Hành trình của những cậu bé chân giả

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
17/08/2020 07:49 GMT+7

Cuộc đời của cậu bé tật nguyền ở vùng cao Quảng Trị đã đổi thay rất nhiều sau ngót 10 mùa cây rừng rụng lá.

Xưa, cậu khao khát vượt núi để biết “bầu trời” bên ngoài rộng lớn; nay, cậu muốn xây dựng cuộc đời ở ngay chính quê hương mình...
Cậu bé mà tôi nhắc đến nay đã là chàng thanh niên 21 tuổi ở bản Ro Ró (xã A Vao, H.Đakrông, Quảng Trị), với đôi chân tật nguyền: Hồ Văn Lung.

Cuộc gặp định mệnh

Tháng 5.2010, tôi có chuyến công tác vào thôn Ro Ró tìm những cô giáo vùng cao cắm bản. Đó là một hành trình khó quên, phải cuốc bộ hơn 5 km qua các con dốc “Cha ơi!”, “Mẹ ơi!” và rồi bất ngờ gặp Lung. “Trong lớp học tồi tàn, bàn ghế nghiêng ngả, Lung vẫn ngồi co người hí hoáy viết một cách khó nhọc. Trong đôi mắt đen láy của em, niềm vui đến trường hiện rõ mồn một...”, những dòng đầu tiên trong bài báo Ước mơ vượt núi trên Thanh Niên ngày 12.5.2010 đã nhấn nhá về Lung như thế.

Hành trình “đi để trở về” của cậu bé không chân!

Mẹ Lung mang bầu vào lúc bản vào mùa giáp hạt. Lọt lòng mẹ, em không có chân. Lớn lên, cậu vẫn “bò” đến trường, ê a con chữ, trêu đùa cùng các bạn trước ngôi trường dựng bằng phên rách... Vào thời điểm đang học lớp 5, nếu Lung muốn học tiếp phải vượt rừng, vượt dốc ra trung tâm xã A Vao cách bản Ro Ró 5 km. Với “đôi chân” như thế, em biết thực hiện giấc mơ bằng cách nào? “Em thích đi học lắm, nhưng mà núi Ka Lưi cao quá, chắn mất đường em đi rồi”, câu nói của Lung khi đó vừa buồn bã vừa ám ảnh…
Cuộc trùng phùng của tác giả bài báo (phải) và cậu bé Hồ Văn Lung sau 10 năm ẢNH: THANH LỘC

Cuộc trùng phùng của tác giả bài báo (phải) và cậu bé Hồ Văn Lung sau 10 năm

ẢNH: THANH LỘC

Sau khi báo đăng, rất nhiều người đã quan tâm đến giấc mơ vượt núi của cậu bé vùng cao bị ông trời “bắt vạ”. Và với sự giúp đỡ, hỗ trợ của một nhóm nhà hảo tâm, Lung thậm chí không chỉ “bò” ra trung tâm xã A Vao mà còn “chu du” vào tận TP.Huế (Thừa Thiên-Huế), cách Ro Ró hơn 130 km. Tháng 7.2010, Lung đã được đưa đi khám chân và nhập viện tại Bệnh viện Trường ĐH Y Huế, phẫu thuật cắt bỏ phần lở loét phía chân bên trái. Tiếp đó, các bác sĩ làm chân giả để Lung có thể đi đứng bình thường. Ông Hồ Văn Hanh đã theo con trai suốt hành trình này. Và cũng như Lung, đây là lần đầu tiên ông Hanh đi khỏi bản. “Nếu không có lần gặp đó, không có bài viết đó, chắc chẳng ai biết đến con tôi, một đứa trẻ tật nguyền bé nhỏ ở vùng cao rộng lớn này. Và cha con tôi cũng sẽ không có một hành trình đi xa khỏi bản làng mình đến thế”, ông Hanh nói.

