TNO

Hành trình đến xích đạo - Kỳ 2: Vùng đất của người da đỏ và loài trăn 'biết thôi miên

19/04/2014 00:00 GMT+7

(iHay) Chúng tôi đã lang thang gần 600km cả đi và về để lần theo dấu vết người da đỏ.

(iHay) Chúng tôi đã lang thang gần 600km cả đi và về đến tận thượng nguồn sông Amazon để lần theo dấu vết người da đỏ ở Ecuador, những đứa con còn lại của đế chế Inca. Nhưng vùng đất huyền thoại đã khác xưa rất nhiều.

>> Hành trình đến xích đạo - Kỳ 1: Cả thế giới đều muốn tới Ecuador

 
Cesar Andi Native, người da đỏ của chính quyền, đang vẽ mặt cho du khách.

Làng da đỏ của chính quyền

Niềm mong ước lớn nhất của chúng tôi khi đặt chân đến Ecuador là được gặp những thổ dân bản địa, nơi những truyền thuyết về người da đỏ đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Nhưng dù đã thuê riêng một chiếc xe du lịch, người tài xế vẫn biết quá ít về thông tin của các bộ lạc da đỏ và không đi được đến nơi cần đến.

Rất may mắn, sau đó chúng tôi gặp bố con một cư dân “triền núi” trong hoàn cảnh rất tình cờ trên đường. Chúng tôi nhanh chóng kết bạn và được cam kết sẽ được đưa đến những bộ lạc da đỏ chính gốc. Đúng 5 giờ sáng, hai bố con dùng xe nhà đến đón chúng tôi giữa tiết trời đầy giá lạnh của Quito.

Người cha mang một cái tên rất thi vị: Victor Hugo Ldu. Trùng tên với đại văn hào Pháp, nhưng bề ngoài và tính cách của ông lại trái ngược hoàn toàn. Từng là một người lính, ông mang vẻ từng trải và khá trầm tính. Tuy nhiên, cùng với con gái Paola Morales Ldu, ông thường đi khắp đất nước để du lịch. Nơi chúng tôi được ông dẫn đến cũng là điểm du lịch quen thuộc mà cha con ông từng tới.

 
Theo lời Victor, Ecuador là một nhà nước đa văn hóa và đa sắc tộc. Có rất nhiều dân tộc với những ngôn ngữ khác nhau: Kichwa, Shuar, Achuar, Chachi, Epera, Huaorani... Ở Ecuador các dân tộc bản địa và dân tộc đóng vai trò hàng đầu. Nhưng ở quốc gia này, người da đỏ chia làm hai thành phần chính. Một số bộ lạc do chính quyền bảo trợ, chu cấp và bảo vệ. Một nhánh các bộ lạc khác sống tận trong rừng sâu, ngoài vòng luật pháp, tự cung tự cấp và vẫn sống cuộc sống hoang sơ như bao đời nay.
Khu sinh thái Puerto Misahualli mà chúng tôi đến được đặt đầu con sông Misahualli là một địa điểm đặt dưới sự bảo trợ của chính quyền điển hình. Từ đây, con sông sẽ quanh co trong rừng và đổ về dòng sông Amazon hùng vĩ. Sau khi đi chừng 4km trên sông bằng thuyền độc mộc, chúng tôi được Cesar Andi Native, một anh chàng da đỏ đón ngay đầu khu du lịch. Được nhà nước Ecuador chọn lựa từ trong bộ tộc Kechun, Cesar đến trường học của chính phủ, học và thông thạo cả hai thứ tiếng Anh và Tây Ban Nha. Là một người da đỏ nhưng anh đã trở thành một hướng dẫn viên du lịch năng động và thạo việc.

Nơi này giống như một bảo tàng về cuộc sống, văn hóa của bộ lạc Kechun từ xưa đến nay. Cesar lần lượt giới thiệu các dụng cụ săn bắt, bẫy thú, nấu nướng, quần áo… của bộ tộc. Ngoài các loài cây thuốc, thực phẩm tiêu biểu phục vụ cho cuộc sống hàng ngày, Cesar còn thay bộ đồ của thổ dân, vẽ lên mặt chúng tôi hàng loạt hình vẽ tượng trưng về sấm sét, tù trưởng… Nhưng từ đầu đến cuối, tôi vẫn luôn có cảm giác như mình bị lừa gạt. Bởi tất cả những thứ xảy ra ở đây đã được sắp xếp quá hoàn hảo mà mất đi vẻ tự nhiên. Cho đến khi Cesar giới thiệu những thứ thuốc được chế tác lại trong chai nhựa thì sự háo hức của tôi trước khi bước đến nơi này đã gần như biến mất mà thay vào đó là sự chán ngán.

Ngay cả khi Cesar lên thuyền, đưa chúng tôi đến làng Kechun của mình, sự đồng hóa của chính quyền lên người da đỏ vẫn còn hiện diện hết sức đậm nét. Cả làng đều mặc đồ như cư dân hiện đại. Giữa làng có 2 sân bóng đá, môn thể thao rất phổ biến ở Ecuador. Người lớn, trẻ nhỏ của làng đang quần thảo chạy theo trái bóng và không hề tò mò trước những người lạ. Theo Cesar, xung quanh làng này có 6 làng khác: Puka Chikta Tuyano Awatino, Sardinas Kachiwanuskka, Pununu Pukaurku, Shiripuno Chichiko Rumi, Sanpedro Sanuiconte, Kamak Maki. Mỗi làng đều có một tộc trưởng. Nhưng mỗi khi có chuyện xảy ra giữa các làng, mọi người sẽ tìm đến… chính quyền để nhờ phân xử.

