Hành trình cao su Việt ở Campuchia: Trách nhiệm cộng đồng

Đình Phú
Đình Phú
18/09/2023 08:00 GMT+7

Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) được đánh giá là một trong những doanh nghiệp tiên phong có thành tích xuất sắc trong thực thi chiến lược phát triển bền vững, gắn với 3 trụ cột: Phát triển kinh tế - Trách nhiệm với cộng đồng và xã hội - Bảo vệ môi trường. Chiến lược phát triển bền vững đó cũng là một điểm sáng của hành trình cao su Việt ở Campuchia.

"Làm thật, làm tốt nên đã tạo được niềm tin"

Ông Leng Rithy là người Campuchia gốc Việt. Sinh ra trong một gia đình Việt kiều đã 3 đời sống ở Campuchia nên ông rất am hiểu ngôn ngữ và phong tục, tập quán của người Khmer. Năm 1996, ông bỏ tiền nâng cấp gần 20 km đoạn đường nhựa từ huyện Snuol, tỉnh Kratie (Campuchia) về cửa khẩu giáp tỉnh Bình Phước của Việt Nam. Nhờ có đoạn đường này, việc đi lại thăm thân, buôn bán của người dân hai bên thuận lợi hơn trước rất nhiều. Cùng năm đó, Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk ký sắc lệnh phong tước Oknha, một tước hiệu quý tộc cho ông. Đây là sự ghi nhận đặc biệt của Hoàng gia Campuchia đối với những đóng góp nổi bật của một cá nhân trên lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hành trình cao su Việt ở Campuchia: Trách nhiệm cộng đồng- Ảnh 1.

Oknha Leng Rithy

Ngoài việc điều hành doanh nghiệp, Oknha Leng Rithy còn là Trưởng văn phòng đại diện của VRG tại Campuchia. Ông tự hào về nguồn gốc Việt của mình và tâm niệm sẽ luôn nỗ lực hết sức để đóng góp cho tình hữu nghị, đoàn kết giữa 2 đất nước Campuchia - Việt Nam. Năm 2017, ông nhận bằng khen của Bộ Ngoại giao vì những thành tích xuất sắc trong củng cố, phát triển cộng đồng và tổ chức các hoạt động hướng về quê hương đất nước.

Tôi gặp Oknha Leng Rithy ở thủ đô Phnom Penh, sau lần đầu gặp ở Kratie. Ông kể đã gắn bó với ngành cao su Việt Nam suốt 17 năm qua. Khi nghe tôi chia sẻ lời của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng về hành trình cao su Việt vượt qua khó khăn, trụ vững và phát triển ở Campuchia, Oknha Leng Rithy liền nói: "Thật sự là có những giai đoạn rất khó khăn, nhưng khó khăn nào cũng dần vượt qua hết. Hàng rào thép gai, hàng rào điện tử gì cũng vượt qua hết".

Về những ngày tháng đầu khi triển khai chương trình hợp tác phát triển 100.000 ha cao su của Chính phủ Việt Nam và Campuchia, Oknha Leng Rithy kể lại rằng, năm đầu tiên (2007) trồng chỉ được hơn 500 ha, năm 2010 trồng hơn 3.000 ha nhưng chỉ trong vòng 8 năm đã trồng được gần 100.000 ha để bây giờ toàn bộ diện tích này đã bước vào chu kỳ khai thác mủ. Người Pháp trong 47 năm trồng cao su ở Campuchia được 53.000 ha", ông nói và tự hào: "Bây giờ có thể nói là sung sướng rồi, ngủ ngon được rồi. Các dự án cao su làm thật, làm tốt nên đã tạo được niềm tin. Hoạt động của các dự án không đảo lộn gì cuộc sống người dân sở tại, mà đặc biệt còn đóng góp vào cải thiện hạ tầng, công ăn việc làm, an sinh xã hội của địa phương nơi dự án đứng chân".

Tương lai từ mái trường cao su

Tôi có dịp đến nhiều công ty cao su Việt ở Campuchia, nhận thấy một điểm chung, đó là việc trồng, quản lý, khai thác, chế biến mủ cao su luôn gắn liền với trách nhiệm cộng đồng. Trách nhiệm này là việc xây dựng nhà ở, hệ thống điện, nước sinh hoạt cho công nhân miễn phí; xây dựng trường học cho con em công nhân học miễn phí; lập trạm y tế chăm sóc sức khỏe cho công nhân và người thân của họ… Vì vậy, ở dự án nào cũng có những làng cao su quây quần và gắn bó bên nhau, nhất là những công nhân trẻ lập gia đình và con cái chào đời ngay dưới những mái nhà cao su.

Hành trình cao su Việt ở Campuchia: Trách nhiệm cộng đồng- Ảnh 2.

Nhà ở của công nhân cao su ở Kampong Thom

Hành trình cao su Việt ở Campuchia: Trách nhiệm cộng đồng- Ảnh 3.

