Chương trình do Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN thực hiện.
Trạm kiểm lâm bãi dương và hai thanh niên
Trong khi các tình nguyện viên khác được phân công nhiệm vụ tại 4 khu vực bao gồm: hòn Cau, hòn Tre lớn, hòn Tài, trạm kiểm lâm Bảy Cạnh (hòn Bảy Cạnh) thì tôi cùng chị Phạm Thị Kim Quy (một tình nguyện viên của chương trình, hiện đang làm nhân viên xuất nhập khẩu tại một công ty ở TP.HCM) đảm nhận nhiệm vụ “đỡ đẻ” cho rùa ở trạm kiểm lâm bãi Dương - nơi tựa mình vào cánh rừng nguyên sinh rộng lớn với hệ động thực vật đa dạng.
Bãi Dương đón hai chị em tôi bằng sự chào đón niềm nở của hai chàng trai 9X đang sở hữu tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết, Cao Đức Cường và Nguyễn Danh Thiện. Nếu như Cường là kiểm lâm viên có thâm niên làm việc hơn 3 năm tại Vườn quốc gia Côn Đảo, thì Thiện lại là cậu sinh viên Hà thành vừa tốt nghiệp đại học, do không thể tiếp tục sang Bỉ theo đuổi tấm bằng thạc sĩ giữa đại dịch Covid-19, nên đã nộp đơn ra đây làm nhân viên thời vụ 2 tháng.
Cùng thuộc hòn Bảy Cạnh, nhưng nếu không phải dân địa phương thì sẽ hiếm người biết đến bãi Dương, thậm chí gõ tìm kiếm tên khu vực này trên mạng cũng không có nổi dòng thông tin chỉn chu. Một nơi mà gà, chó, mèo cộng lại còn hơn số lượng người hiện diện. Nói vui như Cường rằng: “Mấy mùa không có tình nguyện viên, hai anh em kiểm lâm đi ra đi vào nhìn nhau phát chán luôn”.
Nhưng Thiện mới là người khiến tôi bất ngờ nhất. 22 tuổi ngụ tại Hà Nội, được bố mẹ bảo bọc từ nhỏ, ngay cả việc quét nhà cũng đã có máy hút bụi lo vậy mà Thiện lại dám từ bỏ mọi thói quen thường nhật, chấp nhận ra Côn Đảo làm việc. Cậu chẳng mảy may suy nghĩ nhiều, vội nộp đơn ngay tức khắc sau khi nghe qua lời giới thiệu về chương trình từ một người quen. Dù học việc chưa lâu nhưng Thiện gần như thuần thục mọi thao tác nhờ sự chỉ dẫn tận tình của các anh kiểm lâm, cũng như tình yêu với ngành bảo tồn đa dạng sinh học mà Thiện đang theo đuổi.
|
Rưng rưng những ngày nhặt trứng
Số lượng rùa biển lên đẻ trứng ở Côn Đảo chiếm trên 85% số rùa về đẻ ở vùng biển Việt Nam. Hiện nơi đây còn 18 bãi có rùa lên đẻ. Mùa rùa sinh sản ở Côn Đảo kéo dài tầm đầu tháng 4 đến tháng 11 nhưng cao điểm nhất rơi vào các tháng mùa hè.
Thời điểm ra bãi canh rùa đẻ phụ thuộc vào mực nước thể hiện trong bảng thủy triều được phát cho mỗi trạm hằng tháng. Khi con nước dâng lên ở độ cao nhất định, rùa mẹ sẽ mon men lên bờ đào tổ. Chúng tôi thường ra bãi để thực hiện nhiệm vụ của “ông bà mụ” từ 2 - 5 giờ sáng.
|
Rùa mẹ rất nhạy cảm với ánh sáng, nhất là ánh sáng trắng và tiếng ồn nên toàn bộ quá trình từ lúc rùa mẹ lên bờ tìm bãi cát phù hợp để đào tổ đến khi đẻ trứng đều phải diễn ra trong thinh lặng, không chiếu đèn vào mắt rùa và không đứng ngay đầu rùa. Cường hướng dẫn tôi và chị Quy rất kỹ lưỡng về vấn đề này.
Ai chưa quen với công việc canh rùa đẻ thì chắc hẳn ngày đầu tiên sẽ cảm thấy khá khó chịu bởi nhiệm vụ này đòi hỏi tính kiên nhẫn cao. Cường cho biết: “Quá trình sinh sản của rùa diễn ra khá lâu, kéo dài 3 tiếng hoặc hơn. Rùa mẹ thường chọn chỗ cát không bị sụt lún, không có vật cản như đá ngầm, không quá gần mép nước rồi mới chịu đào tổ đẻ trứng. Ban đầu, chúng sẽ sử dụng hai chi trước để đào một hố sâu tầm 30 - 40 cm quanh thân. Tiếp theo, rùa mẹ dùng hai chi sau để đào một hố sâu tầm 20 - 30 cm rồi bắt đầu đẻ trứng. Sau khi đẻ xong, chúng sẽ lấp cát, xóa dấu vết, bảo đảm tổ trứng được an toàn nhất rồi mới quay về biển”.
Khoảnh khắc lần đầu được cầm quả trứng rùa trên tay, tôi vừa thấy lâng lâng hạnh phúc, vừa sợ làm vỡ trứng. Cường vội trấn an đó chỉ là tâm lý bình thường của bất kỳ ai lần đầu được nâng niu trứng rùa. Chúng tưởng chừng rất mong manh nhưng lại có độ đàn hồi hơn hẳn trứng của nhiều loài nên rất khó vỡ.
Công việc bảo tồn rùa biển mùa sinh sản thật sự rất vất vả. Tôi nhớ lần đầu tiên tự tay đào trọn vẹn ổ trứng là vào ngày trời mưa xám xịt, lúc đó tự nhiên bản thân có chút xúc động. Thế mới thấy 10 ngày trải nghiệm làm công tác bảo tồn rùa biển của tình nguyện viên có sá gì so với sự tận tụy quanh năm suốt tháng nơi biển đảo xa xôi, thiếu thốn trăm bề của những nhân viên kiểm lâm.
Canh cánh những nỗi lo
Rác thải đã và đang trở thành gánh nặng của Côn Đảo nói chung và các hòn, bãi có rùa lên đẻ nói riêng. Trong đó, bao ni lông chính là kẻ thù của loài rùa bởi hình dáng của bao ni lông tựa như sứa biển - một thức ăn khoái khẩu của rùa. Nếu chúng chẳng may nhầm lẫn và ăn vào thì không thể tiêu hóa, dẫn đến rủi ro tử vong cao. Xuyên suốt chương trình, ngoài các nhiệm vụ có liên quan đến rùa, các nhóm tình nguyện viên còn dành một số buổi thu lượm rác dọc bãi biển, nơi rùa lên đẻ hằng đêm.
Mặt khác, phương thức xử lý rác thải hiện giờ tại các khu vực bãi, hòn đều là đốt mà không có cách tối ưu hơn. Anh Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng Bảo tồn và Hợp tác quốc tế của Vườn quốc gia Côn Đảo, chia sẻ: “Tôi rất mong có những cá nhân, đơn vị sẵn sàng đồng hành cùng Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo đề xuất các sáng kiến khả thi nhằm sớm giải quyết các vấn đề gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường như rác thải”.
|
Bình luận (0)