Trên hành trình tiếp tục chinh phục ước mơ của mình, du học sinh Nguyễn Lan Phương (26 tuổi), hiện sống tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc), mong muốn sẽ mở một văn phòng luật dành riêng cho người Việt tại xứ sở kim chi.
TỰ THÂN TÌM CON ĐƯỜNG DU HỌC
Năm 2014, Lan Phương học ngành công tác xã hội tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội. Sau hơn một năm, cô bắt đầu mông lung về lựa chọn của mình và có quyết định về một giấc mơ du học.
"Mình đến thư viện và tìm được một quyển giáo trình tiếng Hàn khá cũ, khi mở ra thì rất hứng thú và cảm thấy mình có thể học được ngôn ngữ này. Trải qua một học kỳ, mình "đánh liều" từ bỏ ngành học hiện tại và dành ra 6 tháng để ôn thi vào khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc tại Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội", Lan Phương kể lại.
Tuy nhiên, gia đình Phương không có đủ điều kiện để cho con gái sang Hàn Quốc du học tự túc nên thời điểm ấy, giấc mơ du học đối với cô là điều rất xa xôi, và con đường duy nhất để Phương chọn chính là tìm học bổng.
"Thời gian học ở trường, mình đã chăm chỉ nỗ lực học tiếng Hàn, ở lớp dạy bài 1 thì mình đã tự học đến bài 2. Chỉ sau 2 học kỳ, mình đã đạt TOPIK cấp 4 (chứng chỉ tiếng Hàn) cùng với điểm trung bình cao nhất là 3.66/4, mình đã nhận được học bổng du học trao đổi 1 năm tại Trường ĐH Chung Ang, Hàn Quốc", cô chia sẻ.
Đầu năm 2018, Lan Phương bắt đầu tận hưởng một năm học tại Hàn Quốc. Vì vẫn muốn được trải nghiệm và tìm hiểu đất nước này nhiều hơn, nên chỉ sau 2 tháng, cô đã thi đạt TOPIK cấp 6, đủ điều kiện làm sinh viên lần thứ ba tại khoa Luật quốc tế của Trường ĐH Soongsil (Seoul, Hàn Quốc).
Thời gian đầu, Phương sống trong nhà trọ với tiền thuê 8 triệu đồng/tháng mà tất cả những gì cô có khi ấy là 40 triệu đồng do bố trợ cấp, nên chỉ trong vòng 3 tuần đầu, cô đã lao vào tìm việc làm thêm. "Mình không thể nhớ được đã làm bao nhiêu công việc. Suốt 4 năm tại Hàn Quốc, mình chỉ về VN có một lần, vì tất cả thời gian hè hay nghỉ tết mình đều đi làm. Mình làm những công việc như: thông dịch văn phòng luật; thông dịch và điều phối viên cho hai viện thẩm mỹ lớn, Hiệp hội Thủy sản Hàn Quốc; thông dịch tư vấn tâm lý cho Trung tâm giáo dục thanh thiếu niên toàn cầu Seoul và các công ty tiếp thị", Phương nhớ lại.
NỖ LỰC HẾT MÌNH
Khi được hỏi "Lý do theo đuổi ngành luật hình sự tại Hàn Quốc?", nữ du học sinh này bày tỏ: "Nhờ có thời gian làm việc tại Hiệp hội Thủy sản Hàn Quốc, mình biết bản thân hợp với ngành luật qua việc giảng dạy về luật lao động cho các thuyền viên VN. Vì muốn tìm hiểu sâu vào hệ thống pháp luật tại Hàn Quốc và thông dịch hình sự lại được dùng nhiều nhất trong tòa án, nên mình chọn để trở thành luật sư chuyên về mảng này, dù biết đây sẽ là hành trình đầy thử thách và không hề dễ dàng".
Lan Phương cho biết việc người nước ngoài học luật tại Hàn Quốc là điều vô cùng khó khăn, và hiện tại các luật sư nước ngoài tại Hàn Quốc hầu như chỉ có thể làm luật sư tư vấn chứ không có cơ hội tham gia tranh tụng. Vì vậy, việc theo đuổi con đường luật chuyên về hình sự đã khiến cho Lan Phương phải nỗ lực hết mình.
Những năm cuối tại Trường ĐH Soongsil, Lan Phương đã tham gia làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sinh viên VN tại Hàn Quốc và Ủy viên Chi hội Trường ĐH Soongsil. Với thành tích học tập xuất sắc, cô hai lần được Chính phủ Hàn Quốc trao tặng học bổng học phí GKS (2020 - 2021), đạt chứng chỉ thông dịch tư pháp và chứng chỉ thông dịch tòa án; làm thông dịch cho 5 tòa án lớn tại Seoul và Sở cảnh sát trên toàn bộ khu vực thành phố. Tháng 3.2021, Lan Phương còn xuất hiện và chia sẻ về câu chuyện của mình trên kênh phát thanh quốc tế KBS World Radio trực thuộc Đài KBS (Hàn Quốc).
Hiện tại, dù chưa nhận bằng tốt nghiệp nhưng cô đã làm trợ lý luật sư tại Công ty luật Law Win (Hàn Quốc). Tháng 3 này, cô sẽ tiếp tục học thạc sĩ luật tại Trường ĐH Quốc gia Seoul, sau khi tốt nghiệp sẽ về VN lấy chứng chỉ luật sư và trở lại Hàn Quốc thực hiện ước mơ mở công ty luật dành cho người Việt tại đây.
Là đồng nghiệp của Lan Phương, chị Nguyễn Thị Kiều Chinh (32 tuổi) chia sẻ: "Phương rất chăm chỉ và không ngại khó. Công việc ở công ty vì chuyên về luật hình sự và làm việc bằng tiếng Hàn là chính nên cũng rất khó, tuy nhiên Phương rất cố gắng. Lúc đậu vào Trường ĐH Soongsil, chỉ có Phương là người nước ngoài, học vô cùng gian nan nhưng lại đậu tốt nghiệp loại giỏi".
Bình luận (0)