Lớp học của làng cao su nông trường 3 do Công ty CP Cao su Chư Sê - Kampong Thom xây dựng

Ở tỉnh Kratie, có 4 công ty thành viên VRG phát triển dự án cao su: Cao su Đồng Nai - Kratie, Cao su Dầu Tiếng Kratie, Cao su Đồng Phú - Kratie và Công ty VKETI. Trong 4 công ty này, Công ty VKETI nằm gần biên giới Việt Nam nhất, chỉ cách cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước) khoảng 50 km đường ô tô. Vùng dự án phát triển hơn 4.381 ha cao su của VKETI tại xã Kronhungsenchay, huyện Snuol (Kratie).

Khi đến làng cao su ở Kronhungsenchay, tôi đã gặp vợ chồng Choy Sina (28 tuổi), đều là công nhân cao su của VKETI. Con của Choy Sina chào đời ở làng cao su đã được 7 tháng. Khi gặp chúng tôi, Choy Sina rạng ngời niềm vui bởi mái nhà cao su có thêm một thiên thần nhỏ.

Ở huyện Stoung, tỉnh Kampong Thom cũng có nhiều làng cao su yên bình. Tôi được anh Ngô Xuân Sơn, 50 tuổi, Giám đốc nông trường 3 (Cao su Chư Sê - Kampong Thom) dẫn vào một làng cao su ở xã Popok. Tôi bất ngờ khi nghe anh nói về con số diện tích nông trường 3: 2.060,3 ha. "Nhớ từng con số lẻ vì mình quản lý mà, phải nhớ. Có 876.000 cây đang cạo mủ, nhớ hết. Hiện có 314 công nhân chính thức nhận giao khoán, làm thời vụ (phát cỏ, chống cháy, xử lý cây ngã đổ…) thêm khoảng 100 lao động nữa", anh Sơn rành rẽ.

Trong các làng cao su, hàng quán mọc lên ngày càng nhiều, từ siêu thị mi ni, cửa hàng tạp hóa đến quán ăn, tiệm sửa xe máy… Làng cao su của nông trường 3 có 152 hộ gia đình. Ngoài các dãy nhà công ty cao su xây dựng cho công nhân ở miễn phí (mỗi gia đình một căn), còn được bố trí các khoảnh đất để trồng rau xanh.

Hành trình cao su Việt ở Campuchia: Trách nhiệm cộng đồng- Ảnh 4.

Anh Ngô Xuân Sơn tặng quà cho gia đình chị Mơ Sarun

Tôi gặp chị Mơ Sarun (38 tuổi) và anh Keo Cươl (36 tuổi), đều là công nhân cao su. Anh chị cưới nhau từ năm 2009 rồi sinh con trai Cươl Kon (5 tuổi) và con gái Cươl Lyza (4 tuổi) ngay ở làng cao su nông trường 3. Anh chị là công nhân kỳ cựu, thu nhập khoảng 800 USD/tháng, riêng Sarun là bàn tay vàng của ngành cao su (vững lý thuyết, giỏi thực hành trong khai thác mủ). Sarun tâm tình rằng, thu nhập ổn định đã nuôi sống gia đình chị, nhưng niềm vui lớn nhất là 2 đứa con lớn lên khỏe mạnh, được đi học miễn phí tại ngôi trường do công ty cao su xây dựng sát cạnh làng.

Trường tiểu học của làng cao su nông trường 3 có 2 thầy giáo trẻ, là Chhuth Pha và Nươl Rya phụ trách đứng lớp. Trường có 85 em theo học, chia thành 4 lớp, từ lớp 1 đến lớp 4. Thầy Chhuth Pha (22 tuổi) cho hay, các em đều được học miễn phí, những em hoàn cảnh khó khăn thì được hỗ trợ thêm sách vở. Khi hết bậc tiểu học, các em sẽ ra trường huyện học cấp 2. Lương của thầy Chhuth Pha khoảng 750 USD/tháng, trong đó ngành giáo dục địa phương trả 500 USD, công ty cao su hỗ trợ 250 USD.

Thầy Chhuth Pha dẫn tôi vào thăm các em học sinh lớp 2. Lớp có 46 em liền đứng dậy, đồng thanh chào thầy Chhuth Pha. Tôi thấy không gian lớp học cũng tương tự như ở Việt Nam. Trên bảng có các mục ghi ngày, tháng, năm; sĩ số lớp, nam - nữ… Thú vị là có các bảng ghi các dòng chữ lớn để nhắc nhở ý thức rèn luyện của học sinh: Đi học đúng giờ - Nghe thầy nói - Học tập - Làm việc - Giữ vệ sinh - Giờ học không được nói chuyện - Cố gắng từng việc nhỏ mới làm được việc lớn - Con mà nghe cha mẹ là con có hiếu, có tương lai…

Khi tôi rời Popok, lớp học của mái trường cao su vẫn còn tiếp diễn. Tôi hình dung về những năm tháng phía trước, những đứa trẻ dưới mái trường cao su ấy có thể trở thành những công dân toàn cầu… Tại sao không? (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.