|
Tiến sĩ khoa học (TSKH) tại Pháp về phục vụ miền núi
Sự kiện UBND tỉnh Lâm Đồng vừa khen thưởng PGS-TSKH-BS Dương Quý Sỹ 100 triệu đồng khi ông được phong hàm PGS là mức thưởng đặc biệt chưa từng có tại địa phương (QĐ ngày 20.10.2014). Với niềm đam mê khoa học, từ một ThS - BSCK-I nội khoa của Trường ĐH Y dược TP.HCM, Dương Quý Sỹ đã sang Pháp nghiên cứu học tập và bảo vệ thành công xuất sắc luận án TSKH năm 2009 - là người đầu tiên của ngành y tế VN bảo vệ TSKH tại Pháp.
Một nhà khoa học thật sự cần phải biết tạo cho mình môi trường làm việc trong điều kiện cho phép vì không có môi trường nào là tuyệt đối lý tưởng - suy nghĩ như vậy, Dương Quý Sỹ chọn con đường trở về quê hương miền núi để phục vụ bà con. Hàng năm, PGS-TSKH-BS Dương Quý Sỹ (đang giữ cương vị Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Lâm Đồng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Y-Sinh học do ông vừa thành lập và cố vấn chuyên môn cho BV Đa khoa Lâm Đồng) vẫn thường xuyên sang Pháp để tiếp tục làm công việc nghiên cứu chuyên sâu và làm công tác kiêm nhiệm của BV Cochin - ĐH Paris Descartes. Ông còn là Tổng biên tập Tạp chí Hô hấp Pháp - Việt, Phó tổng biên tập Tạp chí Mạch máu Nội và Ngoại khoa của Mỹ và là thành viên Ban biên tập Tạp chí Hô hấp Châu Âu.
Tại địa chỉ 269 Phan Đình Phùng - Đà Lạt, đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng của Trường cao đẳng Y tế Lâm Đồng, PGS-TSKH-BS Dương Quý Sỹ đã tạo ra một môi trường làm việc và nghiên cứu lý tưởng với các trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ cho lĩnh vực chẩn đoán điều trị các bệnh lý hô hấp. Tại đây, có đủ các điều kiện để ông hướng dẫn các học viên cao học, nghiên cứu sinh trong nước. Cũng tại đây, ông được nhiều bệnh nhân khen ngợi về cách chữa bệnh hiệu nghiệm.
Thắp lên hy vọng cho bệnh nhân xơ phổi
Đa số bệnh nhân gọi PGS-TSKH-BS Dương Quý Sỹ là “thầy” một cách quý mến. Anh Nguyễn Thế H., con trai của bệnh nhân Nguyễn Văn T. (56 tuổi, ở Tiền Giang), cho biết: “Nhờ thầy Sỹ mà ba tôi được cứu sống chứ trước đó gia đình, bà con đều nghĩ ba tôi chắc không qua khỏi, bởi bệnh viện chuyên khoa tuyến trên đã thông báo trả về vì hết điều trị được”. Theo anh H., trong lúc bế tắc, anh tìm thấy thông tin ở Đà Lạt có bác sĩ chữa bệnh xơ phổi, anh liền thuê xe cấp cứu của bệnh viện chuyển bố lên Đà Lạt. “Thầy Sỹ cho uống thuốc đúng phác đồ chữa bệnh xơ phổi trong vòng 1 tuần, ba tôi ngồi dậy, đi lại được, ăn 2 chén cơm. Mới qua 1 tháng điều trị, ba tôi bớt ho, đi lại, ăn uống được và vừa lên lại Đà Lạt tái khám sau 6 tuần điều trị, chụp CT ngực và đo chức năng hô hấp có cải thiện rõ nét”, anh H. nói.
|
Bệnh nhân Nguyễn Văn N., 56 tuổi ở Đà Nẵng, đã gần 10 năm đi khắp các bệnh viện để chữa bệnh xơ phổi do xơ cứng bì, cho biết: “Tôi bị ho liên tục, bệnh viện chẩn đoán bị xơ phổi nhưng qua nhiều đợt điều trị chỉ thuyên giảm chứ không dứt được, sức khỏe sụt giảm từ 65 kg còn 49 kg. Cũng tình cờ lên mạng internet, tôi tìm đến thầy Sỹ điều trị xơ phổi mới được 2 tháng, kết quả tiến triển tốt: ho giảm, ăn được, ngủ được, vận động được, dễ thở hơn, làm việc bình thường. Thầy giỏi vì cách ra toa, phối hợp thuốc rất lạ, có một không hai ở VN”.
PGS-TSKH-BS Dương Quý Sỹ cho biết, các triệu chứng của bệnh xơ phổi dễ chẩn đoán nhầm với bệnh lao BK (-), bệnh còn do nhiều nguyên nhân khác nhau và ở nam giới hay gặp với người hút thuốc lá. Nếu phát hiện sớm điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ cải thiện sức khỏe và kéo dài tuổi thọ. (An Nhiên)
Bình luận (0)