Loài trăn khổng lồ biết thôi miên - Anaconda

Không khí tẻ nhạt giữa tôi và người làng Kechun chỉ phần nào thay đổi khi tất cả ngồi vào bàn… nhậu trong một căn nhà được thiết kế như quán của người hiện đại với những chai bia Pilsener quen thuộc tại Ecuador. Cesar và những người anh em tại làng khẳng định mặc dù mình sống dưới sự bảo trợ của chính quyền, cả làng vẫn giữ thói quen tự cung tự cấp như xưa. Chỉ có thu nhập của làng được thay đổi nhờ dịch vụ đón khách du lịch đến thăm.


Một góc làng Kechun.

Món cá Tilapia hấp khá đặc biệt chúng tôi được chiêu đãi cũng được đánh bắt tại sông Misahualli như thói quen đánh bắt bao đời nay của làng. Tuy nhiên, khu vực này thỉnh thoảng vẫn có trăn Nam Mỹ khổng lồ (Anaconda) xuất hiện nên mỗi khi xuống nước, mỗi người phải bôi một lớp thuốc để xua đuổi giống sinh vật nguy hiểm này. Cách làng khoảng 20km là cả một khu vực lớn loại trăn này sinh sống. Cesar khẳng định tất cả bộ lạc da đỏ đều rất sợ Anaconda vì theo truyền thuyết, loại trăn này có thể thôi miên. Chỉ mới vài ngày trước, một cư dân của làng đi câu cá đã bị Anaconda nuốt gọn. Theo người đi cùng kể lại, anh chàng này bỗng dưng vứt cần câu, cứ thế đi xuống nước mà không thể ngăn cản được.


Món cá Tilapia đặc trưng của làng Kechun.

Mặc dù sống tách biệt, lùi rất sâu trong rừng, một số bộ lạc không lệ thuộc vào chính quyền thỉnh thoảng vẫn ra làng Kechun và một số làng bên ngoài để đổi muối. Chính các bộ lạc này hiện nay vẫn còn liên tục xung đột với nhau.

Người làng Kechun kể, trong rừng vẫn còn những bộ lạc ăn thịt người. Tại bảo tàng Museo de Sitio Intiñan cũng có miêu tả quá trình bắt tù binh, lột da đầu, dùng đầu lâu làm trang sức của một số bộ lạc da đỏ ở Ecuador. Người hướng dẫn cho biết ngày nay vẫn còn một số bộ lạc duy trì tập tục này. Đầu người sẽ được cắt rời, lột hết da, sau đó ngâm tẩm phần da này vào dung dịch đặc biệt, phơi khô và sử dụng như một thứ trang sức yêu thích.

Rời làng Kechun, câu chuyện đẹp nhất mà chúng tôi nghe được lại liên quan đến một giống chim mà Cesar nuôi từ nhỏ đến lớn. Loài chim này có màu sắc sặc sỡ như vẹt. Khi đã trưởng thành và tìm được bạn đời, cả cuộc đời hai cá thể này luôn gắn kết với nhau. Khi một con chết đi, con còn lại cũng sẽ lao đầu từ trên cao xuống tự tử để chết theo. Câu chuyện ấy cũng như cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp trên sông Misahualli dù sao cũng giúp chúng tôi nguôi ngoai nỗi buồn khi tìm đến những người Anh-điêng của thời hiện đại.

 
Một thổ dân da đỏ của làng Kechun giới thiệu về làng cho du khách.


Hoàng hôn trên vùng đất huyền thoại.


Đầu người được lấy từ một bộ lạc da đỏ và hình ảnh miêu tả quá trình cắt đầu người.

Người Anh-điêng, những kẻ bị nhầm lẫn

Khi Christopher Columbus đặt chân lên châu Mĩ, ông đã gặp những người thổ dân. Columbus những tưởng đã đặt chân đến miền tây của Ấn Độ nên gọi những người thổ dân là người Indian. Về sau, khi xác định đây không phải là Ấn Độ mà là vùng đất mới thì người ta gọi chệch đi là Indians để phân biệt với người Indian (Ấn Độ). Trong tiếng Việt, người da đỏ cũng được gọi là người Anh-điêng là từ lý do này.

Những dân tộc bản xứ đã sống tại Ecuador từ lâu trước khi vùng này bị người Inca chinh phục. Thông qua các cuộc chiến tranh và những cuộc hôn nhân liên tục giữa các quốc gia khác nhau tại vùng thung lũng Interandean, vùng này đã trở thành một phần của Đế chế Inca. Sau đó, những kẻ chinh phục Tây Ban Nha, dưới quyền chỉ huy của Francisco Pizarro, đã tới đế chế Inca đang bị chia rẽ bởi nội chiến để xâm chiếm nơi này. Năm 1563, Quito trở thành nơi đóng trụ sở của một "audiencia" (quận hành chính) hoàng gia Tây Ban Nha.

    Đăng Nguyên

>> Hành trình đến xích đạo - Kỳ 1: Cả thế giới đều muốn tới Ecuador
>> Những nụ hôn ngọt ngào ở Ecuador

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.