Hành tinh GJ 1214b, được kính viễn vọng không gian Hubble phát hiện năm 2009, hóa ra là một thế giới toàn nước.
Đây cũgg là hành tinh mà vào năm 2010, các nhà khoa học có thể đo được khí quyển của nó, và nhiều khả năng cấu tạo chủ yếu bằng hơi nước. Giờ đây, với ảnh chụp bằng quang phổ hồng ngoại từ Hubble, các chuyên gia không tin vào mắt mình trước khi xác nhận GJ 1214b là một thế giới nước thực sự bên dưới bầu khí quyển dày ẩm ướt.
“GJ 1214b không giống bất cứ hành tinh nào mà chúng ta từng biết”, trang Universe Today dẫn lời chuyên gia Zachary Berta của Viện Vật lý học thiên thể Harvard-Smithsonian (Mỹ), “Một phần lớn khối lượng của nó là nước”. GJ 1214b có kích thước nhỏ hơn Thiên Vương tinh nhưng lớn hơn trái đất với trọng lượng gấp 7 lần. Hành tinh này cũng hết sức nóng bức, do nó quay quanh sao lùn đỏ với khoảng cách 2 triệu km, khiến nhiệt độ của bề mặt phải lên đến 230 độ C.
Berta và nhóm các chuyên gia quốc tế đã sử dụng camera 3 trường rộng (EFC3) của Hubble để nghiên cứu GJ 1214b khi nó đi ngang ngôi sao trung tâm. Trong quá trình đó, ánh sáng của ngôi sao được lọc qua khí quyển hành tinh, cho phép các chuyên gia nắm bắt được hỗn hợp các chất khí tồn tại trên hành tinh này.
“Chúng tôi sử dụng Hubble để đo màu sắc hồng ngoại lúc hoàng hôn của GJ 1214b”, chuyên gia Berta cho biết. Kết quả cho thấy khí quyển của GJ 1214b thuộc dạng đầy hơi nước. GJ 1214b có nhiều nước hơn trái đất, và ít đất đá hơn.
Nhiệt độ và áp suất cao của GJ 1214b sẽ hình thành các vật chất không tưởng đối với thế giới tại trái đất như “băng nóng”, “nước siêu lỏng”. Các chuyên gia lý luận rằng GJ 1214b có thể được hình thành từ khoảng cách xa hơn ngôi sao trung tâm như hiện nay, nơi băng nước nhiều vô kể. Sau đó, hành tinh này tiến gần đến mặt trời của nó. Trong quá trình này, nó có dịp tiến vào khu vực có thể giúp nuôi dưỡng sự sống, nơi nhiệt độ bề mặt tương tự như trái đất.
GJ 1214b nằm ở chòm sao Xà Phu, cách trái đất 40 năm ánh sáng. Các nhà khoa học cho hay nó sẽ là ứng viên nghiên cứu chính của kính viễn vọng không gian James Webb, do NASA/ESA/CSA hợp tác phóng lên quỹ đạo vào cuối thế kỷ này.
Hạo Nhiên
Bình luận (0)