Nhiều rùa biển chết do nuốt phải túi ni lông
Anh Nguyễn Phùng Hải, 27 tuổi, nhân viên bảo tồn rùa biển, Vườn quốc gia Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vừa khiến mọi người trầm trồ với gần 20 bức tranh vẽ rùa biển, các sinh vật sống ở khu bảo tồn trên các phao nhựa hình cầu nhặt được trong quá trình gom rác ngoài đảo. Số tranh vẽ trên phao nhựa sống động này được trang trí tại khu cầu cảng rừng ngập mặn, Hòn Bảy Cạnh và cầu dẫn tới bãi rùa đẻ, Vườn quốc gia Côn Đảo.
Anh Hải cho biết một trong những công việc của anh tại Vườn quốc gia là thu gom rác trôi dạt vào bờ biển, mắc kẹt trong rừng ngập mặn để mang đi tiêu hủy. Nhiều trong số đó là các phao nhựa trên các lưới đánh bắt do các tàu đánh cá công suất lớn kéo trên biển.
Trạm trưởng trạm kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh, anh Nguyễn Đình Lý thấy những quả cầu phao đã có ý tưởng làm sao tái hiện sinh vật nơi này sống động lên đó. Với tài lẻ là vẽ sẵn có, anh Hải vẽ các hình ảnh một số sinh vật và rùa biển - loài vật được xem là biểu tượng của Vườn quốc gia Côn Đảo. Quá trình vẽ trong khoảng 12 ngày, một số đồng nghiệp phụ anh tô màu.
|
|
|
|
|
|
|
“Số phao nhựa này trôi dạt, mất cả ngàn năm mới có thể phân hủy. Cùng vô vàn loại rác thải nhựa khác nổi khắp nơi trên biển sẽ hủy hoại môi trường sống của nhiều sinh vật. Hằng năm, có nhiều con rùa biển bị chết vì các lý do như mắc bệnh, hoặc vướng vào túi ni lông, rác thải nhựa trên biển không thể thoát ra; hoặc tưởng nhầm những túi nhựa trong suốt là những con sứa - thức ăn quen thuộc của mình - nên đã nuốt không ít túi ni lông và chết.
Theo đó, mỗi bức tranh trên quả cầu như lời nhắn nhủ của chúng tôi tới du khách “Hãy cho rùa biển cơ hội được sống, bảo vệ môi trường biển cũng chính bảo vệ mái nhà của rùa biển và hệ sinh thái dưới lòng đại dương, bằng cách giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường”, Hải nói.
Niềm ao ước của người yêu rùa như yêu con
Anh Nguyễn Phùng Hải quê ở Nghệ An, là kỹ sư xây dựng, tốt nghiệp Trường ĐH Vinh. Sau một thời gian làm việc tại quê nhà, anh ra Côn Đảo sống. Vốn yêu thiên nhiên cũng như luôn có đam mê với các công việc liên quan bảo tồn thiên nhiên, anh có cơ duyên trở thành nhân viên bảo tồn rùa biển.
Em trai của Hải cũng là nhân viên kiểm lâm ở vườn quốc gia Côn Đảo, vậy là hai anh em cùng “kề vai sát cánh” trong việc bảo vệ những gì tươi đẹp thuộc về thiên nhiên.
Công việc hằng ngày của anh Hải là bảo tồn, cứu hộ rùa biển, trực rùa mẹ lên bãi đẻ, “đỡ đẻ” cho rùa... Không chỉ vậy, hằng ngày, Hải và các đồng nghiệp có nhiệm vụ trồng và bảo tồn rừng ngập mặn trong khu bảo tồn như sú, vẹt, bần...
Rùa biển sinh sản quanh năm, nhưng ở Côn Đảo rộ nhất từ tháng 5 tới tháng 8. Hằng năm, các tình nguyện viên cứu hộ rùa biển cũng tới Côn Đảo, cùng tham gia các công việc này. Yêu rùa như yêu con, gắn bó và hiểu hết tâm tính của loài rùa, anh Hải bộc bạch, niềm vui khi được làm công việc mình yêu thích giữa thiên nhiên nắng gió giúp anh quên đi những thiếu thốn về điện, nước ngọt hay sóng internet ngoài đảo.
Anh Hải kể: “Mỗi năm, vẫn có những báo cáo về tình trạng những cá thể rùa trưởng thành bị chết trôi dạt vào những bãi ven biển vì nhiều nguyên nhân khác nhau, do bệnh tật, ốm yếu và kẻ thù trong tự nhiên. Nhưng bên cạnh đó tác động trực tiếp từ con người có liên quan rất nhiều tới việc rùa biển chết. Chúng tôi thật sự mong muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng, để ngày càng phát triển được số rùa biển".
|
|
"Rùa con từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành sẽ mất khoảng 30 - 50 năm. Sau đó, nó sẽ quay về ngay chính bãi cát nó đã được sinh ra để đẻ trứng với tỷ lệ sống sót cực kỳ thấp. Do đó, mỗi con rùa sinh ra đều mang trong mình sứ mệnh của kẻ may mắn nhất, để có cơ hội được quay về lại chính nơi đây thêm một lần. Đó cũng là niềm ao ước của tất cả đội ngũ anh em bảo tồn thiên nhiên, những người đã và đang cống hiến cho vùng biển đảo này", bạn trẻ bộc bạch.
Anh Nguyễn Đình Lý, Trạm trưởng trạm kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh (Vườn quốc gia Côn Đảo), nhận xét Nguyễn Phùng Hải là bạn trẻ chăm chỉ, nhiệt huyết với công việc. Anh Lý cho biết những quả cầu phao bằng nhựa khi được Hải và các bạn trẻ tái sinh, vẽ những hình ảnh rùa biển và nhiều sinh vật sống ở vườn sẽ tô điểm thêm cho vườn, giúp nơi này có điểm nhấn hơn trong mắt du khách, đồng thời chuyển tải thông điệp cùng nhau bảo tồn rùa biển, hạn chế rác thải nhựa ra môi trường.
"Nhiều khách du lịch tới đây chụp ảnh bên những quả cầu nhựa vẽ hình rùa biển, rồi đưa lên Facebook, thế là đã cùng chúng tôi lan tỏa hình ảnh rùa biển, nhiều người sẽ tìm hiểu hơn về rùa biển, hiểu nó là động vật quý hiếm cần phải bảo tồn, không được săn bắt, tiêu thụ, buôn bán...", anh Lý nói.
Theo anh Lý, trong thời gian vừa qua, trạm kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh (Vườn quốc gia Côn Đảo) đã phát hiện, cùng các cơ quan chức năng xử lý nhiều vụ mua bán, giết mổ rùa biển trái phép, nhiều vụ bị khởi tố hình sự.
|
Bình luận (0)