Trùng phùng sau 10 năm

Tháng 6.2020, tròn 10 năm sau lần gặp cậu bé tật nguyền ngày nào, tôi trở lại bản Ro Ró qua sự kết nối của anh Đặng Quang Toàn (cán bộ của dự án Renew, chuyên hoạt động hỗ trợ chân tay giả và sinh kế cho nạn nhân bom mìn, người tàn tật ở Quảng Trị). Sau ngần ấy năm, đường vào bản đã là đường bê tông, ô tô có thể đi lại. Và cậu bé từng bò trên đất nay đã đứng thẳng với đôi chân giả, thậm chí còn cao hơn tôi trong lần trùng phùng.
Ngồi giữa gian nhà sàn cũ, Lung kể sau cuộc phẫu thuật vào năm 2010, em có chân giả và được các nhà hảo tâm gửi vào ăn học tại chùa Đức Sơn, ngôi chùa chuyên cưu mang trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Thừa Thiên-Huế. Tại đây, Lung theo học từ lớp 6 đến lớp 8. “Ở đó em được đối xử rất tốt nhưng em nhớ gia đình, lại thường xuyên đau ốm nên em bỏ ngang. Với em, những tháng năm ở Huế là một trải nghiệm tuyệt vời đầu đời”, Lung kể. Năm 2014, Lung trở lại quê hương Ro Ró...
Năm 2018, Lung vào Huế lần thứ hai để học nghề may tại nhà chùa cũ. Đến tháng 6.2019, cậu có quyết định táo bạo khi cùng bạn bè lên tàu vào nam, làm công nhân may. “Để kiếm được khoản tiền lương tháng chừng 5 triệu đồng, em chỉ biết may và may...
Với sự kiên trì, ngày ngày Lung đào đất làm hồ cá, nuôi giấc mơ trang trại trên ngọn đồi Cơn Mung ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Với sự kiên trì, ngày ngày Lung đào đất làm hồ cá, nuôi giấc mơ trang trại trên ngọn đồi Cơn Mung

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Tuy nhiên, em trụ không nổi 3 tháng do công việc quá vất vả, lại không có xe nên phải đi bộ từ nơi trọ đến nhà máy. Chân đau nhức đến tím tái, nên tháng 10.2019, em lại về nhà”, Lung kể về cuộc “nam tiến” bất thành.

Mơ về trang trại trên non

Từ cuối năm 2019 đến nay, với đôi chân giả, ngày ngày Lung leo lên đồi Cơn Mung cách nhà hơn 1 km để thực hiện giấc mơ lớn: xây dựng một trang trại riêng. “Em luôn muốn làm việc, bởi chỉ khi làm việc em sẽ không suy nghĩ nhiều, nhất là những suy nghĩ tiêu cực rằng mình thiệt thòi hơn người ta”, Lung nói. Thêm nữa, Lung bảo không còn muốn ăn bám vào bố mẹ, bởi họ cũng chỉ có 2 ô ruộng nương, được mùa thì thu về 4 bao lúa, mất mùa chỉ còn khoảng 2 bao.
Dẫn tôi lên khoảnh đất đầy hứa hẹn của mình, Lung chỉ về hố đất do chính tay em và người nhà hì hụi đào suốt nhiều tháng qua và nói đó sẽ là... ao cá. Lung chỉ tay về phía xa hơn, “phác họa” nơi kia sẽ là trại gà, trại dê, còn khoảnh đất bằng phẳng hơn sẽ là nền của một ngôi nhà sàn nhỏ. “Em muốn dựng nhà và sống luôn ở đây để tiện chăm sóc lũ cá, lũ gà. Thêm nữa, chân em thế này…”, Lung tâm sự.
Ông Hanh bảo rằng không ai cản được “ý tưởng lớn” của cậu con trai tên Lung, dù ông cũng chảy nước mắt khi nhìn đứa con tật nguyền xúc từng xẻng đất, kéo từng xe rùa một cách khó nhọc. “Nhưng tôi đã bắt đầu tin vào quyết tâm của nó khi nhìn thấy khoảnh đất đồi lúc xưa nay đã sắp thành hố sâu. Nhờ vào từng xẻng đất đó, ngày này qua ngày khác, dù rất chậm...”, ông nói.
Tôi động viên Lung,  cứ cố gắng làm trang trại, biết đâu khi có sự nghiệp thì… tình duyên cũng sẽ tới. Lung nhìn tôi, cười hiền: “Em sẽ làm được!”. Trong ráng chiều Ro Ró, bóng núi đã đổ dần xuống thung lũng, hình dáng Lung miệt mài bổ những nhát cuốc nhọc nhằn ở đồi Cơn Mung cứ hiển hiện trong tôi suốt chặng đường xuôi về thành phố... (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.