vui tao nhã, ba “lục đục” chi mà ra cơ sự này. “Cảnh cha già con mọn bộ sướng lắm hả? Hóa ra nhân sâm con gửi lợi bất cập hại”, thằng con làu bàu.
Ông Chín hứ một tiếng, kéo hộc tủ lấy ra một mớ sâm ném cái “chạch” trước mặt con. “Sâm đây, tui trả cho anh, không mất một củ. Anh và cái tao nhã của anh cút ngay. Tui làm tui chịu. Anh khỏi lo”, ông Chín lớn tiếng.
Con… ru cha ngủ
|
Bụng vợ càng to, nhóm bạn già càng vắng. Nhưng ông Chín không lấy đó làm buồn. Suốt ngày ông vui trong bận rộn: giặt đồ, quét sân, cho gà ăn, lăng xăng đi chợ, ghé quầy dược mua hộp thuốc dưỡng thai. Có hôm ông khúm na khúm núm đưa cho vợ gói giấy. “Ui chu cha, ổi chua kèm muối ớt”, vợ reo lên sung sướng.
Căn nhà rộn vui khi Muộn, một bé gái, ra đời. Tên này ông đặt trước khi vợ sinh. Ông thích đứng bên vành nôi, rung rung chùm vải đỏ xanh cho bé nhìn. Rồi ông nựng con: “Ờ… ờ… con khát sữa phải hông? Má Muộn đâu rồi”. Chị Chín cho con bú, âu yếm nhìn chồng, nói nó giống ông như tạc.
Hàng xóm ai cũng khen ông Chín nuôi đẻ mát tay nên “bà” Chín như trở lại cái thời má hồng môi thắm.
Bé Muộn biết ngồi, ông thường bày cờ ra chơi với con. Bé hất quân cờ văng tung tóe, ông bò lê bò càng nhặt cả trăm lần mà vẫn cười tươi. Ngày Muộn bập bẹ tiếng “má” tiếng “ba”, hai vợ chồng nhìn nhau rưng rưng trong niềm hạnh phúc muộn màng. Ông ngâm nga: “Có vàng vàng chẳng bi bô, có con nó nói xì xồ cho nghe”.
Thấy mình đã cứng cáp, chị đi làm, dặn chồng chăm con đủ thứ. Ông nói má Muộn yên chí, cho ăn bột xong, tui hát ru, con sẽ từ ngủ tới ngủ. Một bữa đang gánh cá, chị căng sữa, chạy về cho Muộn bú, thấy con mở to mắt nằm ê a một mình, cha thì ngoẹo đầu một bên ngáy khò khò. Chị lay đầu võng. Ba Muộn giựt mình. Chị véo chồng, bế con lên, nói hát với chả hò, con ru cha ngủ thì có.
Trần Cao Duyên
Bình luận (0)